Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang

Admin

06/02/2025 12:14

Lễ hội Động Tiên không chỉ là một sự kiện văn hóa – tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của đồng bào các dân tộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang mà còn là một dịp để khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất nơi đây.

Sắc màu văn hóa trong không gian lễ hội Động Tiên

Diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội Động Tiên thu hút hàng nghìn du khách và người dân địa phương. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh với ước nguyện về một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Lễ hội Động Tiên mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện lòng thành kính với thần linh và tổ tiên. Mở đầu lễ hội là các nghi thức trang nghiêm tại đình Động Tiên, nơi cộng đồng dân cư gửi gắm những lời cầu nguyện cho một năm mới an lành, mùa màng bội thu.

Điểm nhấn của phần lễ là nghi thức "rước lễ dâng hương Động Tiên", diễn ra tại danh thắng nổi tiếng thuộc xã Yên Phú, huyện Hàm Yên của Tuyên Quang. Năm nay, rước lễ được tổ chức với sự tham gia của 18 xã, thị trấn trong huyện, tái hiện một nghi lễ cổ truyền trang trọng, đầy tinh thần đoàn kết.

Đoàn rước sẽ cung nghinh mâm lễ từ đỉnh Động Tiên xuống núi, dâng lên những lễ vật đặc trưng thể hiện tấm lòng thành kính của người dân. Sau khi hoàn tất các nghi thức tế lễ, du khách sẽ được phát lộc, mang theo lời chúc bình an, phúc lộc đầu xuân.

Đây là một truyền thống lâu đời, với mỗi bông hoa, nhành cây hay lời cầu chúc đều chứa đựng niềm tin vào một năm mới thuận lợi, may mắn. Không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng tâm linh, lễ hội còn thể hiện rõ nét sự gắn kết cộng đồng, với tinh thần cùng nhau hướng về một tương lai bền vững và phát triển.

Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang- Ảnh 1.

Lễ hội Động Tiên mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện lòng thành kính với thần linh và tổ tiên.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Yên Phú (một trong ba xã nằm trong khu vực núi Động Tiên) cho hay: “Ngoài việc mang ý nghĩa cầu bình an, lễ hội còn là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, nhắc nhở nhau về những giá trị đạo đức truyền thống.

Đây cũng là thời điểm lý tưởng để quảng bá những sản phẩm nông nghiệp truyền thống, tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc”.

Ông Sỹ cũng cho biết thêm, nghi thức này luôn được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 06/02/2025), là ngày linh thiêng nhất trong năm theo quan niệm dân gian.

Ngày này mang ý nghĩa đặc biệt trong việc cầu nguyện cho một năm mới an lành, thịnh vượng, và là dịp để cộng đồng khẳng định tình yêu và sự kính trọng đối với tổ tiên, cùng nhau hướng đến một năm mới đầy hứa hẹn.

Trái ngược với phần lễ trang nghiêm, phần hội của lễ hội Động Tiên mang đến không khí sôi động và sắc màu văn hóa rực rỡ. Những trò chơi dân gian như đánh cờ người, bịt mắt bắt dê, đánh quay và thi đấu bóng chuyền góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Mường, Tày, Dao…

Du khách còn được tham gia những môn thể thao dân tộc độc đáo như chọi dê, leo núi, múa khèn Mông và vẽ tranh phong cảnh. Những hoạt động này giúp du khách thấu hiểu sâu sắc đời sống tinh thần của người dân địa phương, đồng thời kết nối lễ hội truyền thống với sự phát triển du lịch cộng đồng.

Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang- Ảnh 2.

Phần hội của lễ hội Động Tiên mang đến không khí sôi động và sắc màu văn hóa rực rỡ (Ảnh: Tuấn Tú)

Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang- Ảnh 3.

Lễ hội còn hấp dẫn du khách qua phiên chợ quê với sự phong phú của sản vật Hàm Yên (Ảnh: Tuấn Tú).

Không dừng lại ở những hoạt động vui chơi, lễ hội Động Tiên còn hấp dẫn du khách qua phiên chợ quê với sự phong phú của sản vật Hàm Yên.

Từ cam sành Hàm Yên, tinh dầu, xà phòng làm từ cam; rượu Cham Chu Ba núi Bảy Đèo của đồng bào Dao Tiền (xã Minh Hương) chưng cất từ men lá rừng Cham Chu...

Nhấm nháp thịt trâu khô xã Yên Phú, đặc sản chế biến từ vịt bầu Minh Hương đến cơm lam từ gạo nếp, gạo tám thơm của Phù Lưu, Minh Hương; món cá chép ruộng đặc sản của Nhân Mục; rượu tầm gửi cây nghiến của đồng bào Dao Đỏ xã Minh Khương… Tất cả đều mang trong mình những câu chuyện về truyền thống và lối sống gắn bó với thiên nhiên.

Đặc biệt, những món ăn đậm bản sắc như bánh sừng bò, rau dớn nộm, thịt lợn muối chua… với hương vị mộc mạc nhưng đầy cuốn hút khiến du khách say mê “quên” lối về, muốn mang về làm quà.

Chị Nguyễn Thị Lan (du khách từ Hà Nội) chia sẻ: “Lễ hội Động Tiên mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Đến đây, tôi cảm nhận được tinh thần gắn kết cộng đồng và sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Những trò chơi dân gian tạo nên không khí vui tươi, sôi động, khiến người tham gia như hòa mình vào nhịp sống của cộng đồng; trong khi hội chợ quê lại mở ra một thế giới sản vật đặc trưng, giúp tôi hiểu hơn về đất và người Hàm Yên”.

Giữ hồn truyền thống, khai mở tiềm năng du lịch

Lễ hội Động Tiên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Nhận thức rõ điều này, chính quyền huyện Hàm Yên đã có những bước đi chiến lược nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại mới.

Ông Ma Phúc Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên nhấn mạnh: “Lễ hội Động Tiên là một sự kiện văn hóa mà còn là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh địa phương.

Chúng tôi đặt mục tiêu tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo tính trang trọng của phần lễ, sự phong phú của phần hội, đồng thời tạo ra những điểm nhấn để thu hút du khách. Việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, góp phần tạo động lực phát triển bền vững cho Hàm Yên”.

Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang- Ảnh 4.

Lễ hội Động Tiên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương (Ảnh: Tuấn Tú).

Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Lễ hội Động Tiên là sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, từ các nghệ nhân, thầy cúng cho đến người dân bản địa. Để giữ được nét đặc trưng của lễ hội, chính quyền xã Yên Phú cũng có nhiều nỗ lực nhằm gắn kết cộng đồng và bảo vệ những giá trị văn hóa lâu đời.

“Chúng tôi mong muốn duy trì và phát triển lễ hội theo hướng bền vững. Lễ hội là niềm tự hào của người dân Hàm Yên và cũng là cầu nối để du khách hiểu hơn về văn hóa của vùng đất này.

Việc gìn giữ những nghi lễ truyền thống, tổ chức hội chợ quê với sản vật địa phương hay duy trì những trò chơi dân gian chính là cách để chúng tôi bảo vệ bản sắc văn hóa một cách sống động nhất”, ông Vũ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Yên Phú chia sẻ.

Đặc sắc Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng của dân tộc Tày tại Tuyên Quang

Nhìn rộng hơn, những lễ hội như Động Tiên không đơn thuần là một sự kiện hàng năm mà còn mang trong mình trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn ký ức văn hóa, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và tạo động lực cho sự phát triển.

Với sự đầu tư bài bản của chính quyền và sự chung tay của người dân, lễ hội Động Tiên hứa hẹn sẽ không chỉ là một điểm hẹn văn hóa mà còn trở thành một biểu tượng của sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa tín ngưỡng và du lịch, giữa bảo tồn và phát triển.

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc lễ hội Động Tiên giữa núi rừng Tuyên Quang" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).