Kỳ lạ người phụ nữ nhập mã OTP 99999 suốt 30 ngày để chuyển khoản nhưng không nghi ngờ gì, lúc phát hiện là lừa đảo mà vẫn không muốn biết đã mất bao nhiêu tiền

Admin

22/12/2024 12:15

Một người phụ nữ 67 tuổi chuyển tiền cho lừa đảo liên tục trong 1 tháng.

Kỳ lạ người phụ nữ nhập mã OTP 99999 suốt 30 ngày để chuyển khoản nhưng không nghi ngờ gì, lúc phát hiện là lừa đảo mà vẫn không muốn biết đã mất bao nhiêu tiền- Ảnh 1.

Theo The Straits Times, người phụ nữ đã nghỉ hưu 67 tuổi tên Grace cho biết bà bất ngờ được thông báo liên quan đến vụ rửa tiền lớn nhất Singapore khiến 10 người nước ngoài bị bắt và trục xuất. Bị đe dọa sẽ bị truy tố, bà đồng ý "hỗ trợ điều tra" và đã chuyển tổng cộng 1,19 triệu đô Sing cho những kẻ giả danh nhân viên ngân hàng, điều tra viên cảnh sát và công tố viên.

Thậm chí sau khi nói chuyện với các cảnh sát thực sự, bà cho biết vẫn không muốn biết mình đã mất bao nhiêu tiền. Bà Grace cho biết rằng, không có ý định kể cho chồng hay gia đình biết về sự việc. Bà chia sẻ: “Ngay cả khi tôi đưa lời khai cho cảnh sát, tôi cũng nói rằng mình không muốn biết mình đã mất bao nhiêu. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thực sự tìm hiểu.”

Lúc bà Grace đã ở Trung Quốc thăm người thân thì nhận được cuộc gọi sáng ngày 15/5 từ một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, nói rằng thẻ của bà đã được sử dụng cho các giao dịch đáng ngờ. Cuộc gọi sau đó được chuyển đến một người tự xưng là cảnh sát, người này yêu cầu bà Grace tránh xa gia đình để trao đổi bí mật và không nói với họ bất cứ điều gì.

Bà kể: “Họ nói với tôi, Cô phải giữ bí mật. Nếu cô nói ra, tôi không thể thực hiện điều tra.’ Vậy nên, tôi đã đồng ý.” Trong suốt 3 giờ tiếp theo, bà Grace tự nhốt mình trong một căn phòng tại nhà người thân, nói chuyện qua điện thoại với những kẻ lừa đảo.

Chúng thuyết phục bà rằng bà đang bị điều tra về rửa tiền và sẽ phải báo cáo với chúng 4 lần mỗi ngày trong suốt một tháng qua WhatsApp, nếu không sẽ bị truy tố.

Bà hoảng sợ khi nghĩ đến vụ án rửa tiền trị giá 3 tỷ USD. Bà nói: “Vì chuyện đó, tôi rất lo lắng và không muốn bị liên quan”. Vì vậy, bà tiếp tục nói chuyện với những kẻ lừa đảo.

Chúng kể cho bà về một “chương trình điều tra tài chính ưu tiên” yêu cầu bà phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng khác nhau để xác minh tiền sạch. Những chương trình như vậy không hề tồn tại, phát ngôn viên cảnh sát khẳng định.

Khi đến giờ ăn trưa, một người thân gõ cửa phòng và hỏi Grace đang làm gì. Khi Grace nói rằng mình đang giải quyết việc với ngân hàng và cảnh sát, người thân hỏi liệu bà có chắc đây là cảnh sát thật hay không. Nhưng Grace đã phớt lờ và khẳng định bà chắc chắn.

Bà quay về Singapore vào ngày hôm sau. Khoảng một tuần sau, bà đã thực hiện các giao dịch nhập mã OTP 99.999 mỗi lần theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo. Những kẻ này đã thuyết phục bà rằng các con số 5 chữ số bà nhập vào ứng dụng ngân hàng là “mã xác minh” luôn bắt đầu bằng số 9. Bà không hề biết rằng các “mã xác minh” thực chất là số tiền bà đang chuyển cho chúng.

Chúng cũng hướng dẫn bà cách nói dối với ngân hàng khi bị hỏi về các giao dịch, bảo bà nói rằng đó là để mua đồng hồ hoặc bất động sản. Trong vòng một tháng, bà đã chuyển tổng cộng 1,19 triệu USD cho những kẻ lừa đảo.

Grace nói: “Tôi rất cẩn thận vì tôi luôn nghe người ta bảo, đừng đưa OTP (mã xác thực một lần), đừng đưa mật khẩu. Tôi rất để tâm đến điều này. Nhưng trong trường hợp này, (những kẻ lừa đảo) bảo tôi rằng vì cuộc điều tra, tất cả số tiền sẽ được trả lại”.

Sự việc chỉ bị phát hiện khi ông Poh Leong Hui, một điều tra viên của đơn vị phòng chống lừa đảo tại Ngân hàng OCBC, nghi ngờ một tài khoản OCBC nhận được số tiền lớn từ tài khoản nước ngoài thuộc về Grace vào ngày 24/6. Ông đã báo cho Trung sĩ Matthew Li, sĩ quan điều tra cấp cao tại Trung tâm Chống Lừa Đảo của cảnh sát, người đã nói với Grace rằng bà có thể là nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Bốn ngày sau, bà gặp Matthew Li tại Phức hợp Cảnh sát Cantonment và vụ việc của bà được phân loại là lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ.

Theo cảnh sát và Cơ quan Tiền tệ Singapore, số vụ lừa đảo như vậy đã tăng mạnh, với ít nhất 120 triệu USD bị mất trong 1.100 vụ được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 10. Con số này gần gấp đôi so với 67 triệu USD bị mất trong 680 vụ cùng kỳ năm 2023.