Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch

Admin

20/01/2025 20:30

Thông tư số 52 khuyến khích các đơn vị bảo đảm quản lý tốt chất lượng nước thì được giảm tần suất nội kiểm chất lượng nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 52 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. 

Thông tư này thay thế cho Thông tư số 41 ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch và Thông tư số 26 ngày 15/12/2021 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số Điều của Thông tư số 41 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Nội dung của Thông tư bao gồm: Quy định chế độ nội kiểm, ngoại kiểm, kiểm tra và giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch- Ảnh 1.

Thông tư số 52 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch.

Về đối tượng áp dụng, ngoài những đối tượng đã có trong Thông tư số 41, Thông tư số 52 bổ sung thêm đơn vị sử dụng nước (là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu chung cư, khu tập thể, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng có bể chứa nước sạch được cung cấp bởi đơn vị cấp nước) và đơn vị, hộ gia đình tự khai thác sử dụng nước tại vùng có nguy cơ.

Về giải thích từ ngữ, Thông tư số 52 đã bổ sung thêm các khái niệm đơn vị cấp nước, đơn vị sử dụng nước, nội kiểm, ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát.

Thông tư số 52 khuyến khích các đơn vị bảo đảm quản lý tốt chất lượng nước thì được giảm tần suất nội kiểm chất lượng nước; số lượng mẫu thử nghiệm thiết kế phù hợp với thực tế hơn đối với trạm cấp nước có công suất thiết kế nhỏ hơn 1000m3/ngày đêm chỉ còn lấy 02 mẫu thử nghiệm. 

Đơn vị cấp nước có công suất thiết kế lớn hơn 1000m3/ngày đêm thì số lượng mẫu tính theo công suất thiết kế với khoảng cách chia theo công suất từ 15.000 m3 thì lấy thêm 1 mẫu tăng thêm (công suất thiết kế cao, phạm vi tác động,ảnh hưởng lớn thì số lượng mẫu thử nghiệm nhiều hơn).

Làm sao để người dân biết được thông tin chất lượng nước sinh hoạt?

Thông tư cũng đã quy định rõ hơn về thời hạn công khai thông tin đối với nội kiểm, ngoại kiểm (3 ngày làm việc, 5 ngày làm việc, 20 ngày); khắc phục các sự cố chất lượng nước không đạt về chỉ tiêu vi sinh và hóa lý; quy định rõ ràng hơn việc áp dụng để đánh giá chất lượng nước hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ; việc quy định nội kiểm của đơn vị sử dụng nước được quy định cụ thể cũng như trách nhiệm của đơn vị sử dụng nước, hộ gia đình, Sở Y tế, CDC, Trung tâm Y tế huyện được quy định cụ thể hơn.

Phần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2024/BYT có thay đổi so với QCVN 01-1:2018/BYT: nhóm A bao gồm 10 thông số (coliform tổng số, E.coli hoặc coliform chịu nhiệt, màu sắc, mùi, pH, độ đục, asen, clo dư tự do, permanganat, amoni), nhóm B bao gồm 89 thông số; cập nhật ngưỡng giới hạn của 11 thông số theo WHO năm 2022 (Coliform tổng số, Amoni, Bari, Bor, Mangan, Nitrat, Nitrit, Seleni, Trichloroethen, Pentachlorophenol, Formaldehyde). 

Ngoài ra, QCVN 01-1:2024/BYT có cập nhật các phương pháp thử nghiệm mới theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch" tại chuyên mục Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).