Ngày 4/4 tại Thanh Hoá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7 (Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam).
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã cùng thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng, từ đó kiến nghị thúc đẩy phát triển hiệu quả hơn các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Trong đó đáng chú ý, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả của Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2023.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm 360 triệu USD, tức chỉ chiếm khoảng 1/20 trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Do đó, theo ông Khuê, việc Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu 46% đối với sản phẩm từ Việt Nam không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của ngành rau quả.
“Thực tế Doveco cũng như ngành hàng rau quả nói chung của Việt Nam hiện không có đủ hàng để xuất khẩu. Ví dụ mặt hàng dứa Doveco đang mua tại Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An những năm trước đây giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, năm nay đã lên đến 10.000 đồng/kg vẫn không có để bán”, ông Khuê nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam khẳng định thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang phát triển ổn định, với những thị trường lớn và đa dạng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc,... chứ không phụ thuộc riêng vào một thị trường như Mỹ.
Nhờ chủ động đa dạng hóa các thị trường, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu ưu tiên lựa chọn các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, từ đó giảm thiểu rủi ro và giá trị xuất khẩu tăng bền vững.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD, tức cán cân thương mại đang nghiêng về Mỹ, Mỹ xuất siêu vào Việt Nam. Thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 1,2% trong tổng nhập khẩu rau quả của Mỹ nên khả năng ngành hàng rau quả sẽ chưa bị tác động quá lớn.
Bản thân Doveco cũng đang xuất khẩu sang nhiều thị trường, với các sản phẩm đa dạng, hệ thống tiêu thụ thiết lập rộng khắp các quốc gia lớn, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Quốc. Doanh nghiệp này sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả lớn tại Ninh Bình, Sơn La, và Gia Lai, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng chục nghìn lao động.
Đặc biệt, hai vùng nguyên liệu Sơn La và Gia Lai có 70-80% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và an sinh xã hội cho các địa phương miền núi.
Với vai trò lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, duy trì các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay.