Lý do tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chỉ bằng một nửa mức trung bình thế giới

Admin

22/02/2025 20:30

Tiêu thụ cà phê bình quân đầu người của nước ta hiện chỉ khoảng 2,2kg/người/năm, trong khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới.

Thông tin trên được ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VTC News, chiều 21/2.

Theo ông, mức tiêu thụ cà phê trung bình của thế giới khoảng 5,5 kg/người/năm. Phần Lan đứng đầu danh sách toàn cầu, với mức trung bình mỗi người Phần Lan tiêu thụ khoảng 12 kg cà phê mỗi năm.

Người Việt tiêu thụ cà phê thấp so với thế giới vì một số lý do. Cà phê không phải là thức uống chính trong ngày, mà chủ yếu được uống để tỉnh táo, thay vì thưởng thức như ở các quốc gia khác.

Lý do tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chỉ bằng một nửa mức trung bình thế giới- Ảnh 1.

Đa dạng sản phẩm cà phê để thu hút người tiêu dùng. (Ảnh: Nguyễn Liến)

Hầu hết người Việt tiêu thụ cà phê hòa tan giá rẻ, thay vì cà phê chất lượng cao, điều này làm giảm mức tiêu thụ. Bên cạnh đó, văn hóa cà phê đặc sản và cà phê pha chế cao cấp chưa phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Các quán cà phê chủ yếu phục vụ các sản phẩm cơ bản, thiếu sự đa dạng về loại hình và hương vị.

Tăng cường tiêu thụ nội địa

Theo ông Trịnh Đức Minh, mục tiêu đến năm 2030, tiêu thụ cà phê nội địa đạt 3kg/người/năm, tương đương với 300.000 tấn cà phê trong nước và chỉ chiếm 18% trong tổng sản lượng 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, Brazil, quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất, cũng là nước có tỷ lệ tiêu thụ nội địa cao nhất, khoảng 30%.

Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển thị trường cà phê nội địa để tiệm cận các quốc gia tiêu thụ cao. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025 - 2030 sẽ đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm.

Báo cáo thường niên mới công bố về thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn cũng cho thấy, người Việt đang dành một khoản chiếm chi phí khá lớn trong chi tiêu cho “đi cà phê” tại các quán cà phê. Mức chi tiêu phổ biến nhất từ 41.000 - 70.000 đồng/người/lượt đi.

Hiện nay có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố, đến các chuỗi cà phê hiện đại với không gian và dịch vụ đẳng cấp. Đặc biệt, sự đa dạng về loại hình các quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang chú trọng hơn đến thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cho biết: “ Trước đây, tiêu thụ nội địa của doanh nghiệp chỉ chiếm 30%, nhưng hiện nay đã tăng lên 40%, và mục tiêu trong năm 2025 - 2026 sẽ đạt 50 - 60%. ”

Theo ông Luận, người dân hiện nay đang tiếp cận nhiều hơn với cà phê chế biến sâu chất lượng cao thông qua các sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, khi các điều luật thuế mới từ Mỹ có thể ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam, nhất là nông sản trong đó có cà phê, khi giá nguyên liệu đang ở mức cao.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Nông Trại EDE, chia sẻ: “ Mục tiêu của công ty là chinh phục thị trường nội địa, xem đây là chiến lược đảm bảo sự ổn định và an toàn trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại đang gia tăng toàn cầu ”.

Theo ông, việc tập trung vào thị trường trong nước không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn là cơ hội để doanh nghiệp củng cố vốn và phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động.

Lý do tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chỉ bằng một nửa mức trung bình thế giới- Ảnh 2.

Hoa hậu H’Hen Niê và hoa hậu Đinh Thị Hoa là đại sứ truyền thông của lễ hội cà phê năm nay

Ông Niê Y Pốt, Giám đốc Công ty cổ phần Ê Đê Café, chia sẻ rằng doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm với 95% tỷ lệ quả chín, giúp khách hàng quay lại và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm với các loại cà phê hương trái cây, sầu riêng, khoai môn để thu hút đối tượng chưa uống cà phê, tăng cường tiêu thụ trong nước với sản lượng 3-5 tấn mỗi tháng.

Về vấn đề này, ông Trịnh Đức Minh, cho rằng: “Cần tổ chức các sự kiện để giới thiệu xu hướng tiêu dùng cà phê hiện đại, như ở các quốc gia châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nơi hàng năm tổ chức nhiều cuộc thi về rang xay cà phê, thu hút nghệ nhân và người trẻ tham gia, không chỉ để giới thiệu sản phẩm mà còn để phát triển công nghệ sản xuất cà phê. Để tiêu thụ nội địa phát triển, chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa tiêu dùng cà phê trong nước, đồng thời phát triển các ngành phụ trợ liên quan”.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ 9/3 đến 13/3/2025, với các hoạt động chính thức và sự kiện hưởng ứng từ các địa phương.

So với lễ hội lần thứ 8 năm 2023, lễ hội năm 2025 sẽ có những điểm nhấn mới như cuộc thi sáng tạo nội dung số trên mạng, lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend, và hội trại cà phê tại khu di tích Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc. Đặc biệt, du khách và người dân sẽ được thưởng thức cà phê miễn phí từ hơn 500 quán cà phê tham gia phục vụ trong suốt lễ hội.

"Buôn Ma Thuột là Thủ phủ cà phê của Việt Nam, với 210.000 ha diện tích cà phê và sản lượng đạt hơn 520.000 tấn mỗi năm, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ là cơ hội để giới thiệu hình ảnh văn hóa cà phê, các tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk, từ đó thúc đẩy tiêu thụ cà phê", ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Lý do tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chỉ bằng một nửa mức trung bình thế giới" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).