Quản lý nhóm thực phẩm chức năng như thế nào?

Admin

28/05/2025 00:30

(Chinhphu.vn) – Không kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, không xác thực công dụng, được tự quảng cáo mà không cần xác nhận – đây là những "điều kiện lý tưởng" để các đối tượng gian lận, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Quản lý nhóm thực phẩm chức năng như thế nào?- Ảnh 1.

TS Chu Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM

Đây là nhận định của TS Chu Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khi trao đổi với báo chí xung quanh nội dung về quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay.

"Lỗ hổng" khi đánh giá chất lượng thực tế, công dụng của sản phẩm

Theo TS Chu Quốc Thịnh, một trong những "kẽ hở" lớn mà các đối tượng lợi dụng đó là cơ chế tự công bố sản phẩm. Hiện nay, theo quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Một số đơn vị lợi dụng kẽ hở này để đăng ký dưới danh nghĩa "thương nhân", không có liên kết thực sự với nhà sản xuất. Vì vậy, khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thì đơn vị lấy tên "thương nhân" này không tồn tại.

Bên cạnh đó, những sản phẩm gọi là thực phẩm bổ sung sau khi doanh nghiệp công bố, được phép sản xuất và kinh doanh ngay. Doanh nghiệp cũng được tự quảng cáo mà không có cơ quan quản lý xác nhận nội dung quảng cáo. Vụ sản xuất thực phẩm bổ sung kẹo rau củ Kera thời gian qua bị các cơ quan chức năng xử lý là một ví dụ điển hình.

Cũng theo TS Chu Quốc Thịnh, quy định hiện tại cũng chưa có cơ chế giám sát cơ chế tự công bố. Trong hồ sơ tự công bố hiện nay chỉ kiểm soát kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn, trong khi để kiểm soát chất lượng sản phẩm phải kiểm soát chỉ tiêu chất lượng mới quan trọng. Đây chính là "lỗ hổng" khi đánh giá chất lượng thực tế hay công dụng của sản phẩm.

"Không kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, không xác thực công dụng, lại được tự quảng cáo mà không cần xác nhận – đó là điều kiện lý tưởng cho gian lận", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Quản lý nhóm thực phẩm chức năng như thế nào?- Ảnh 2.

Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất thực phẩm chức năng trên cơ sở phản ánh từ người tiêu dùng, báo chí hoặc cơ quan chức năng

Theo quy định hiện hành, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Trong đó, nhóm thực phẩm bổ sung trong hồ sơ tự công bố chỉ kiểm soát kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn; hai nhóm còn lại là thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt chưa kiểm soát về chất lượng. Chỉ duy nhất nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là kiểm soát về chỉ tiêu chất lượng, tuy nhiên hồ sơ công bố cũng rất đơn giản.

Thay đổi triệt để cách hậu kiểm

TS Chu Quốc Thịnh cho biết, Bộ Y tế đang học hỏi mô hình quản lý từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản... Các nước này đều kiểm soát chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, chỉ tiêu nguyên liệu phát triển sản phẩm, đăng ký, sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông thị trường.

Bộ cũng dự kiến chuyển nhóm thực phẩm bổ sung – hiện doanh nghiệp tự công bố, tự quảng cáo – sang nhóm bắt buộc phải đăng ký công bố và nộp hồ sơ kỹ thuật chặt chẽ, đầy đủ.

Bài 1: Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả
 10/05/2025 12:20
Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giảBài 3: Tìm đúng chỗ hổng, tổng rà soát và quyết ngăn chặn hàng giảThủ tướng: Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩmMở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả trên cả nướcLập 15 tổ kiểm tra về dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm, thiết bị y tếLập 15 tổ kiểm tra về dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm, thiết bị y tế
 22/05/2025 10:58

Theo đó, Bộ Y tế đang chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm và khắc phục các "lỗ hổng" trên.

Bộ đang đề xuất áp dụng mô hình của FDA Hoa Kỳ và một số nước tham khảo, đó là tiền kiểm hồ sơ chặt chẽ và hậu kiểm thường quy, hậu kiểm đột xuất.

Tức là, sau khi doanh nghiệp công bố sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ phải chủ động rà soát hồ sơ, lấy mẫu thị trường để kiểm tra chất lượng thực tế, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra đột xuất trên cơ sở phản ánh từ người tiêu dùng, báo chí hoặc cơ quan chức năng. Hệ thống kiểm nghiệm cũng được giao nhiệm vụ chủ động giám sát thị trường, thay vì chỉ kiểm tra theo đơn hàng như hiện nay.

"3 bên" cùng chịu trách nhiệm khi quảng cáo sai

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, dự thảo mới cũng đề xuất nhiều quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quảng cáo vốn đang bị lợi dụng tràn lan.

Cụ thể, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn; nền tảng truyền thông và cả đơn vị phát hành quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sai lệch và sai quy định.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng bộ quy tắc đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng.

Đặc biệt, để phù hợp với thực tiễn kinh doanh mới, dự thảo sẽ đề xuất bổ sung vai trò giám sát của nhiều cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Khoa học và công nghệ. Các cơ quan này sẽ cùng phối hợp trong hậu kiểm, gỡ bỏ quảng cáo sai lệch, giám sát các phòng kiểm nghiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Được biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới. Bên cạnh những đề xuất trên, dự thảo cũng đề xuất các quy định liên quan đơn giản hoá hơn nữa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, hậu kiểm để nâng cao chất lượng, kiểm soát tính năng, công dụng của thực phẩm chức năng…

Hiền Minh


Bạn đang đọc bài viết "Quản lý nhóm thực phẩm chức năng như thế nào?" tại chuyên mục Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).