Hàng chục ngàn nông dân, nghệ nhân sinh vật cảnh sẽ tham gia Lễ hội Hoa – Kiểng Huyện Chợ Lách năm 2024

Doanh nhân và Tiêu dùng

01/12/2024 07:28

Được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, từ ngày 8/1/2025 – 12/1/2025, Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Lách sẽ tổ chức Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách. Đây là sự kiện đầu tiên của năm 2025 đón chào “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre” vừa được Chính phủ ra quyết định vào ngày 27/11/2024 (Quyết định số 1478/QĐ-TTg, ngày 27/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre);

Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách hứa hẹn là ngày hội của hàng chục ngàn nông dân giỏi các các cấp, hàng ngàn nghệ nhân sinh vật cảnh,…nơi gặp gỡ của một cộng đồng nông dân miệt vườn thông minh và không ngừng đổi mới sáng tạo. Bên cạnh mục tiêu quảng bá, nâng cao hình ảnh và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng địa phương, đây còn là dịp tôn vinh, biểu dương thành tích của nhà vườn, nghệ nhân, doanh nông tiêu biểu.

z6085290601899-b1757dea2383060d0ec9370145903481-1732981548.jpg

Ông Phạm Anh Linh – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Lách cho biết: Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách không chỉ là một sự kiện giao thương, mua bán thuần tuý. Không chỉ là nơi bán sản phẩm hoa kiểng, cây giống, trái cây hay con gà nòi của Chợ Lách một cách thông thường. Lễ hội là không gian văn hoá mang tính đặc hữu địa phương được hình thành từ sản xuất nông nghiệp đặc trưng là kinh tế vườn, nghề làm cây giống, hoa kiểng hàng trăm năm trên vùng đất cù lao. Lễ hội mang đến thông điệp liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của huyện nhà. Trong đó, vị thế của nhà vườn, nghệ nhân và doanh nông miệt vườn Chợ Lách phải được nâng cao, đặt để đúng mức.

Từ đó, Chợ Lách cũng cho thấy sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án của tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Quảng bá thương hiệu địa phương, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của huyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân”.

z6085141429240-c0a4416e0c6c00fc1641b099ef7d8cd7-1732982052.jpg

Nông dân làng hoa giấy Phú Sơn đang tất bật chuẩn bị các sản phẩm hoa giấy cho Lễ hội và Tết nguyên đán 2025

Lễ hội mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới, vừa sáng tạo, đầy cảm xúc trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội huyện nhà. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược cơ cấu nông nghiệp địa phương. Từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần đến kinh tế nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và hướng đến chia sẻ giá trị văn hoá nông nghiệp vốn được hình thành mang tính đặc hữu của một vùng đất mang trong mình lịch sử nghề làm cây giống, hoa kiểng hàng trăm năm nay – “Văn minh miệt vườn”, “Văn minh sông nước”.

z6085290610593-99f0c60312c7c50dddeb796951e66c1d-1732982085.gif

Lễ hội dự kiến thu hút 1000 đại biểu khách mời quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, nghệ nhân, nhà vườn tiêu biểu. Khoảng 20.000 lượt khách tham quan, khách du lịch tham dự trong suốt các ngày diễn ra Lễ hội giữa rực rỡ sắc hoa Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách.

z6085290622057-e0b6fc6fae6c0551ca619e437bcdc8cb-1732981170.gif

Với hơn 100 gian hàng thương mại thuộc các lĩnh vực:  Hoa kiểng, cây giống; Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp liên quan đến ngành hàng hoa kiểng, cây giống; Gà nòi và các mô hình nuôi gà nòi tại vườn cây ăn trái huyện Chợ Lách; Dịch vụ cung ứng kỹ thuật, công nghệ chọn giống, chăm sóc gà nòi; Doanh nghiệp cung ứng giải pháp ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh nông nghiệp Chợ Lách; Khu, điểm, cơ sở kinh doanh, vườn,... phục vụ các dịch vụ du lịch miệt vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn; Làng nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ; Ẩm thực miệt vườn và ẩm thực hội nhập vùng miền, quốc tế...

z6085140890075-c3f1c604c4d8657503382a31ef129660-1732981191.gif

Bộ thiết kế 5 linh vật biểu tượng của Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách: Gà nòi, hoa giấy, hoa mai, cây giống và cúc mâm xôi sẽ được ra mắt tại Lễ hội

Lễ Khai mạc Lễ hội sẽ diễn ra vào lúc 18g30, ngày 8/1/2025 tại sân khấu chính (SVĐ Phú Sơn, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) với chương trình nghệ thuật đặc biệt, chủ đề “Dòng chảy và Khát vọng” giúp khách tham quan hiểu thêm về Đất và Người Chợ Lách.

Chủ đạo câu chuyện về lịch sử, thành tựu và khát vọng phát triển quê hương do chính nông dân, bà con nhà vườn Chợ Lách giới thiệu và biểu diễn.

Chương trình có sự tham gia của Hoa hậu Môi trường quốc tế Nguyễn Thanh Hà, những người con thành danh của quê hương Chợ Lách,...cùng với bà con nhà vườn,...

Tiết mục trình diễn áo bà ba của nhiều thế hệ nông dân nhà vườn Chợ Lách, đặc biệt toàn bộ chất liệu vải may từ sợi thân chuối, mang thông điệp chung tay phát triển kinh tế xanh huyện nông thôn mới.

Không gian tài tử miệt vườn Chợ Lách sẽ được dàn dựng trên sân khấu. Dưới những mảnh vườn, “dòng chảy” của di sản “Tình Đất - Tình Người” được trao truyền qua bao thế hệ, cho khát vọng quê hương mình: CHỢ LÁCH, THẮM MÃI NHỮNG MÙA HOA.

z6085290634950-16a2de95943532f1791a862c7e0c6413-1732982114.jpg

Bộ nhận diện thương hiệu của Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách

Ngoài hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách có các hoạt động diễn ra xuyên suốt từ ngày 8/1/2025 đến ngày 12/1/2025 tại các không gian, khu vực bao gồm:

1. Không gian văn hoá chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách năm 2025 diễn ra tại Khu K26, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Quy tụ lần đầu tiên tại quê hương được xem là “cái nôi” của gà nòi Nam Bộ hàng trăm kê sư, chủ kê cả nước tham gia tranh cúp “Hoàng Kê Chợ Lách”. Tại đây các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực chăn nuôi gia cầm trong nước và quốc tế sẽ cung cấp và chia sẻ thông tin khoa học, kỹ thuật về giống và chăm sóc gà nòi. Bảo tồn nguồn gen quý cũng như phát triển không gian văn hoá chọi gà nòi nghệ thuật như một hoạt động văn hoá góp phần phát triển du lịch nông thôn.

2. Không gian văn hoá sinh vật cảnh huyện Chợ Lách tại Bonsai Minh Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Quy tụ hàng ngàn nghệ nhân cây kiểng, bonsai tại địa phương và các tỉnh, thành trên cả nước. Tham gia thi và trưng bày hai loại hình: Mai vàng và Bonsai. Giao lưu với các nghệ nhân tạo tác Bonsai uy tín bậc nhất của Việt Nam và Đài Loan – Trình diễn tạo tác Bonsai. Ra mắt không gian “Nghệ nhân Chợ Lách đọc sách cùng Xích Lô”, góp phần cung cấp sách, thông tin và điểm sinh hoạt định kỳ cho các nghệ nhân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tay nghề, kết nối thông tin thị trường.

3. Không gian văn hoá Đờn ca tài tử diễn ra tại Rooster Mekong Garden & Villas, Long Thới, huyện Chợ Lách. Bao gồm Thi diễn đờn ca tài tử, khuyến khích các sáng tác mới, nhằm thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử địa phương, hướng đến xây dựng dịch vụ trải nghiệm văn hoá nghệ thuật cho khách du lịch khi đến địa phương.

4. Không gian du lịch, ẩm thực và trò chơi dân gian miệt vườn tại Sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Giới thiệu các hoạt động cộng đồng trải nghiệm ẩm thực và trò chơi dân gian sẽ được diễn ra hàng ngày.

5. Không gian trưng bày thành tựu kinh tế nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu huyện Chợ Lách: Trưng bày và triển lãm những thành tựu kinh tế nông nghiệp huyện Chợ Lách: Trồng trọt; Sản xuất hoa kiểng, cây giống (cây đầu dòng, vườn đầu dòng); Mô hình nuôi gà nòi dưới vườn cây ăn trái; Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” – OCOP; Ứng dụng KHCN trong chuyển đổi số và kinh tế xanh nông nghiệp Chợ Lách; Sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu của các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện diễn ra tại Sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách.

6. Không gian phiên chợ livestream Hoa – Kiểng: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hoa, kiểng và cây giống nổi bật cùng với các phiên chợ livestream do chính những nông dân Chợ Lách thực hiện sáng tạo nội dung, trực tiếp bán hàng livestream với sự đồng hành của các KOLs, doanh nghiệp công nghệ và Logocstic tại Sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách.

z6085290640716-e3a8a3a666833292a9368a9991959032-1732981181.jpg

Đầu bếp sao Michelin tại Pháp, ông Hervé Rodriguez - Đại sứ dự án “OCOP Việt trên bàn tiệc” trải nghiệm và thưởng thức đặc sản trái cây tại Chợ Lách

Một số hoạt động được tổ chức trong thời gian diễn ra Lễ hội:

1.  Hội thảo Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kết nối giao thương ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách.

2. Diễu hành xe hoa thiết kế biểu tượng thành tựu kinh tế nông nghiệp và thương hiệu đặc trưng địa phương.

3. Hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “chiến thần” livetsream ngành hàng hoa, kiểng huyện Chợ Lách.

4. Hội thi chế biến bánh ngọt và pha chế thức uống từ nguyên liệu nông sản địa phương.

5. Giới thiệu và đón tiếp các đoàn khách du lịch, Cty lữ hành kết nối 03 chương trình tour – tuyến mới được công bố trong khuôn khổ lễ hội.

6. Cuộc thi ảnh đẹp Chợ Lách: Trưng bày ảnh đẹp tại sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách.

7. Ra mắt bộ linh vật, mascot của Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách và bộ sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch.

8. Tổ chức xếp đặt và trang trí các cụm tiểu cảnh, đại cảnh theo chủ đề, bố trí tại các điểm đến, tạo ấn tượng thu hút và hấp dẫn khách tham quan.

9. Sáng tác ca khúc riêng cho Lễ hội; Tổ chức chương trình văn hoá, nghệ thuật đặc sắc hàng đêm.

10. Công bố sàn giao dịch thương mại điện tử ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách.

11. Đấu giá các “chiến kê” gà nòi gây quỹ hỗ trợ các mô hình kinh tế khởi nghiệp nuôi gà nòi đẻ trứng, nuôi gà nòi dưới vườn cây ăn trái,…

z6085290617193-da344276eaf148810210543eac430bb2-1732981234.gif

Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách, tháng 1/2025 là sự kiện chính trị, văn hoá ý nghĩa, được tổ chức trước thềm Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre – 17/1 và Tết Nguyên đán của dân tộc. Lễ hội mang đến thông điệp tích cực cho thấy sự đồng thuận của người dân trong định hướng chiến lược của các cấp lãnh đạo trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội huyện nhà. Góp phần quan trọng khẳng định và quyết tâm giữ vững thương hiệu “Chợ Lách” đối với các ngành hàng chủ lực địa phương. Thông qua Lễ hội cho thấy diện mạo nông dân nhà vườn Chợ Lách năng động, đổi mới sáng tạo, luôn chủ động, thích ứng trước biến đổi khí hậu, xu hướng thương mại mới, xu thế kinh tế xanh và chuyển đổi số.

Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 8/1/2025 đến ngày 12/1/2025 tại Làng Văn hoá du lịch huyện Chợ Lách. Đây là mô hình làng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Hàng chục ngàn nông dân, nghệ nhân sinh vật cảnh sẽ tham gia Lễ hội Hoa – Kiểng Huyện Chợ Lách năm 2024" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).