Du lịch Thái Nguyên: Tiềm năng lớn, vì sao chưa bứt phá?

Admin

31/03/2025 12:17

Dù sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn như bản cộng đồng Thái Hải hay vùng chè Tân Cương..., du lịch Thái Nguyên vẫn chưa thực sự trở thành điểm dừng chân dài ngày với khách du lịch.

Văn hóa bản địa đặc sắc

Thái Nguyên – mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, hiện đang lưu giữ hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích cấp quốc gia và 237 di tích cấp tỉnh. Không chỉ vậy, Thái Nguyên còn tự hào với 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 23 di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhằm khai thác hiệu quả các địa danh lịch sử - văn hóa, ngành du lịch Thái Nguyên đã phát triển nhiều tuyến du lịch đặc sắc, kết nối những địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh. 

Những hành trình như Di tích Lý Nam Đế (Tp.Phổ Yên) – Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái – Chùa Hang (Tp.Thái Nguyên) – Đền Đuổm (Phú Lương) – Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Định Hóa) hay Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc – Di tích núi Văn, núi Võ – Di tích lịch sử 27/7 (Đại Từ) không chỉ mang đến những trải nghiệm du lịch mà còn giúp du khách hiểu hơn về chiều sâu lịch sử của vùng đất cách mạng này.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn đã trở thành một trong bốn dòng sản phẩm chiến lược của Thái Nguyên. Nổi bật nhất trong đó là bản Thái Hải, một không gian văn hóa độc đáo đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022".

Du lịch Thái Nguyên: Tiềm năng lớn, vì sao chưa bứt phá?- Ảnh 1.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Ảnh: Đỗ Tuấn).

Ra đời từ năm 2003, bản Thái Hải không chỉ là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Tày – Nùng – Dao, mà còn là điểm đến hấp dẫn, nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn giữa thiên nhiên trong lành. Nét đặc biệt của cộng đồng này nằm ở cách vận hành mang tính sẻ chia, mọi tài sản, sản phẩm lao động đều thuộc về tập thể, không ai có sở hữu riêng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng bản Thái Hải cho biết, mỗi ngày ở đây bắt đầu từ 5h sáng, khi tiếng mõ vang lên báo hiệu một ngày mới. Đàn ông nhóm bếp, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động, còn phụ nữ tất bật ra giếng làng múc nước, đun trà. 

Sau bữa sáng chung, mỗi người lại tỏa đi làm nhiệm vụ của mình, người lên rừng lấy củi, trồng rau, người chăn nuôi, đánh bắt cá, người đón tiếp khách tham quan, còn trẻ nhỏ thì đến lớp học.

"Vào những dịp lễ quan trọng như mùng Một, ngày Rằm, Tết cơm mới hay đầu năm mới, bản làng tổ chức các nghi thức truyền thống để tri ân tổ tiên và cầu mong một năm bình an. 

Tất cả các hoạt động trong làng từ trồng cây, nuôi gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, chế biến chè xanh đến nấu rượu đều gắn liền với nguyên tắc hài hòa với thiên nhiên, không tác động tiêu cực đến môi trường", bà Hải nói.

Du lịch Thái Nguyên: Tiềm năng lớn, vì sao chưa bứt phá?- Ảnh 2.

Bản làng Thái Hải tổ chức Lễ hội Lồng Tồng vào mồng 6 tháng Giêng (AL) hằng năm.

Một nét độc đáo khác của bản Thái Hải chính là mô hình quản lý quỹ chung. Toàn bộ thu nhập từ sản xuất và đón khách du lịch đều được nộp vào quỹ làng. 

Từ quỹ này, trưởng làng sẽ phân bổ chi phí cho tất cả nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của từng cá nhân, từ chữa bệnh đến học tập, thậm chí hỗ trợ cả những ai có mong muốn du học. Mọi quyết định quan trọng của bản làng đều do trưởng làng đảm nhiệm, như một người cha tinh thần của cả cộng đồng.

Nhờ sự độc đáo và giá trị nhân văn này, bản Thái Hải không chỉ trở thành một điểm đến du lịch mà còn là biểu tượng của một mô hình sống bền vững, nơi con người gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và cùng nhau gìn giữ những di sản quý báu của cha ông.

Điểm đến hấp dẫn nhưng chưa hút khách dài ngày

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, Thái Nguyên đang nỗ lực phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Địa phương cũng tăng cường liên kết với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là Hà Nội, để xây dựng những tuyến du lịch mới, mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn như bản cộng đồng Thái Hải hay vùng chè Tân Cương, du lịch Thái Nguyên vẫn chưa thực sự trở thành điểm dừng chân dài ngày. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, một trong những rào cản lớn là cách làm truyền thông còn hạn chế. 

"Đa phần người dân tự quảng bá điểm đến nhưng thiếu chiến lược bài bản. Để Thái Nguyên được biết đến rộng rãi hơn, cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp lữ hành. Quan trọng nhất là xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ để hình thành các tuyến điểm du lịch hấp dẫn", ông Thắng nhấn mạnh.

Du lịch Thái Nguyên: Tiềm năng lớn, vì sao chưa bứt phá?- Ảnh 3.

Chuyên gia nhận định, Tân Cương nổi tiếng cả nước với thương hiệu trà thượng hạng, nhưng chưa có ai thực sự kể câu chuyện hấp dẫn về loại đặc sản này để thu hút du khách.

Chia sẻ về thách thức này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Kim Oanh thừa nhận, du khách đến với Thái Nguyên hiện nay chủ yếu đi trong ngày, rất ít người lưu trú dài hơn. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm kéo dài từ một đến ba ngày, đồng thời kết nối với các tỉnh, thành để tạo ra các tuyến du lịch liên vùng.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Bàn Chân Việt chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại đó là nhiều điểm đến sau khi liên kết với doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour, thu hút được một lượng khách nhất định thì lại tự tách ra hoạt động riêng lẻ, theo kiểu "tự sản, tự tiêu". Điều này không chỉ làm mất đi sự chuyên nghiệp mà còn khiến du lịch Thái Nguyên thiếu tính bền vững.

Một trong những tiềm năng lớn chưa được khai thác hiệu quả chính là văn hóa trà. Ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, Tân Cương nổi tiếng cả nước với thương hiệu trà thượng hạng, nhưng chưa có ai thực sự kể câu chuyện hấp dẫn về loại đặc sản này để thu hút du khách. 

"Nếu muốn phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, Thái Nguyên cần nâng tầm trải nghiệm trà thành một môn nghệ thuật thực sự. Điều này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc vào công tác thuyết minh, sáng tạo các sản phẩm độc đáo từ trà như bánh trà xanh, trà matcha…, phù hợp với thị hiếu hiện nay", ông Thắng đề xuất.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần II tổ chức tại Thái Nguyên

Hà Nội, với kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, cam kết sẽ hỗ trợ Thái Nguyên trong công tác đào tạo, tập huấn và nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân. 

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Thái Nguyên trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn cách vận hành homestay, sử dụng vật liệu bản địa, đào tạo nhân lực và tạo chuỗi cung ứng dịch vụ.

"Nếu làm tốt, du lịch cộng đồng của Thái Nguyên không chỉ dừng lại ở việc đón khách đến nghỉ dưỡng mà còn trở thành một hệ sinh thái du lịch bền vững, giúp người dân vừa khai thác thế mạnh địa phương, vừa đảm bảo thu nhập ổn định", ông Hiếu nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Thái Nguyên: Tiềm năng lớn, vì sao chưa bứt phá?" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).