Dự án xịn nhất Việt Nam lọt top 16 công trình được mong chờ nhất thế giới, vừa chốt điều chỉnh mới, công nghệ xây dựng hiện đại hàng đầu

Admin

31/03/2025 07:05

Siêu dự án sân bay Long Thành vừa được chốt điều chỉnh mới.


Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành (Đồng Nai), có tổng diện tích gần 5.000ha và tổng mức đầu tư lên tới 16 tỷ USD (hơn 336.630 tỷ đồng). Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm rất lớn, đường lối đúng đắn, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 29/3/2025 phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Quyết định số 692/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 về Chủ đầu tư Dự án thành phần 4 như sau:

Dự án thành phần 4 - các công trình khác: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các công trình: (1) Hệ thống ống dẫn nhiên liệu cho tàu bay từ cảng đầu nguồn tới ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (2) Thành phố cảng hàng không; (3) Khu công nghiệp hàng không; (4) Trung tâm điều hành hãng hàng không.

Bộ Xây dựng tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với khu bảo trì tàu bay (từ hangar số 1 đến số 4), nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa từ số 5 đến số 8.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện đầu tư các hạng mục: kho giao nhận hàng hóa từ số 1 đến số 4, hệ thống điện năng lượng mặt trời, hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với các công trình dịch vụ hàng không.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu đầu tư xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 1777/QĐ-TTg như sau: Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 02 đường cất hạ cánh; 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Điều chỉnh, bổ sung khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1777/QĐ-TTg về nội dung và quy mô đầu tư xây dựng giai đoạn 1 như sau: Hạ tầng khu bay: xây dựng 02 đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m (Bm= 45 m, Blề= 2x15 m) và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quyết định 692/QĐ-TTg cũng điều chỉnh, bổ sung nội dung về Tổng mức đầu tư Dự án (khoản 14 Điều 1 Quyết định số 1777/QĐ-TTg) như sau:

Tổng mức đầu tư Dự án là 109.717,499 tỷ đồng (thay cho mức 109.111,742 tỷ đồng tại Quyết định 1777/QĐ-TTg), tương đương 4.690,78 triệu USD (tỷ giá 1 USD = 23.390 VND công bố tại Vietcombank ngày 25 tháng 5 năm 2020).

Thời gian thực hiện Dự án: 2020 - 2026 (cơ bản hoàn thành trong năm 2025).

Triển khai thực hiện các dự án thành phần: Giao thẩm quyền của người quyết định đầu tư cho các đơn vị chủ quản các cơ quan quản lý nhà nước đối với Dự án thành phần 1, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đối với Dự án thành phần 2, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đối với Dự án thành phần 3 và một số hạng mục thuộc Dự án thành phần 4 được nêu tại khoản 3 Điều 1, các chủ đầu tư do Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai lựa chọn đối với Dự án thành phần 4 và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời điều chỉnh, bổ sung phần ghi chú của Phụ lục tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (kèm theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ):

Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu của cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện, bao gồm: hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ô tô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông...); công trình tại khu bay (02 đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME...); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.

Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (29/3/2025).

Ngoài ra, sân bay Long Thành được ứng dụng nhiều công nghệ xây dựng mới. ACV cho biết, trước khi chính thức khởi công, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mục kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.

BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.

Ban Quản lý dự án đã áp dụng BIM 360, là mô hình tiên tiến ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số, được sử dụng xuyên suốt trong vòng đời dự án từ thiết kế, xây dựng, quản lý dự án. Ứng dụng này góp phần giải quyết các xung đột, giao cắt giữa các hạng mục; giúp chủ đầu tư và cơ quan quản lý có cái nhìn trực quan, triển khai dự án thuận lợi, chính xác.