![]() |
Xuất khẩu 6 tháng ước tăng 14,4%, xuất siêu đạt 7,63 tỷ USD |
GDP 6 tháng có thể đạt 7,5-7,6%
Số liệu cuối cùng về tình hình kinhtế xã hội quýII và 6 tháng đầu năm 2025 sẽ chính thức được công bố trong ít ngày tới. Tuy vậy, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổ chức hôm qua (3/7), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm qua, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước... tốt hơn qua từng tháng, từng quý; kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát...
“Theo dự báo vào cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%. Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3 điểm phầm trăm so với dự báo, đạt khoảng 7,5 - 7,6%, bám sát kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%)”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam được tiếp tục dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực.
Người đứng đầu ngành tài chính còn dùng cụm từ “ngược chiều” với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới, để nhấn mạnh về xu hướng tích cực của nền kinh tế, trong bối cảnh khó khăn nối tiếp khó khăn, thách thức nối tiếp thách thức. Khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng cả nền kinh tế đã rất nỗ lực, quyết tâm, kiên định mục tiêu đề ra, bản lĩnh trong triển khai công việc và ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội đạt được những kết quả khá toàn diện.
Ngoài mức tăng trưởng GDP bám sát kịch bản đề ra, có thể viện dẫn rất nhiều con số để chứng minh cho nhận định này. Công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra, thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011. Gần 15 năm qua, chỉ có 4 năm, sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng trưởng 2 con số.
Các chỉ số đáng ghi nhận khác là xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,3%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152.700 doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).
Hôm 2/7, trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đã nhấn mạnh điều này. Thậm chí, theo bà, trong tháng 6/2025, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao kỷ lục, đạt 24.422 doanh nghiệp, gấp hơn 2 lần giai đoạn 2021 - 2024. Con số này cho thấy làn sóng khởi nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển của nền kinh tế đang được củng cố.
Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng 8%
Kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nửa đầu năm. Điều này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các thành viên Chính phủ, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh trong phiên họp hôm qua.
Càng tích cực hơn khi so với các kịch bản đặt ra, một số chỉ tiêu đã vượt. Chẳng hạn, tốc độ tăng xuất khẩu đạt 14,4%, trong khi mục tiêu là 10%; thặng dư thương mại đạt 7,63 tỷ USD, mục tiêu là 5,65 tỷ USD...


Số liệu tăng trưởng GRDP của các địa phương cũng tích cực. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 41 địa phương (trước sáp nhập) có tốc độ tăng trưởng quý II cao hơn quý I; 30 địa phương tăng trưởng trên 8%. Các địa phương trọng điểm cũng cơ bản tăng trưởng từ 8% trở lên, như TP.HCM tăng trưởng 7,82%, Hà Nội 7,63%, Bình Dương 8,3%, Đồng Nai 8,34%, Hải Phòng 11%, Quảng Ninh 11%, Nghệ An 8,2%...
Khi các địa phương tăng trưởng GRDP tích cực, sẽ góp phần quan trọng thúc tăng trưởng GDP cả nước lên cao. Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 còn nhiều thách thức. “Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, thì 6 tháng cuối năm cần tăng 8,6% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng cho biết.
Câu chuyện nằm ở chỗ, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu dự báo đối mặt với nhiều rủi ro do tăng trưởng sức mua tại các thị trường chậm lại, nhất là các thị trường chủ yếu; đơn hàng xuất khẩu giảm. Tiêu dùng 6 tháng tuy tăng trưởng tích cực, nhưng chưa có đột phá, vẫn thấp hơn mục tiêu của cả năm (12%), chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân tuy đã dần phục hồi, nhưng chưa vững chắc. Các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do... đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả...
Ít ngày trước, S&P Global đã công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI). Theo đó, chỉ số này đã giảm xuống 48,9 điểm trong tháng 6/2025, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ là nguyên nhân cơ bản.
“Tháng 6/2025 chứng kiến tình trạng yếu đi của nhu cầu quốc tế với hàng hóa sản xuất của Việt Nam khi ảnh hưởng của thuế quan mạnh hơn. Xuất khẩu giảm mạnh góp phần làm tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty phải giảm việc làm và hoạt động mua hàng”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence nói.
Nhưng đó là câu chuyện của tháng 6. Thông tin tích cực được đưa ra ngay trước thềm phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Đó là 20h ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội về việc đã “đạt được thỏa thuận về thương mại với Việt Nam”. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này được cho là sẽ tác động tích cực tới thương mại hàng hóa và kinh tế Việt Nam.
Khi nỗi lo trên phần nào được giải tỏa, các giải pháp để đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Trong hội nghị hôm qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% trong năm nay, với hàng loạt chỉ đạo về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...