Đề xuất tạm cho xe đi lên vỉa hè, thực hư ra sao?

Admin

05/02/2025 12:30

Trước diễn biến ùn tắc dịp cận Tết, UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất việc sử dụng tạm thời vỉa hè trong các hoạt động giao thông.

Nội dung này tới nay vẫn khiến nhiều người băn khoăn do hiểu rằng có chủ trương cho xe lưu thông tạm thời trên vỉa hè để giảm ùn tắc. Vậy thực hư thế nào? Các bên liên quan nhìn nhận ra sao về câu chuyện này?

Nhiều ý kiến không đồng tình

Trước Tết Nguyên đán, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông, rà soát, đề xuất việc sử dụng tạm thời vỉa hè trong thời gian cuối năm, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài. Thông tin được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều quanh việc có nên sử dụng tạm thời vỉa hè vào mục đích lưu thông.

Đề xuất tạm cho xe đi lên vỉa hè, thực hư ra sao?- Ảnh 1.

Nhiều xe máy chạy lên vỉa hè đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) - Ảnh: Châu Tuấn/Tuổi trẻ Online

Anh Minh Tuấn và nhiều thính giả chia sẻ ý kiến qua fanpage VOV Giao thông cho rằng, đề xuất này khiến nhiều người hiểu là sẽ được “dùng tạm” vỉa hè cho phương tiện lưu thông: “Tôi khá bất ngờ khi đọc thông tin này, phải chăng áp lực giao thông cuối năm khiến các cơ quan quản lý phải đưa ra quy định này. Cho người dân sử dụng tạm thời vỉa hè trong các hoạt động giao thông thì nhiều người hiểu là cho xe đi lên vỉa hè để đi được nhanh hơn. Như thế thì trái với Luật và Nghị định 168 vừa ban hành”.

Là người am hiểu tình hình giao thông tại TP.HCM dịp cuối năm, PGS - TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia giao thông đô thị nói rằng, ông không đồng ý với phương án tổ chức giao thông sử dụng vỉa hè cho các mục đích khác. Kể cả trong trường hợp áp dụng tạm thời thì theo ông Tống cũng không giúp việc lưu thoát phương tiện dễ dàng hơn: “Vỉa hè nếu có áp dụng cũng sẽ không giúp cho giao thông thông thoáng, tôi không đồng ý việc chạy xe máy lên vỉa hè vì gạch trên vỉa hè không phải làm để chạy xe nên sẽ hư, bể rất nhiều nên các vấn đề cần giải quyết hợp lý, hệ thống chứ không nên là giải pháp đối phó, không mang lai hiệu quả và gây trở ngại cho người khác”.

TS. Phan Lê Bình, Phó trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản nêu quan điểm về đề xuất việc dùng tạm vỉa hè cho lưu thông trong văn bản của TP.HCM dẫn tới những cách hiểu khác nhau, nhưng dễ khiến mọi người liên tưởng tới việc cho phép phương tiện có thể đi trên vỉa hè: “Không chỉ chuyên gia giao thông và mọi người dân đều hình dung như vậy; trong bối cảnh ùn tắc giao thông dịp cuối năm mà có thể cho phép phương tiện lưu thông trên vỉa hè thì tôi khó lòng ủng hộ được đề xuất này bởi vỉa hè chỉ để dành cho người đi bộ”.

Chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật nhận định, việc một địa phương tổ chức lại giao thông trong một khoảng thời gian nhất định hoặc trong những tình huống khẩn cấp như có tai nạn, sự cố, cháy nổ là sự can thiệp cần thiết, tuy nhiên, ông Dương cho rằng, văn bản trên lại hướng tới việc sử dụng thường xuyên vỉa hè cho mục đích lưu thông: “Theo tôi hiểu đề xuất này hướng tới việc sử dụng tương đối thường xuyên, chứ không phải những tình huống đơn lẻ, bất ngờ. Nếu áp dụng tràn lan sẽ có những hệ lụy khi người ta cho rằng cứ có tắc đường là được đi trên vỉa hè thoải mái. Ở đây là một thứ ngoại lệ trong việc chấp hành pháp luật mà ngoại lệ thì luôn cần điều kiện và nguyên tắc chặt chẽ”.

Thực tế ra sao?

Về nguyên tắc, luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương không thể cao hơn các quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ; do đó, các quy định này nếu có thì cần phải xem xét lại: “Mặc dù đối mặt với tắc đường thì chúng ta cần có giải pháp để bảo vệ tính đúng đắn của pháp luật, không thể vì tắc đường mà cho phương tiện đi lên vỉa hè rồi có những phải pháp không phù hợp với quy định pháp luật. Muốn xây dựng xã hội văn minh, chúng ta buộc phải đưa yếu tố thượng tôn pháp luật lên hàng đầu và có thể cổ súy cho việc vi phạm pháp luật trong tương lai”.

Ngày 3/2/2025, trao đổi cùng phóng viên VOV Giao thông quanh việc có nên sử dụng tạm thời vỉa hè vào mục đích lưu thông, một vị đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM giải thích rằng, việc dùng tạm vỉa hè cho lưu thông trong văn bản vừa nêu được hiểu là rà soát các vị trí vỉa hè đang được sử dụng vào mục đích khác như để xe hai bánh nơi công cộng, trạm sạc, chỗ buôn bán hàng hóa... Việc rà soát các vị trí này nhằm xem xét các điểm đó có ảnh hưởng đến giao không hay không, qua đó giúp đảm bảo giao thông được thông suốt.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế, trong nhiều trường hợp và tình huống cấp thiết, để đảm bảo an toàn và tính mạng của người dân thì vỉa hè có thể được trưng dụng cho những mục đích khác. Tuy nhiên, những quy định liên quan tới nó cần được rõ ràng về mục đích, phạm vi, điều kiện áp dụng, thời gian áp dụng, tránh việc một văn bản mà có những cách hiểu khác nhau.

Đặc biệt khi có cách hiểu không đúng tinh thần của văn bản thì cần có đính chính, thông tin lại kịp thời tới người dân.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất tạm cho xe đi lên vỉa hè, thực hư ra sao?" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).