Giải ngân vốn bồi thường ở TP HCM: 4 địa phương bị nêu tên

Admin

09/07/2025 21:00

TP HCM yêu cầu chốt tiến độ 332 dự án dở dang, ưu tiên cao tốc Mộc Bài, quốc lộ 13 và siết giải ngân bồi thường đạt kế hoạch năm 2025.

Ngày 9-7, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 tháng cuối năm 2025. Hội nghị do ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì.

Giải ngân vốn bồi thường ở TP HCM: 4 địa phương bị nêu tên- Ảnh 1.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM, phát biểu khai mạc hội nghị

Bốn dự án lớn cần ưu tiên đẩy mạnh

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Bá Trung Nam, Trưởng phòng Bồi thường, cho biết thành phố có 542 dự án đang thực hiện. Trong số này, 159 dự án thuộc kế hoạch vốn bồi thường năm 2024 với tổng vốn hơn 34.156 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 49,36%. Có 104 dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2025 với tổng vốn hơn 23.846 tỉ đồng, giải ngân đạt 81,52%.

Bốn dự án lớn cần ưu tiên đẩy mạnh là dự án cải tạo kênh Đôi (đã chi trả 55,46%, còn 607 trường hợp); dự án Rạch Xuyên Tâm mới giải quyết 18% trường hợp; hai dự án vừa giải ngân là cao tốc TP HCM - Mộc Bài (4.333 tỉ đồng) và quốc lộ 13 (12.435 tỉ đồng).

Quốc hội vừa thông qua dự án Vành đai 4 với chi phí bồi thường hơn 8.200 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố đang chuẩn bị triển khai các dự án lớn như nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên, tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối Thủ Thiêm - Long Trường - sân bay Long Thành.

Tập trung dứt điểm với dự án còn dở dang

Sở yêu cầu 22 Ban Bồi thường đẩy nhanh tiến độ chi trả, tập trung dứt điểm với dự án còn dở dang trong năm 2025, đặc biệt cao tốc Mộc Bài và quốc lộ 13. Đồng thời, các ban cần xây dựng kế hoạch cho các dự án nhận vốn năm 2026.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị thuộc TP Thủ Đức cũ chủ trì phối hợp địa phương liên quan thuê đơn vị uy tín phát triển phần mềm quản lý dự án nhằm cập nhật tiến độ chi trả minh bạch, chính xác. Các nơi ít dự án (như quận 1, 3, 5, 6, 7 trước đây) cần điều phối nhân lực hỗ trợ các đơn vị đang quá tải như quận 8, Bình Thạnh, Củ Chi cũ.

4 địa phương giải ngân chậm

Tính đến hết tháng 6-2025, TP HCM giải ngân vốn bồi thường năm 2024 đạt 97,97%, vốn năm 2025 đạt 81,52%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: quận 11, Tân Bình (100%), quận 4 (92,49%), Củ Chi (90,16%), Thủ Đức (83,31%). Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương giải ngân chậm gồm quận 10, Bình Thạnh, quận 3 và Nhà Bè, trong đó Bình Thạnh, quận 3 và Nhà Bè gần như chưa giải ngân.

Sở nhấn mạnh vai trò Hội đồng bồi thường cấp xã trong việc xử lý các dự án nhỏ, ít hộ bị ảnh hưởng. Căn cứ Nghị định 151/2025/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã được giao quyền phê duyệt nhiều quyết định liên quan thu hồi đất và bồi thường.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục phối hợp chặt với các địa phương, đẩy nhanh giải ngân, rà soát tiến độ các dự án, giải quyết dứt điểm vướng mắc, chủ động tham mưu thành phố trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm các chỉ tiêu giải ngân theo kế hoạch năm 2025.

Yêu cầu chốt tiến độ 332 dự án

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở đã giải quyết 405 hồ sơ, trình UBND TP HCM 11 trường hợp, phối hợp sở ngành 146 hồ sơ, cấp quận huyện 147 hồ sơ và báo cáo Trung ương một số trường hợp đặc biệt. Tỷ lệ giải ngân đạt 81,2%, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân đầu tư công toàn TP lên 37,5%, vượt kế hoạch quý II và cao hơn cùng kỳ 2024.

Dự án bờ Bắc kênh Đôi triển khai hiệu quả, toàn bộ hồ sơ đã được quận 8 trước đây phê duyệt. Ngược lại, dự án Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh cũ) đang chậm tiến độ do khó khăn phối hợp. Ông Trực yêu cầu khẩn trương hoàn tất hồ sơ thu hồi đất, chuyển giao cho UBND cấp xã theo Nghị định 151/2025.

Với 332 dự án dở dang từ năm 2023 về trước, trong đó 192 dự án đang chi trả, các Ban Bồi thường phải lập kế hoạch chi tiết, báo cáo cụ thể để xử lý trước ngày 30-12-2025.

Riêng cao tốc TP HCM – Mộc Bài, đề nghị chủ đầu tư phối hợp các địa phương liên quan bồi thường cho 2.300 trường hợp. Dự án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành và đường sắt cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua TP Thủ Đức trước đây) cần sớm ban hành thông báo thu hồi đất. Các địa phương được yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo bồi thường để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Bạn đang đọc bài viết "Giải ngân vốn bồi thường ở TP HCM: 4 địa phương bị nêu tên" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).