Lo ngại hàng hóa 'leo thang'

Admin

22/10/2024 08:30

Không chỉ rau xanh mà thịt heo, gà, thủy hải sản… và nhiều mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng khác đều tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng.

Mỗi thứ tăng một chút

Khi ngành điện vừa thông báo tăng giá điện, ngay lập tức nhiều mặt hàng ăn uống nhảy giá theo. Trưa 21/10, chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, ngụ quận 10), dạo mấy vòng quanh khu chợ gần nhà mà vẫn chưa mua được thực phẩm cần thiết. “Giá cả nhiều thực phẩm đã tăng so với hồi đầu tháng 10 làm tôi bất ngờ quá. Tôi đến nhiều sạp hàng, tiểu thương nào cũng báo giá tăng từ 5 - 20%, thậm chí có loại còn tăng tới 50% như rau củ. Bây giờ hàng hóa đã tăng, cuối năm chắc còn tăng hơn” - Chị Thanh nói.

Lo ngại hàng hóa 'leo thang'- Ảnh 1.

Rau củ, thịt cá ở chợ tăng giá trong những ngày gần đây. Ảnh: U.P.

Khảo sát giá cả tại nhiều chợ ở TPHCM như Hòa Bình (quận 5), Hòa Hưng (quận 10), Nguyễn Thái Bình (quận 1)… các loại rau củ như xà lách, bắp cải, cà chua, đậu cô-ve… đều có giá từ 35.000 - 70.000 đồng/kg; bún tươi, hủ tiếu từ 12.000 - 20.000 đồng/kg nay tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg. “Rau củ từ Đà Lạt đang giảm mạnh sản lượng vì mưa nhiều; điện tăng giá kéo theo việc sản xuất bún, phở tăng thêm… Có thể giá này còn kéo dài đến cuối năm. Giá cả tăng, khách đến chợ thì ít, việc bán buôn rất ế ẩm” - Bà Minh, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5), nói.

Tại chợ đầu mối, giá cũng có xu hướng tăng. Cụ thể, tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), nhiều mặt hàng thủy hải sản giá đều tăng hơn so với hồi tháng 9 như cá điêu hồng 100.000 đồng/kg, cá thu 170.000 đồng/kg, tôm thẻ 180.000 đồng/kg… Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), giá thịt heo tăng từ 20 - 25% so với cùng thời điểm năm ngoái, hiện có giá khoảng 78.000 - 85.000 đồng/kg.

Nhiều quán ăn đã niêm yết giá mới từ giữa tháng 10, tất cả đều tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng tùy món. “Mỗi sáng, tôi thường ăn xôi, bánh mì lót dạ trước khi đi làm, nhưng món rẻ nhất giờ có giá trên 20.000 đồng. Còn phở, hủ tiếu, cơm tấm… đều từ 50.000 - 60.000 đồng. Người bán nói rằng do điện tăng giá; thịt, rau nhảy giá. Mỗi thứ tăng một chút nên món ăn phải lên theo” - Anh Trần Văn Tuấn (25 tuổi, tài xế công nghệ), nói.

Bà Lan, chủ tiệm tạp hóa Thiên Thảo (quận Bình Tân) mới được một đại lý sữa báo giá sữa tươi sẽ tăng thêm 5% vào cuối tháng này. Theo bà Lan, trước đây các hãng sữa có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng gần đây hầu như không còn nữa. “Để giữ chân khách hàng, chúng tôi chấp nhận lời ít lại hoặc bán huề vốn” - Bà Lan nói.

Không chỉ có sữa, các loại ca cao, cà phê cũng tăng nhanh. Hiện cà phê rang xay có giá từ 160.000 - 250.000 đồng; giá ca cao làm nguyên liệu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với cùng kỳ; giá đường lên 29.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất lo ngại giá bánh kẹo Tết có sử dụng ca cao làm nguyên liệu sẽ phải thay đổi.

Doanh nghiệp tìm cách không tăng giá

Hàng loạt chi phí đầu vào tăng giá từ nguyên liệu, điện, vận chuyển… gây áp lực đến giá thành sản phẩm khi ra thị trường. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp (DN), siêu thị tìm mọi cách không tăng giá. Bà Nguyễn Ngọc Huỳnh Anh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Tafa Group (Bình Thuận) cho biết, công ty chuyên về chăn nuôi gia cầm và sản xuất trứng gà. Tafa có trang trại rộng hơn 120 ha với khoảng 2 triệu con gà. Mỗi năm, đơn vị này cung ứng ra thị trường khoảng 1 tỷ quả trứng gà cho các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn… trên cả nước.

“Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu đầu vào khi giá tăng; tuy nhiên nhờ có đầu ra ổn định nên năm nay, Tafa cố gắng giữ ổn định giá cả như bình thường. Đồng thời, cam kết cung cấp đủ hàng cho thị trường Tết với chất lượng tốt nhất. Tafa đặt kế hoạch đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm 4 trang trại nuôi với tổng số lượng dự kiến khoảng 6 triệu con gà. Lúc đó giá cả sẽ còn mềm hơn khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng” - Bà Huỳnh Anh cho biết.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, do ảnh hưởng của xung đột ở các nước, cước phí vận chuyển nguyên liệu tăng. Ông Bình dự báo, sức mua trong dịp Tết 2025 có thể còn yếu hơn năm 2024. Hiện tại sức mua trên thị trường ảm đạm, vì vậy DN chưa thể tăng giá sản phẩm mà đang gắng gượng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin, nguồn cung sản phẩm heo hơi đang có xu hướng giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi. “Dịch bệnh cùng với mưa bão khiến hơn 26.000 con gia súc và gần 3 triệu gia cầm bị chết. Việc tái đàn ở miền Bắc gặp khó khăn. Dự báo heo hơi có thể vượt 70.000 đồng một kg thời gian tới, đẩy giá bán lẻ tại chợ tăng tiếp” - Ông Đoán nói.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ súc sản Vissan Phan Văn Dũng cho biết, giá heo hơi tăng cao khiến DN đối mặt nhiều thách thức. Vissan đang cố gắng kiềm chế giá bằng cách giảm chi phí ở các khâu không quan trọng để hỗ trợ người tiêu dùng.

Liên kết giảm giá

Liên kết với nhau để có nguồn cung thực phẩm giá tốt nhất đang được nhiều DN tại TPHCM đẩy mạnh. Mới đây, chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH CPV FOOD nhằm tăng lượng nhập thịt gà tươi chất lượng phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt cho nhu cầu tăng cao vào cận Tết. Bà Nguyễn Thị Hương Ngọc - Giám đốc mua hàng, ngành hàng thực phẩm tươi sống Bách hóa Xanh cho biết, đơn vị đã làm việc với nhiều nhà cung cấp thịt, tôm, trứng... và hầu hết đều cam kết tăng nguồn với giá bán bình ổn cho cuối năm.

Chiều 21/10, chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, dù nguyên liệu đang tăng cao nhưng các DN sản xuất lương thực thực phẩm thiết yếu tại TPHCM đều cố gắng giữ giá, để không xảy ra tình trạng lạm phát trên thị trường về giá.


Mới đây, Sở Công Thương TPHCM tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với nhiều địa phương nhằm đa dạng nguồn hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết; tạo đầu ra cho sản phẩm vùng miền. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Sở đã công bố chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết 2025. Dự kiến có 69 DN đầu mối tham gia, tăng 10 DN so với năm 2023. Đặc biệt, lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết 2025.

Bạn đang đọc bài viết "Lo ngại hàng hóa 'leo thang'" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).