Điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vụ nghi ngờ ngộ độc khiến 33 người mắc

Admin

12/04/2025 13:30

(Chinhphu.vn) - 33 người mắc là học sinh, giáo viên, tình nguyện viên, sau khi ăn bữa trưa do một cơ sở nấu ăn tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cung cấp, có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vụ nghi ngờ ngộ độc khiến 33 người mắc- Ảnh 1.

An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà máy...

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp khẩn trương tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc.

Đồng thời, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm nếu phát hiện nguy cơ có thể tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo tới cộng đồng.

Tăng cường các biện pháp quản lý, đặc biệt trong các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiệm việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, đảm bảo vệ sinh trong suốt quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm.

Khuyến cáo bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể

Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phốMối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố
 30/11/2024 15:44

Theo Cục An toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà máy và các buổi tiệc lớn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những môi trường này, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào.

Tức là lựa chọn nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm; kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; sử dụng nguyên liệu tươi, tránh thực phẩm ôi thiu, có dấu hiệu hư hỏng; bảo quản nguyên liệu đúng cách: thịt, cá trong tủ đông; rau củ để nơi thoáng mát

Vệ sinh khu chế biến, nhà bếp sạch sẽ, có hệ thống thoát nước tốt, không đọng nước; dụng cụ chế biến (dao, thớt, nồi, chảo…) cần vệ sinh thường xuyên, phân biệt dao, thớt sử dụng cho thực phẩm sống và chín; phân khu rõ ràng giữa khu sơ chế, khu chế biến và khu nấu nướng để tránh nhiễm chéo.

Rác thải thực phẩm phải được xử lý đúng cách, không để lâu trong bếp.

Đồng thời, đảm bảo vệ sinh cá nhân của nhân viên, rửa tay sạch trước khi chế biến, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với thực phẩm sống.

Không làm việc nếu có dấu hiệu bệnh (cảm cúm, tiêu chảy…) để tránh lây nhiễm thực phẩm. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm soát quy trình nấu, không để thức ăn chín tiếp xúc với thực phẩm sống, không dùng dầu chiên lại nhiều lần, hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Thức ăn nấu xong phải dùng trong thời gian cho phép, tránh để quá lâu, bảo quản thực phẩm chín trong tủ giữ nhiệt hoặc ngăn mát tủ lạnh nếu chưa sử dụng ngay, dụng cụ đựng thức ăn phải sạch sẽ, không dùng chung giữa thực phẩm sống và chín. Nước uống phải đảm bảo vệ sinh, dùng nước đóng chai hoặc nước đun sôi.

Hiền Minh


Bạn đang đọc bài viết "Điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vụ nghi ngờ ngộ độc khiến 33 người mắc" tại chuyên mục Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).