Giá dầu thô Brent trung bình năm 2024 ở mức khoảng 80 USD/thùng, là năm giảm thứ 2 liên tiếp do đà hồi phục nhu cầu sau đại dịch bước vào giai đoạn đình trệ, kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, và Mỹ cùng các nhà sản xuất khác không thuộc OPEC tăng cường cung cấp dầu thô ra thế giới trong bối cảnh thị trường dầu toàn cầu đã đủ nguồn cung.
Dầu Brent kết thúc năm 2024 ở mức giá 74,64 USD/thùng, giảm khoảng 3% so với một năm trước, trong khi dầu Tây Texas của Mỹ (WTI) giá 71,72 USD/thùng, gần như đi ngang so với một năm trước.
Vào tháng 9/2024, giá dầu Brent kết thúc ở dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021 và giá dầu Brent năm 2024 nhìn chung giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với ngưỡng giá trên của mấy năm gần đây, khi nhu cầu xăng dầu hồi phục sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine.
Giá dầu Brent giảm năm thứ 2 liên tiếp.
Kết quả khảo sát 31 nhà kinh tế và nhà phân tích do Reuters thực hiện mới đây cho thấy dự đoán giá dầu Brent trung bình năm 2025 sẽ ở mức 74,33 USD/thùng, giảm so với 74,53 USD dự báo hồi tháng 11/2024, là lần điều chỉnh giảm thứ 8 liên tiếp.
Trong khi đó, dầu WTI được dự đoán sẽ trung bình 70,86 USD/thùng trong năm 2025, cũng giảm so với 70,69 USD dự đoán trước đó một tháng. Lý do bởi nhu cầu của Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục yếu và nguồn cung tăng trên toàn cầu, mặc dù OPEC+ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nguồn cung.
Hầu hết những người tham gia khảo sát đều dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ dư cung vào năm 2025.
"Sản lượng tăng từ các nước không thuộc OPEC dự kiến sẽ duy trì nguồn cung dồi dào cho thị trường. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi thì sự chuyển dịch sang xe điện có khả năng sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu", Sehul Bhatt, giám đốc nghiên cứu tại CRISIL cho biết.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) mới đây cũng nhận định thị trường dầu mỏ sẽ bước vào năm 2025 trong tình trạng dư thừa, trên cơ sở hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2024 và 2025, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu yếu ở Trung Quốc. JPMorgan cũng dự đoán nguồn cung sẽ vượt cầu tới 1,2 triệu thùng mỗi ngày (bpd).
OPEC+, nguồn cung cấp khoảng một nửa lượng dầu của thế giới, tại cuộc họp vào tháng 12/2024 đã lùi thời điểm bắt đầu tăng sản lượng dầu thêm 3 tháng (cho đến tháng 4/2025) và kéo dài thời gian gỡ bỏ hoàn toàn các đợt cắt giảm sản lượng thêm một năm (cho đến cuối năm 2026).
"Quyết định này được đưa ra dựa trên dự báo rằng tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ vượt cầu vào năm 2025. Điều này khiến OPEC+ không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng... chúng tôi dự đoán OPEC+ sẽ tiếp tục trì hoãn việc gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng cho đến quý 4 năm 2025", Florian Grunberger, nhà phân tích cấp cao tại công ty dữ liệu và phân tích Kpler cho biết.
Trong khi đó, IEA dự báo sản lượng dầu thô của các quốc gia ngoài OPEC+ sẽ tăng thêm 1 triệu thùng/ ngày trong năm 2025, dẫn đầu bởi Mỹ, Canada, Guyana, Argentina và Brazil. Do đó, ngay cả khi OPEC+ duy trì mức cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng/ngày hiện tại cho tới hết năm 2025, thị trường dầu thô thế giới sẽ vẫn dư thừa khoảng 0,95 triệu thùng/ngày.
Kết quả khảo sát cho thấy các nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 0,4 triệu đến 1,3 triệu bpd vào năm 2025. Con số này tương đương với ước tính của OPEC về tăng trưởng nhu cầu trong năm 2025, là 1,45 triệu bpd.
Triển vọng kinh tế Mỹ năm 2025 và những chính sách liên quan đến năng lượng trong năm này cũng sẽ có tác động lớn tới thị trường dầu mỏ. Thị trường cũng đang chuẩn bị cho những thay đổi chính sách đáng kể, bao gồm thuế quan, bãi bỏ quy định và sửa đổi thuế khi Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, giá dầu dự báo sẽ không giảm mạnh. Một số nhà phân tích tin rằng nguồn cung có thể thắt chặt vào năm 2025 tùy thuộc vào các chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, bao gồm cả các chính sách trừng phạt.
"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng chính trị Mỹ không quan trọng như nhiều người nghĩ khi nói đến tác động đến giá dầu và ngành dầu khí trong nước của Mỹ", Kim Fustier, giám đốc nghiên cứu dầu khí châu Âu tại HSBC cho biết.
Ngoài ra, xung đột địa chính trị, đặc biệt là tại Trung Đông, sẽ tiếp tục là yếu tố có tác động lớn giá dầu. Tình hình bất ổn tại Syria sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad bị lật đổ đã khiến sự ổn định của khu vực này trở nên mong manh hơn. Nguy cơ về một cuộc xung đột có thể lan rộng ra toàn khu vực là hiện hữu, đe dọa làm gián đoạn dòng chảy dầu thô từ Trung Đông.
Đồng thời, không phải ai cũng đánh giá cao tác động từ chính trị Mỹ đối với nhu cầu dầu. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư đang theo dõi triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong năm 2025. Lãi suất giảm xuống thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.
Tham khảo: Reuters