"Gói AI" linh hoạt cho bộ máy chính quyền

Admin

27/04/2025 17:00

Cần có những gói AI "đo ni đóng giày" cho từng cơ quan, tổ chức khi sắp xếp bộ máy chính quyền

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cơ sở là yêu cầu, cũng là cơ hội để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý. Công việc này cần phải có hướng dẫn cụ thể và thống nhất từ trung ương để vừa có cơ sở dữ liệu (CSDL) hợp nhất và thống nhất vừa tránh lãng phí.

Yêu cầu cấp thiết

Lần sáp nhập, sắp xếp lại cấp phường, xã tại TP HCM vào cuối năm 2024 với quy mô nhỏ (80 phường của 10 quận) là bước "tập dượt" để rút kinh nghiệm. Cuộc cải tổ bộ máy chính quyền trong năm 2025 không chỉ có quy mô toàn quốc - giảm tới 60%-70% số xã, phường - mà còn thay đổi sâu và khác biệt hơn khi bỏ cấp quận, huyện.

Việc sắp xếp bộ máy chính quyền cả nước, thay đổi về địa giới hành chính, địa danh, các loại dữ liệu của các địa phương sẽ phát sinh lượng CSDL khổng lồ. Các CSDL chuyên ngành, CSDL chung từ địa phương tới cấp quốc gia đều phải hiệu chỉnh. Với khối lượng công việc này, nếu thực hiện theo phương thức thủ công thì không thể, mà cần ứng dụng công nghệ AI. Ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia về ứng dụng AI, cho rằng việc "gộp tỉnh - bỏ huyện - ghép phường/xã" buộc mọi hệ thống phần mềm phải gộp dữ liệu tỉnh, thành cũ qua mới hàng loạt và hệ lụy từ việc đứt đoạn dữ liệu liền mạch là lâu dài, đặc biệt tốn rất nhiều chi phí. Theo ông Phúc, để thực hiện hiệu quả tiến trình này, cần ứng dụng AI bởi độ phức tạp về dữ liệu địa giới hành chính cũ - mới sau sắp xếp.

Trước tiên, bắt đầu từ những CSDL nền tảng cấp quốc gia về dân cư. Mọi thông tin về thay đổi CSDL cần được cơ quan chức năng tự động cập nhật. Sau này, khi có việc cần sử dụng các thông tin về địa phương, nơi sinh, quê quán, nơi cư trú…, người dân không cần tự thay đổi mà tất cả đã có trên CSDL quốc gia và các ứng dụng, dịch vụ hành chính công tự động truy xuất. Điều quan trọng nhất là người dân không cần phải tiến hành xin xác thực, chứng minh địa chỉ mới là từ địa chỉ cũ nào.

"Gói AI" linh hoạt cho bộ máy chính quyền- Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường 8, quận 10, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một số chuyên gia đề nghị với các thông tin về dân cư, bên cạnh việc cập nhật thông tin mới, CSDL nên có thêm mục phụ thể hiện các thông tin cũ. Chẳng hạn, thông tin địa chỉ của người dân ở TP HCM mới sau sáp nhập có thêm thông tin về địa chỉ cũ (đặc biệt là những người trước đây thuộc tỉnh Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây cũng chính là thời điểm để ứng dụng định danh điện tử VNeID phát huy vị thế là một "ứng dụng tổng". Với lợi thế là được Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, C06, Bộ Công an) phát triển trên nền tảng CSDL về dân cư và căn cước công dân, ứng dụng VNeID có điều kiện và cũng bắt buộc phải cập nhật các thông tin mới trước tiên.

Tại cuộc tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" được tổ chức ở TP Hà Nội mới đây, ông Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết: Việc cập nhật thông tin địa giới hành chính sẽ được C06 phối hợp với công an địa phương cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được cập nhập dữ liệu trên hệ thống của phần mềm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ở trung ương cần có hướng dẫn thống nhất và cụ thể, có bộ công cụ cơ bản, để các ngành và các địa phương tiến hành cập nhật thông tin về địa giới hành chính mới một cách thống nhất, chính xác và đạt chuẩn để có thể tích hợp và liên thông.

Hoàn thiện khung pháp lý

Từ kinh nghiệm của thế giới và qua thực tế triển khai ở Việt Nam thời gian qua, việc tăng cường ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các phía. Nó vừa giúp cải thiện hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước - trong đó có tính an toàn và minh bạch - vừa phục vụ nhân dân tốt hơn, nhanh chóng và thuận tiện.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện vẫn mang tính cục bộ, thậm chí thử nghiệm. Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức nhà nước dù hiểu rõ nhu cầu và lợi ích của AI nhưng còn lúng túng trong việc ứng dụng. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã đề nghị cần sớm có hướng dẫn để triển khai ứng dụng AI trong chính quyền các cấp. Ông nêu thực trạng: "Hiện nay, dữ liệu đã có nhưng công tác triển khai AI còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về việc ứng dụng AI để bảo đảm an toàn và đúng đắn".

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng AI cần nhất là phải có tính hiệu quả tức thời và hợp lý. Cuộc chơi AI" trên toàn cầu luôn được coi là "cỗ máy ngốn tiền". Nhưng việc triển khai AI cho bộ máy nhà nước lại không được phép lãng phí. Cần có những giải pháp hay những gói AI theo kiểu "đo ni đóng giày" cho từng cơ quan, tổ chức. Tránh tình trạng triển khai ngay với quy mô lớn vừa kém hiệu quả, khó quản lý vừa gây nhiều lãng phí.

Các tập đoàn công nghệ quốc gia, các công ty AI lớn cần phải tham gia vào công tác ứng dụng AI cho bộ máy nhà nước. Ngoài việc nhận các "đơn đặt hàng" của các cơ quan, cần chủ động xây dựng những ứng dụng, những gói AI đa dạng và linh hoạt có thể tinh chỉnh cho từng cơ quan, tổ chức. 

Hạn chế rủi ro

Theo hãng IBM (Mỹ), giống như các công nghệ tiên tiến khác, AI và tự động hóa có tiềm năng cải thiện cuộc sống người dân nhưng cũng mang đến những rủi ro đáng kể. Hãng công nghệ này khuyến cáo cần sự vào cuộc của cấp chính phủ để áp dụng những giải pháp AI đáng tin cậy, đồng thời cung cấp hướng dẫn về việc triển khai và sử dụng hệ thống AI một cách an toàn và bảo mật.


Bạn đang đọc bài viết ""Gói AI" linh hoạt cho bộ máy chính quyền" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).