Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên

Admin

12/04/2025 13:00

Từng bị thiêu rụi trong một đêm mưa giông, nhà rông Kon Sơ Lăl nay đã được "thay áo mới". Không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, đó còn là biểu tượng thiêng liêng của người Bahnar giữa lòng Tây Nguyên.

Vị "kiến trúc sư" đặc biệt

Những ngày qua, bất chấp cái nắng oi ả và tiếng ve râm ran, làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai) trở nên nhộn nhịp lạ thường. Trong sân nhỏ, từng bó cỏ tranh, tre, nứa được tập kết sau một năm gom góp, chuẩn bị cho ngày "thay áo mới" cho nhà rông – linh hồn văn hóa của buôn làng.

Tiếng cười nói rộn ràng, ai nấy đều hồ hởi: đàn ông thoăn thoắt lợp tranh trên mái, phụ nữ phân loại vật liệu, gùi nước tiếp sức, người già bện dây mây, dạy dỗ từng thao tác, còn lũ trẻ tíu tít chạy quanh phụ giúp.

Nhà rông Kon Sơ Lăl được xem là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên hiện nay, với diện tích hơn 320m², dài 23m, rộng 10–12m, cao 20m – vượt qua cả nhà rông Kon Klor (tỉnh Kon Tum), từng giữ kỷ lục trước đó.

Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên- Ảnh 1.

Người làng "thay áo mới" cho nhà rông Kon Sơ Lăl.

Nhà rông Kon Sơ Lăl được khởi công tháng 4/2017 và hoàn thành vào tháng 8 cùng năm, sau 4 tháng thi công với gần 4.000 ngày công lao động từ chính người dân trong làng. Trước đó, suốt một năm, bà con đã tự tay chuẩn bị các vật liệu như gỗ, tre, nứa, tranh – tất cả đều do dân làng đóng góp.

Điều đặc biệt, công trình này không có bản vẽ kỹ thuật. Già làng Sôn – người không biết chữ – là “kiến trúc sư trưởng”, dẫn dắt toàn bộ quá trình dựng nhà chỉ bằng kinh nghiệm và trí nhớ dân gian.

Ngày nay, nhà rông Kon Sơ Lăl không chỉ là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách muốn khám phá nét văn hóa, kiến trúc truyền thống của người Bahnar vùng Tây Nguyên.

Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên- Ảnh 2.

Người dân cả làng phải thu thập nguyên vật liệu trong cả một năm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dưới sân nhà rông, già Sôn – “kiến trúc sư” đặc biệt của làng – với dáng người gầy, mái tóc bạc trắng vẫn miệt mài chỉ dẫn, điều phối từng phần việc. Dù không biết chữ, chưa từng cầm bản vẽ, ông lại là người nắm rõ từng khúc tre, từng độ dốc mái như lòng bàn tay.

Già Sôn chia sẻ: “Xây nhà rông là phải có hồn. Mái phải cao, lưng phải chắc như người Bahnar đứng giữa rừng sâu. Tôi không cần bản vẽ vì không biết chữ, mọi thứ đều nằm trong đầu.

Tôi bảo bà con dựng giống nhà rông cũ để dễ hình dung, nhưng mọi người thống nhất sẽ làm lớn hơn để đủ chỗ cho cả làng. Khi xây, những người có uy tín trong làng cùng tôi giám sát kỹ từng khâu để đảm bảo mọi thứ thật chính xác".

Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên- Ảnh 3.

Già Son (áo thổ cẩm) -"kiến trúc sư" của làng - đã thiết kế nhà rông lớn nhất Tây Nguyên.

Biểu tượng sự hồi sinh và đoàn kết

Theo già Sôn, nhiều năm trước, nhà rông cũ bị thiêu rụi sau một cơn giông. Không chần chừ, ông cùng dân làng quyết dựng lại, lớn hơn, cao hơn, đẹp hơn như một lời khẳng định bản sắc và tinh thần không khuất phục của dân làng Kon Sơ Lăl.

Người làng "thay áo mới" cho nhà rông.

Việc “thay áo” cho nhà rông không đơn thuần là sửa chữa. Đó là một nghi lễ của lòng người. Là lúc cả làng cùng nhìn về một hướng, cùng góp công, góp sức để gìn giữ hồn cốt tổ tiên. Mỗi bó tranh được lợp lên, mỗi thanh tre được gắn vào là một lần văn hóa truyền thống được tiếp nối.

Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên- Ảnh 4.

Hàng trăm người làng chung tay "thay áo mới" cho nhà rông, biểu tượng văn hóa của người đồng bào Tây Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, anh Rơ Châm Pưh, cán bộ văn hóa thông tin xã Hà Tây, cho biết: “Việc dựng lại nhà rông mất khoảng một năm chỉ để chuẩn bị nguyên vật liệu. Cả làng cùng chung tay. Đàn ông, thanh niên thì vào rừng lấy gỗ, tre, mây, nứa; còn phụ nữ thì đi lấy tranh về lợp mái".

Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây, chia sẻ thêm: “Theo chu kỳ 5–7 năm, dân làng lại "thay áo mới" cho nhà rông. Do nguyên liệu ngày càng khan hiếm, người dân phải chuẩn bị trước cả năm. Với bà con, nhà rông không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, mà còn là điểm đến của du khách, nhà nghiên cứu văn hóa. Đó là tài sản vô giá, là báu vật linh thiêng của cả làng".

Giữa thời đại của bê tông và thép, nơi đây vẫn còn những con người âm thầm gìn giữ mái nhà rông – như giữ gìn một phần máu thịt của mình. Với người Tây Nguyên, nhà rông là linh hồn làng. Và hôm nay, linh hồn ấy lại bừng sáng giữa đại ngàn trong "tấm áo mới", đầy kiêu hãnh và sức sống.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Nguồn lực quý giá cho hành trình du lịch di sảnKhông gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Nguồn lực quý giá cho hành trình du lịch di sản
Tham khảo thêm
Náo nhiệt lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây NguyênNáo nhiệt lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Bạn đang đọc bài viết "Hành trình "thay áo mới" cho nhà rông lớn nhất Tây Nguyên" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).