Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!

Admin

02/04/2025 20:03

Dù "2001: A Space Odyssey" đã đưa ra một viễn cảnh đầy tham vọng về năm 2001, nhưng thực tế cho thấy loài người vẫn chưa bắt kịp những dự đoán đó, ngay cả khi đã bước sang năm 2025.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 1.

Ngày 2 tháng 4 năm 1968, bộ phim 2001: A Space Odyssey của đạo diễn Stanley Kubrick chính thức ra mắt khán giả toàn cầu, mở ra một kỷ nguyên mới cho thể loại khoa học viễn tưởng trên màn ảnh rộng.

Đây không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là một dự đoán táo bạo về tương lai của loài người, đặc biệt là về công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo. Thế nhưng, dù đã gần 60 năm kể từ khi bộ phim ra mắt và hơn 20 năm kể từ mốc thời gian trong phim (năm 2001) nhiều công nghệ trong đó vẫn chỉ là giấc mơ xa vời mà con người chưa thể hiện thực hóa.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 2.

Bộ phim này kể về hành trình tiến hóa của loài người, từ thời kỳ tiền sử khi tổ tiên xa xưa của chúng ta còn là những vượn người hoang dã, cho đến một tương lai nơi con người đã chinh phục không gian.

Theo đó, một tảng đá bí ẩn có tên gọi Monolith xuất hiện ở những thời điểm quan trọng, dường như đóng vai trò như một nhân tố kích thích sự phát triển trí tuệ và công nghệ của nhân loại.

Trong tương lai, con người đã có những chuyến bay thương mại lên vũ trụ, xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và thực hiện các sứ mệnh tới Sao Mộc . Tuy nhiên, cuộc hành trình khám phá vũ trụ của nhân loại không chỉ có niềm hân hoan mà còn đầy rẫy những thách thức, trong đó có sự nổi dậy của trí tuệ nhân tạo HAL 9000, một siêu máy tính có khả năng tư duy độc lập, cuối cùng quay lưng lại với phi hành đoàn con người.

Bộ phim kết thúc bằng một cảnh tượng đầy ẩn dụ khi nhân vật chính Dave Bowman tiếp xúc với Monolith ngoài vũ trụ và biến thành một thực thể cao cấp hơn – Star Child , gợi mở về một giai đoạn tiến hóa mới của loài người.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 3.

Khi bộ phim được phát hành, con người vẫn chưa đặt chân lên Mặt Trăng, nhưng Kubrick và nhà văn Arthur C. Clarke – đồng biên kịch của bộ phim – đã dám tưởng tượng về một thế giới nơi việc du hành vũ trụ là điều hiển nhiên và trí tuệ nhân tạo có thể điều khiển cả tàu vũ trụ.

Thế nhưng, khi bước sang năm 2001 và thậm chí là 2025, những hình ảnh đó vẫn chưa hoàn toàn trở thành hiện thực.

Một trong những dự đoán táo bạo nhất của bộ phim chính là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo siêu việt - HAL 900. Trong 2001: A Space Odyssey, đây là một hệ thống máy tính có khả năng giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên, đọc khẩu hình, hiểu cảm xúc, điều khiển toàn bộ con tàu vũ trụ và thậm chí tự ra quyết định. Nó không chỉ là một công cụ mà thực sự có ý thức riêng.

Ngày nay, con người đã có những hệ thống AI như ChatGPT, Google Gemini, hay các trợ lý ảo như Siri và Alexa, nhưng chúng vẫn chưa thể đạt đến mức độ thông minh và tự nhận thức như HAL 9000.

AI hiện tại vẫn hoạt động theo mô hình xử lý dữ liệu dựa trên thuật toán, thiếu khả năng tư duy độc lập và đặc biệt là chưa thể có “ý chí” hay động cơ riêng như HAL. Dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng trong vòng vài thập kỷ tới, AI có thể đạt đến một mức độ tương tự, đặt ra những câu hỏi về đạo đức và sự kiểm soát của con người đối với công nghệ này.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 4.

Một khía cạnh quan trọng khác mà bộ phim tiên đoán là khả năng du hành vũ trụ xa. Vào thời điểm phim ra mắt, con người vẫn đang trong cuộc chạy đua không gian và chỉ một năm sau, Apollo 11 mới đưa được Neil Armstrong lên Mặt Trăng.

Thế nhưng, 2001: A Space Odyssey đã hình dung ra một tương lai mà con người không chỉ có căn cứ trên Mặt Trăng mà còn thực hiện các chuyến bay có người lái đến Sao Mộc .

Thực tế, vào năm 2025, con người vẫn chưa tiến xa hơn quỹ đạo Mặt Trăng. Và ở thời điểm hiện tại, NASA có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2026 thông qua chương trình Artemis, nhưng việc đưa người lên các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời như Sao Hỏa hay Sao Mộc vẫn còn là một mục tiêu xa vời.

Chúng ta đã có nhiều tàu thăm dò tự động như Voyager, Juno và Perseverance gửi về dữ liệu từ các hành tinh xa xôi, nhưng một chuyến đi có phi hành đoàn đến Sao Mộc như trong phim thì vẫn là điều không tưởng vào thời điểm hiện tại.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 5.

Ngoài ra, bộ phim cũng dự đoán về sự phát triển của các trạm vũ trụ hình bánh xe có thể quay tròn để tạo ra trọng lực nhân tạo. Trong phim, các phi hành gia sống và làm việc trên một trạm vũ trụ khổng lồ quay quanh Trái Đất, sử dụng lực ly tâm để mô phỏng trọng lực, giúp con người có thể di chuyển bình thường trong không gian.

Thực tế, trạm vũ trụ quốc tế ISS đã tồn tại hơn hai thập kỷ, nhưng nó không có hệ thống quay để tạo trọng lực như trong phim. Các phi hành gia trên ISS vẫn phải thích nghi với môi trường không trọng lực, điều này gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như mất cơ, loãng xương và ảnh hưởng đến thị lực.

NASA và các công ty tư nhân đang nghiên cứu thiết kế các trạm vũ trụ thế hệ mới có thể tạo trọng lực nhân tạo, nhưng ý tưởng này vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo của con người vẫn còn quá chậm so với dự đoán của Kubrick từ gần 60 năm trước!- Ảnh 6.

Một chi tiết thú vị khác trong 2001: A Space Odyssey là việc du hành vũ trụ thương mại đã trở thành chuyện bình thường. Trong phim, có cảnh một phi công lên trạm vũ trụ bằng tàu con thoi thương mại của hãng hàng không Pan Am. Điều này giống như việc chúng ta đi máy bay ngày nay.

Hiện tại, các chuyến bay thương mại vào không gian đã bắt đầu xuất hiện với các công ty như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic. Năm 2021, tỷ phú Jeff Bezos và Richard Branson đã thực hiện các chuyến bay tư nhân vào không gian, mở ra một kỷ nguyên mới cho du hành vũ trụ thương mại.

Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực xa xỉ và chỉ dành cho giới siêu giàu. Giá vé để lên rìa không gian vẫn ở mức hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD, và việc đi lại giữa các hành tinh như trong phim vẫn còn rất xa vời.

Nhìn lại, 2001: A Space Odyssey là một bộ phim viễn tưởng nhưng có nhiều dự đoán chính xác về tương lai, từ AI, du hành vũ trụ, trạm vũ trụ, cho đến viễn thông và công nghệ hiển thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy con người vẫn chưa thể theo kịp những gì bộ phim đã hình dung về năm 2001.

Những tiến bộ về khoa học và công nghệ đã đưa chúng ta đến gần hơn với giấc mơ vũ trụ, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn mà chúng ta chưa thể vượt qua. Có lẽ phải mất thêm vài thập kỷ nữa trước khi thế giới của 2001: A Space Odyssey trở thành hiện thực. Và khi điều đó xảy ra, có lẽ chúng ta sẽ lại tìm đến một bộ phim khác để đoán trước tương lai của chính mình.