Đánh thuế bất động sản bỏ hoang để chặn đầu cơ, nhiễu loạn thị trường

Admin

28/05/2025 13:00

Theo các chuyên gia, cần sớm có sắc thuế hợp lý nhắm đến các bất động sản bỏ hoang nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà đất, hướng dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.

Đánh thuế bất động sản bỏ hoang để chặn đầu cơ, nhiễu loạn thị trường- Ảnh 1.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế đối với bất động sản không đưa vào sử dụng, cũng như phần chênh lệch giá đất với giá bán.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tại nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đã xuất hiện hàng loạt khu đô thị “ma” với hàng trăm nghìn căn nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang trong khi các báo cáo vẫn cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại “vừa túi tiền” vẫn thiếu trầm trọng. Nghịch lý trên đã tạo ra sự lãng phí tài nguyên đất đai, mất cân đối cung cầu và lệch lạch thị trường bất động sản.

Nhận định việc đánh thuế nhà đất bỏ hoang, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng đây là đề xuất chính sạch cần thiết trong bối cảnh đầu cơ chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch bất động sản.

“Họ sở hữu hàng chục tài sản nhưng để không, tạo nên tình trạng khan hiếm giả, đẩy giá nhà đất tăng phi lý”, ông Đính nói.

Thực tế, trong khi người dân làm cả đời chưa mua nổi một mảnh đất thì nhiều cá nhân, tổ chức vẫn “găm hàng” để chờ giá, khiến khả năng tiếp cận nhà ở ngày càng xa vời với số đông. Không chỉ bất công về xã hội, tình trạng này còn làm méo mó cơ chế vận hành thị trường.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Lawfirm dẫn ví dụ từ Singapore nơi bất động sản thứ hai trở lên có thể bị đánh thuế đến 20–30% giá trị giao dịch. Pháp đánh thuế nhà bỏ hoang theo lũy tiến từ 12,5% lên 25% giá trị tiền thuê ước tính sau hai năm bỏ trống. “Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, nhưng cần linh hoạt để phù hợp năng lực quản lý và đặc thù kinh tế xã hội trong nước”, ông Tú khuyến nghị.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cũng đồng tình và cho rằng, áp thuế bất động sản sẽ giúp giảm đầu cơ và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, ông lưu ý phải xác định rõ giá trị bất động sản, bao gồm cả đất và tài sản trên đất, để làm cơ sở tính thuế.

Đồng tình với đề xuất đánh thuế, tuy nhiên GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cảnh báo không nên áp dụng máy móc mô hình nước ngoài như đánh thuế căn nhà thứ hai, mà phải tính đến tổng giá trị sở hữu và thu nhập dân cư.

GS Đặng Hùng Võ đề xuất có thể đánh thuế theo diện tích hoặc giá trị nhà đất, kết hợp tiến độ thời gian bỏ hoang.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Đính đưa ra mô hình tham khảo từ Hàn Quốc: đất bỏ hoang quá 2 năm bị đánh thuế 5%, quá 5 năm là 8%, trên 10 năm là 10%. Cách làm này vừa mang tính răn đe, vừa thúc đẩy chủ sở hữu đưa bất động sản vào khai thác thực tế.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc triển khai sắc thuế này phụ thuộc lớn vào hệ thống dữ liệu đất đai. Hiện nay, chỉ một số địa phương như Đồng Nai có dữ liệu tương đối hoàn chỉnh; phần lớn các tỉnh thành chưa số hóa đầy đủ, gây khó khăn trong kiểm soát và truy thu thuế.

Cũng theo ông Võ, bên cạnh câu chuyện dữ liệu, các cơ quan chức năng cũng phải giải quyết nhiều câu hỏi pháp lý gồm: Công khai danh tính chủ sở hữu đến đâu? Căn cứ nào xác định bất động sản bỏ hoang? Làm thế nào để phân biệt mục đích đầu tư hợp pháp và đầu cơ tích trữ?

“Nếu xây dựng được khung thuế phù hợp, Việt Nam có thể tạo thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, y tế, giáo dục đồng thời điều tiết thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh hơn. Ngược lại, nếu không kiểm soát được sẽ tạo tâm lý lo ngại cho người mua, nhà đầu tư chân chính và làm méo mó thị trường. Bởi vậy, các chuyên gia nhấn mạnh: cần đồng bộ giữa chính sách thuế, hệ thống dữ liệu, cơ chế kiểm soát và truyền thông minh bạch”, GS Đặng Hùng Võ nhận định.

Bạn đang đọc bài viết "Đánh thuế bất động sản bỏ hoang để chặn đầu cơ, nhiễu loạn thị trường" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).