Thu sai học phí
Thanh tra TPHCM vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao tại
Thanh tra TPHCM vừa có kết luận Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Theo kết luận này, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có nhiều thiếu sót, vi phạm trong tiếp công dân, khiếu nại, quản lý, sử dụng tài chính, sử dụng tài sản được giao. Đáng chú ý là thiếu sót, vi phạm liên quan đến thu học phí.
Cụ thể, trường có nguồn thu từ việc học phí các lớp ĐH chính quy, các hoạt động đào tạo dịch vụ (sau ĐH, các hệ đào tạo liên kết quốc tế, các cả lớp đào tạo liên tục), nguồn thu từ phòng khám đa khoa... Doanh thu năm 2022 là 463, 67tỷ đồng, doanh thu năm 2023 là 449,346 tỷ đồng.
Trường chưa xây dựng được biểu giá học phí theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ (do chưa xác định được chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá) nên xây dựng mức thu học phí theo khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục quốc dân. Hàng năm, Hội đồng trường có ban hành nghị quyết thông qua mức tạm tính cơ cấu giá dịch vụ giáo dục đào tạo và mức thu học phí áp dụng cho từng năm học.
Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, tại khoản 2 quy định: "Đối với học phí của các cơ sở giáo dục ĐH và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021". Qua rà soát, ghi nhận mức thu học phí của năm học 2022-2023 có tăng so với năm học 2021-2022; trường chưa thực hiện hoàn trả phần học phí được điều chỉnh giảm cho người học theo quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP nêu trên.
Ngoài ra, trường còn có một số sai sót, vi phạm liên quan sử dụng tài sản được giao, trích lập và sử dụng quỹ không đúng quy định, không thực hiện hạch toán các nguồn thu - khoản chi theo từng nội dung.
Trên cơ sở này, Chánh thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch kiểm điểm các cá nhân và tập thể liên quan. Tùy mức độ sai phạm có hình thức xử lý phù hợp, chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế, thiếu sót, sai phạm tại kết luận thanh tra.
Riêng với phần học phí, cần ban hành kế hoạch thực hiện và thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng với mức thu học phí năm học 2021-2022 theo quy định tại Nghị quyết số 165. Công bố rộng rãi và rà soát, lập danh sách hoàn trả chênh lệch học phí cho sinh viên theo quy định.
Yêu cầu dừng tuyển sinh, đào tạo sai quy định
Trong khi đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam (cơ sở tại TP Thủ Đức, TPHCM) vừa bị Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận có nhiều sai phạm trong tuyển sinh và đào tạo tại Kết luận thanh tra số 34/KL-TTr về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH đối với đơn vị này.
Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra loạt vi phạm của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường. |
Theo kết luận này, Học viện tổ chức và quản lý đào tạo trình độ ĐH không đúng quy định. Cụ thể, về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học hình thức liên thông, năm 2022, học viện xác định vượt 24 chỉ tiêu trình độ đại học hình thức liên thông chính quy từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành Công tác Xã hội. Tỷ lệ vượt là 92,3%, vi phạm quy định.
Học viện cũng xác định vượt 52 chỉ tiêu trình độ đại học hình thức liên thông vừa làm vừa học ngành Luật. Chỉ tiêu theo quy định là 11, vượt 472,7%. Cùng trình độ này, ngành Công tác xã hội xác định vượt 42 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 525%.
Sang năm 2023, học viện tiếp tục xác định vượt 6 chỉ tiêu trình độ đại học hình thức liên thông chính quy ngành Luật, tỷ lệ vượt 17,6%; ngành Công tác Xã hội xác định vượt 5 chỉ tiêu.
Trong khi đó, với trình độ đại học hình thức liên thông vừa làm vừa học, học viện xác định vượt 49 chỉ tiêu ngành Luật (vượt 445,5%); ngành Công tác Xã hội xác định vượt 8 chỉ tiêu (tỷ lệ vượt 66,7%).
Về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học hình thức liên thông vừa làm vừa học năm 2023, học viện thực hiện tuyển sinh ngành Công tác Xã hội vượt số lượng quy định. Cụ thể, số trúng tuyển, nhập học là 30, chỉ tiêu theo quy định là 12, vượt 18 chỉ tiêu.
Về hoạt động đào tạo, Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ rõ học viện thiếu căn cứ pháp lý để tuyển sinh và tổ chức đào tạo, thông tin về đội ngũ giảng dạy (cơ hữu, thỉnh giảng), cán bộ quản lý, kế hoạch và theo dõi kế hoạch giảng dạy của các lớp đang tổ chức tại cơ sở TPHCM.
Việc tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học chính quy tại trụ sở TPHCM không đúng quy định. Cụ thể, năm 2022, học viện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học chính quy ngoài cơ sở đào tạo (cơ sở TP.HCM) đối với 13 sinh viên ngành Công tác Xã hội. Năm 2023, tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học chính quy ngoài cơ sở đào tạo đối với 45 sinh viên ngành Công tác Xã hội, 39 sinh viên ngành Quản trị Du lịch và lữ hành.
Cũng tại cơ sở TPHCM, năm 2022, học viện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ không đúng quy định. Cụ thể, năm 2022, học viện tuyển sinh, đào tạo đối với 12 học viên ngành Công tác xã hội, năm 2023 tổ chức đào tạo 17 học viên ngành Công tác Xã hội.
Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn yêu cầu Học viện dừng tuyển sinh, đào tạo các trình độ ĐH chính quy, trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính không đúng quy định (tại Cơ sở TPHCM)...
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi nêu trên của Học viện, với số tiền 150 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền với những sai phạm của đơn vị và các cá nhân liên quan…