Định hình không gian công nghiệp của TP HCM

Admin

18/07/2025 08:03

TP HCM sau khi sáp nhập tạo ra một không gian công nghiệp tích hợp vô cùng mạnh mẽ.

Ngày 17-7, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế (BCEC), Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP HCM - Từ tiềm năng đến hành động".

Cần hạ tầng khu công nghiệp lẫn logistics

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết khu vực công nghiệp - xây dựng hiện đóng góp khoảng 30% GRDP, là nền tảng quan trọng để TP HCM hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Tuy nhiên, công nghiệp TP HCM còn đối mặt nhiều thách thức, trong đó chi phí logistics cao (chiếm 16%-20% giá thành sản phẩm).

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhìn nhận hạ tầng logistics đang là nút thắt lớn nhất, đặc biệt tuyến Long Thành - Cái Mép "mất kết nối", khi hàng hóa từ cụm Tân Uyên, Bàu Bàng vẫn phải đi đường vòng, chi phí cao, phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Do đó, cần có giải pháp đầu tư ngay đường sắt chuyên dụng phục vụ công nghiệp, kết nối các khu sản xuất trọng điểm đến cảng biển.

Định hình không gian công nghiệp của TP HCM- Ảnh 1.

Hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu điểm vượt trội để TP HCM thu hút mạnh vốn đầu tư

"Nếu không có chiến lược logistics đa phương thức, TP HCM rất khó để đạt được tăng trưởng công nghiệp 2 con số" - TS Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận.

Theo đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - doanh nghiệp (DN) có hoạt động liên quan trực tiếp lĩnh vực logistics, cho biết mỗi lần vận chuyển khí từ Thị Vải về Bình Dương (cũ) rất tốn kém, cần hạ tầng logistics tốt hơn. "TP HCM có thể nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp gần khu vực cảng nước sâu, sẽ tiết kiệm chi phí logistics cho DN rất nhiều" - đại diện DN này đề xuất.

Với góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, ông Arami Hiromasa, Tổng Giám đốc Công ty Tosoh Việt Nam Polyurethane, cho rằng việc hợp nhất TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là rất hợp lý, giúp gia tăng tiềm lực cũng như tạo không gian phát triển nhiều hơn, đặc biệt là hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, TP HCM phải giải được bài toán về ùn tắc giao thông thì DN mới yên tâm làm ăn.

"Tôi đi từ khu vực Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) lên tới phường Bình Dương mất hơn 4 giờ, quá nhiều thời gian ngồi trên xe!" - ông Arami Hiromasa nêu thực trạng.

Liên kết chặt chẽ giữa "3 nhà"

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Lộc Hà cho biết sau khi sáp nhập, thành phố mới không chỉ được mở rộng không gian phát triển mà còn trở thành một "siêu đô thị" với diện tích hơn 6.770 km², dân số trên 14 triệu người, quy mô kinh tế, nguồn lực, tiềm năng vượt trội. Đây là cơ hội vàng để TP HCM phát huy tối đa lợi thế.

Theo ông Hà, TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây tập trung gần 50% DN tư nhân cả nước; là trung tâm sản xuất, logistics, dịch vụ công nghiệp hàng đầu. Tuy nhiên, tỉ trọng công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm; công nghiệp truyền thống còn thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh chưa tương xứng tiềm năng.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh vai trò liên kết chặt chẽ giữa "3 nhà", gồm: nhà nước - nhà trường - DN. Trong đó, nhà nước kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc. Nhà trường là trung tâm cung cấp tri thức, nguồn nhân lực, nền tảng nghiên cứu, khoa học - công nghệ. Còn DN tham gia quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ, đồng thời cung cấp các đơn đặt hàng đào tạo và chia sẻ nguồn lực.

Để biến tiềm năng thành hành động, lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phải bắt tay triển khai một loạt nhiệm vụ. Cụ thể, Sở Công Thương đề xuất những giải pháp phù hợp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển cơ khí chế tạo, hóa chất, chip, điện tử, vi mạch bán dẫn; công nghiệp đường sắt cao tốc… Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu các chính sách đẩy mạnh những chương trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối viện trường - DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghệ mới, đẩy mạnh hợp tác công - tư…

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM, cho rằng nếu TP HCM tiếp tục phụ thuộc vào lao động giá rẻ và mô hình truyền thống, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất rõ ràng. Theo ông, công nghiệp mới phải gia tăng giá trị, dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Ông cho rằng TP HCM cần tái phân bố không gian, xây vành đai công nghiệp - dịch vụ - cảng biển.

Theo ông Trần Du Lịch, không gian mở rộng sau sáp nhập là cơ hội để TP HCM vẽ lại bản đồ phát triển công nghiệp. Với hơn 8.000 ha đất công nghiệp hiện hữu và 1.000 ha khu công nghệ cao, TP HCM cần phân bổ hợp lý thay vì dồn vào khu vực trung tâm. 

Định hướng thu hút 21 tỉ USD vào công nghiệp

Cùng ngày, đề cập định hướng phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) của TP HCM tại hội thảo "Cơ hội vàng từ bất động sản công nghiệp TP HCM" do Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM (Hepza) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) cùng các đơn vị liên quan tổ chức, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý Hepza, cho biết từ ngày 1-7, TP HCM có 66 KCX-KCN với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 105 KCX-KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, các KCX-KCN ở TP HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư khoảng 21 tỉ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 - 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.

"TP HCM đang hướng đến mô hình phát triển KCN bền vững. Thành phố đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số KCX-KCN, đặc biệt là chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các DN tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nhà đầu tư..." - ông Trần Việt Hà nhấn mạnh.

T.Nhân


Bạn đang đọc bài viết "Định hình không gian công nghiệp của TP HCM" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).