'Đôi cánh' để hàng không Việt Nam xanh hơn, cạnh tranh hơn

Admin

21/05/2025 00:30

Chiều 20/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), và tham gia vào Chương trình Bù đắp và giảm phát thải carbon hàng không quốc tế (CORSIA) của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).

'Đôi cánh' để hàng không Việt Nam xanh hơn, cạnh tranh hơn- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững và tham gia Chương trình Bù đắp và giảm phát thải carbon hàng không quốc tế là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu của ngành hàng không Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển SAF, tham gia Chương trình CORSIA hướng tới hai mục tiêu: Bảo đảm năng lực cạnh tranh của ngành hàng không; thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Chủ động thích ứng với các tiêu chuẩn mới về phát thải

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF - Sustainable Aviation Fuel) được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tái tạo như dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị… có khả năng giảm phát thải khí nhà kính tới 80% so với nhiên liệu phản lực truyền thống (Jet A-1). SAF có thể được pha trộn với Jet A-1 và sử dụng trực tiếp cho máy bay hiện tại mà không cần thay đổi hạ tầng kỹ thuật.

Tại châu Âu, việc sử dụng SAF đã được luật hóa trong Quy định số 2023/2405 (RefuelEU), yêu cầu các chuyến bay đi/đến các cảng hàng không của Liên minh châu Âu (EU) phải sử dụng tối thiểu 2% SAF từ năm 2025, tăng dần lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và 70% vào năm 2050. Những chuyến bay không tuân thủ quy định RefuelEU sẽ bị xử phạt.

Bên cạnh đó, Chương trình CORSIA của ICAO cũng đặt mục tiêu đưa ngành hàng không đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, thông qua việc khuyến khích các hãng hàng không sử dụng SAF kết hợp với các biện pháp công nghệ và mua tín chỉ carbon để bù đắp phần phát thải vượt mức cơ sở năm 2019.

Đáng chú ý, nhiều quốc gia cũng đã quy định chính sách SAF đối với các chuyến bay quốc tế và quốc nội như: Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, Anh…

Theo dự báo, trong giai đoạn 2025–2030, việc sử dụng SAF có thể làm tăng chi phí nhiên liệu của ngành hàng không Việt Nam khoảng 25 triệu USD, tương đương 4,5–5,5 triệu USD/năm. Do đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Các hãng hàng không Việt Nam hiện đã thích ứng với các quy định SAF của EU khi khai thác các đường bay tới khu vực này; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tham gia Chương trình CORSIA theo lộ trình ICAO đã đề ra.

Đại diện các bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, doanh nghiệp hàng không, khai thác dịch vụ cảng hàng không, xăng dầu đã báo cáo về năng lực thích ứng, đánh giá mức độ tác động đến hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh khi sử dụng SAF, tham gia chương trình CORSIA; quy mô, nhu cầu sử dụng SAF tại Việt Nam; khả năng cung cấp, sản xuất SAF của các doanh nghiệp xăng dầu trong nước, nhất là tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước như phụ phẩm nông nghiệp và rác thải đô thị và tham gia chuỗi cung ứng SAF đồng bộ từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất và phân phối; chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phân phối SAF tại Việt Nam…

'Đôi cánh' để hàng không Việt Nam xanh hơn, cạnh tranh hơn- Ảnh 2.

Đại điện các bộ, ngành, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp về phát triển nhiên liệu hàng không bền vững, cũng như tham gia hiệu quả vào Chương trình Bù đắp và giảm phát thải carbon hàng không quốc tế của ICAO - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khẩn trương xây dựng nghị định thí điểm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc tham gia Chương trình CORSIA cảu ICAO là xu thế tất yếu, không chỉ là trách nhiệm quốc tế, mà còn là cơ hội để ngành hàng không Việt Nam nâng cao năng lực, chủ động thích ứng với các rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng. SAF còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh và bền vững.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc đăng ký tham gia Chương trình CORSIA theo đúng lộ trình.

Bộ Xây dựng làm việc với ICAO để tiếp nhận hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật, đào tạo nhân lực, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến CORSIA; chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thí điểm về sử dụng SAF, thực hiện CORSIA trong ngành hàng không, kể cả cho các chuyến bay nội địa, và khuyến khích sản xuất SAF trong nước; thành lập cơ quan chứng nhận trong nước, hướng tới xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn để tự đánh giá và chứng nhận nhiên liệu SAF.

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu trong nước chủ động xây dựng đề án phát triển sản xuất SAF trong nước, bao gồm công nghệ, đất đai, thuế, tài chính, đánh giá thị trường… bảo đảm hiệu quả, tránh cạnh tranh nội bộ.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu bay rà soát, bổ sung hạ tầng kho chứa, đường ống, hệ thống tra nạp nhiên liệu SAF tại các sân bay quốc tế lớn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng khung pháp lý cho thị trường carbon, triển khai cơ chế trao đổi tín chỉ carbon và công nhận phương pháp tính toán khí thải của ngành hàng không phù hợp với tiêu chuẩn ICAO.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ Tài chính, Ngoại giao nghiên cứu cơ chế thu phí đối với các chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam; chính sách thuế và hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích phát triển thị trường SAF trong nước; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất SAF trong nước; phối hợp với ICAO và Liên minh châu Âu (EU) trong quá trình đàm phán, nhằm bảo đảm thống nhất, hài hoà các tiêu chuẩn chung;…


Bạn đang đọc bài viết "'Đôi cánh' để hàng không Việt Nam xanh hơn, cạnh tranh hơn" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).