Phát biểu tại toạ đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 2-7, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết hiện nay các nền tảng trực tuyến cho phép người bán dễ dàng tiếp cận số lượng lớn người mua mà không gặp nhiều rào cản vật lý hay thủ tục kiểm duyệt nghiêm ngặt như mô hình kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, tính ẩn danh tương đối của không gian mạng khiến các đối tượng vi phạm dễ dàng thay đổi danh tính, địa chỉ hoạt động khi bị phát hiện.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
Đáng lo ngại hơn, những đối tượng bán hàng giả thậm chí còn làm quảng cáo chuyên nghiệp, bài bản hơn cả những doanh nghiệp kinh doanh hàng thật. Họ tận dụng triệt để các công cụ quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội, đánh vào tâm lý ham rẻ, thiếu thông tin của người tiêu dùng.
Song song đó, các đối tượng này ngày càng sử dụng công nghệ cao để sản xuất hàng giả tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Việc xác minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm trên môi trường mạng cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với các kênh bán lẻ truyền thống. Thông tin về nhà sản xuất, nhà phân phối thường không rõ ràng, thậm chí bị làm giả.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định và chế tài xử phạt, song việc thực thi và xử lý vi phạm trên môi trường số vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe.
Chính những điều này khiến tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối, ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo ông Phong, trách nhiệm phòng chống hàng giả trên môi trường số là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, không thuộc riêng về bất cứ chủ thể nào.
Trước hết, các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cả về hình sự lẫn dân sự. Tiếp đến, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội đóng vai trò then chốt, cần xây dựng cơ chế kiểm soát, rà soát, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, khóa tài khoản người bán gian lận, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm ban hành chính sách, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đẩy mạnh phối hợp liên ngành.
Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ, như sử dụng tem chống giả, công nghệ truy xuất nguồn gốc, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng để phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi xâm phạm.
Đặc biệt, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, mua sắm qua các kênh uy tín và mạnh dạn tố giác khi phát hiện hàng giả.
Ông Phong nhấn mạnh Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cam kết đồng hành cùng các bên trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường số. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, làm rõ hơn trách nhiệm của các sàn và nền tảng số để phù hợp với thực tiễn; khuyến khích các sàn thương mại điện tử tăng cường đầu tư công nghệ (AI, Big Data) để tự động phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và xây dựng quy trình kiểm duyệt người bán, sản phẩm chặt chẽ hơn.
"Chúng tôi đề xuất và sẽ tham gia xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu về các vụ việc, đối tượng vi phạm giữa các sàn thương mại điện tử, cũng như giữa sàn với cơ quan chức năng. Điều này sẽ giúp hình thành một cơ sở dữ liệu chung, phục vụ truy vết, xử lý vi phạm hiệu quả hơn" - ông Phong phát biểu.
Ngoài ra, VECOM sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về thủ đoạn tinh vi của hàng giả trên môi trường số, hướng dẫn cách nhận diện sản phẩm chính hãng và cách thức tố giác vi phạm.
Song song đó, hiệp hội sẽ tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và các giải pháp chống hàng giả trên không gian trực tuyến. VECOM cũng đang nghiên cứu các mô hình chống gian lận thương mại điện tử thành công trên thế giới để đề xuất áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ dần được "làm sạch", xây dựng niềm tin và phát triển bền vững" - ông Phong bày tỏ.