Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch các tháng cuối năm 2025

Doanh nhân và Tiêu dùng

27/07/2025 21:43

TP.HCM - ngày 27/7/2025, tại Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai kế hoạch các tháng cuối năm 2025.

Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Minh Hoan, cùng với PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hiệp hộiSự kiện thu hút sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại diện các hiệp hội ngành hàng quốc gia, giới truyền thông và báo chí.

thumnail-bia-bao-nishane-1753631110.jpg

Quang cảnh buổi hội nghị

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIETRISA thay mặt BCH Hiệp hội trình bày Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai kế hoạch các tháng cuối năm 2025.

Về công tác tổ chức, hiện nay Hiệp hội có tổng số 148 hội viên. Trong đó: Hội viên là tổ chức: 11; Hội viên là doanh nghiệp: 67, tăng 22;  Hội viên là Hợp tác xã: 32; Hội viên cá nhân là 38, tăng 06. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã kết nạp Hội doanh nghiệp lúa gạo Đất Sen Hồng (SH RISA) của tỉnh Đồng Tháp vào VIETRISA.

z6847137239735-7e7a11acd894b5578d2b74791ee87399-1753627650.jpg

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIETRISA

Ông Tùng đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của Hiệp hội vào “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ĐBSCL đến năm 2030” bằng những kết quả nổi bật đó là:

1. Xây dựng và đưa vào sử dụng Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” của VIETRISA, đồng thời ban hành Quy chế tạm thời sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt xanh phát thải thấp của Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cấp Chứng nhận Quyền sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt xanh phát thải thấp” của VIETRISA cho Doanh nghiệp, cụ thể: Số doanh nghiệp được cấp: 7 doanh nghiệp;  Tổng diện tích được chứng nhận: 5.629 ha; Lượng gạo được chứng nhận: 19.200 tấn.

Đặc biệt ngày 05/6/2025, Công ty Trung An đã xuất khẩu 500 tấn gạo mang nhãn hiệu Gạo Việt xanh phát thải thấp đến Nhật.

2. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam còn tích cực tham gia với các đơn vị của Bộ và các tổ chức quốc tế triển khai các mô hình thí điểm; Trao Giấy chứng nhận liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 cho VINARICE tại Rạch Giá, Kiên Giang;

Chủ trì và đồng chủ trì các Diễn đàn, Hội thảo như: Phiên họp cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân 2024-2025 và chuẩn bị cho vụ hè thu 2025; Hội nghị Chuỗi giá trị Gạo Việt xanh, chất lượng cao và phát thải thấp; Diễn đàn “Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ - hỗ trợ Đề án 01 triệu ha; Hội thảo “Giải pháp quản lý rơm rạ kết hợp cơ giới hóa và cải thiện đất”; Hội thảo Bổ sung quy trình kỹ thuật áp dụng cho Đề án 01 triệu ha, xây dựng kế hoạch đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Việt xanh phát thải thấp” và đề xuất nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho dự án vốn vay Đề án 01 triệu ha.

3. Đóng góp thông tin tuyên truyền thông qua VIETRISA  tham gia  các sự kiện trong nước và quốc tế như: VIETRISA phối hợp IRRI tham gia triển lãm tại sự kiện AGRITECHNICA; Giới thiệu các sáng kiến của VIETRISA thực hiện Đề án 01 triệu ha tại Sự kiện Kỷ niệm 65 năm thành lập IRRI tại Manila, Philippines.

4. Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức: Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA); Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); Hội Khoa học đất Việt Nam và Hội Phân bón Việt Nam.

5. Ở mảng thông tin tuyên truyền sự kiện, ngày 08/04/2025, Hiệp hội đã ra mắt trang web VIETRISA, sau gần 3 tháng hoạt động đạt hơn 115.288 lượt truy cập. Phát động Cuộc thi “Lúa gạo Việt: nguồn cội và tương lai”: Khởi động từ 14/4/2025, đã thu hút 93 bài dự thi, trong đó có 16 tác phẩm được sơ tuyển và đăng trên trang web. Chủ đề này nhận được sự quan tâm với hơn 10.800 lượt truy cập.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp cho phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong 6 tháng cuối năm và cụ thể đối với “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ĐBSCL đến năm 2030”; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Mở rộng mạng lưới Hiệp hội trên phạm vi cả nước, hợp tác và ký kết hợp tác với các đơn vị, tổ chức; Đồng thời Nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền thông qua trang web VIETRISA.

z6847139281034-4562c5d897457819b8bd288953bb1f99-1753627650.jpg

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của Ban Chấp hành và cộng đồng hội viên VIETRISA trong việc tiên phong chuyển đổi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, hiện đại. Ông đặc biệt nhấn mạnh:

“Sự phát triển của ngành hàng không chỉ là con số sản lượng hay xuất khẩu, mà còn là câu chuyện của một cộng đồng cùng nhau kiến tạo giá trị. VIETRISA cần tiếp tục phát huy vai trò là ‘trụ cột cộng đồng ngành hàng lúa gạo’, nâng cao năng lực kết nối, đại diện và đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình xanh hóa chuỗi giá trị.”

"Phía sau Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, chúng ta không chỉ đang nói về những cánh đồng, mà là đang đối thoại với tương lai của người nông dân Việt Nam.

z6847136616510-c73eb316aa2369112d3ec6da05e425e6-1753627649.jpg

Phó Chủ tịch Lê Minh Hoan giới thiệu quyển sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của Tác giả Keith Ferrazzi, Tahl Raz; Người dịch Trần Thị Ngân Tuyến, của NXB Trẻ để truyền thông điệp về xây dựng cộng đồng và tư duy “cùng nhau” đối với Hiệp hội lúa gạo Việt Nam.

Chúng ta cần trả lời thấu đáo: Sau mỗi héc-ta đạt chuẩn, sinh kế của người nông dân ra sao? Có ổn định hơn không? Có an tâm gắn bó với đất đai, cây lúa không? Nếu chính người trồng lúa chưa được sống tử tế với nghề, thì mọi đề án dù hay đến đâu cũng chỉ là trên giấy.

Ông bày tỏ trăn trở: Gạo Việt sẽ đứng ở đâu trên bản đồ lúa gạo thế giới? Không chỉ ở chất lượng hạt gạo, mà còn ở chất lượng của câu chuyện đứng sau hạt gạo ấy. Câu chuyện về sự chuyển mình, về hệ sinh thái trách nhiệm, về những con người biết gìn giữ đất, giữ nước, giữ khí hậu được giáo dục ngay từ trên ghế nhà trường. Thương hiệu gạo Việt không thể chỉ xây dựng từ những chiến dịch quảng bá mà phải bắt đầu từ một cộng đồng tin vào giá trị mình đang tạo ra. Một cộng đồng có chung niềm tin rằng: làm ra hạt gạo xanh, sạch, chất lượng cao, không chỉ để bán, mà còn để khẳng định bản lĩnh của nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Cuối cùng ông đặc biệt lưu ý: “Chỉ khi nào người nông dân được thấy mình là một phần của tương lai ấy, thì Đề án 1 triệu ha mới thật sự có giá trị.”

z6847139690575-6fb5e90b65de2fe271919c7f0133ed74-1753627650.jpg

Ông Nguyễn Việt Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (Nay là Bộ NN&MT), Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam phát biểu góp ý cho công tác phối hợp giữa hai Hiệp hội trong thời gian tới.

z6847140871287-b2787813826422994ccb8bf08c03b431-1753627650.jpg

Dịch giả, Thầy giáo Lê Tấn Lợi - Hiệu trưởng Trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản (tỉnh Nam Định cũ nay là tỉnh Ninh Bình) chia sẻ tại hội nghị

Sự kiện còn là Diễn đàn chia sẻ về sách, tri thức và tầm quan trọng của giáo dục nông nghiệp, kỹ năng nông nghiệp xanh dành cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.