Tinh gọn bộ máy , khối lượng công việc “lớn chưa từng có”
Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ. Hội nghị có sự tham dự của 2.700 đại biểu tại các điểm cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2024, Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương, đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình “hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả”.
Trong đó có việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc “lớn chưa từng có”.
“Đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Theo Bộ trưởng, năm 2025, nhiệm vụ của ngành nội vụ rất nặng nề, nên cần có quyết tâm cao hơn, khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu giải quyết tốt những vấn đề đặt ra.
Cần thông tin gì hãy “hỏi trợ lý ảo”
Phát biểu tại hội nghị, đề cập đến chuyển đổi số, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với cách làm mới như hiện nay, hãy cung cấp trợ lý ảo cho công chức và mỗi khi làm việc gì, cần thông tin gì hãy “hỏi trợ lý ảo”. Muốn vậy, cần cung cấp, bổ sung, cập nhật các tri thức mới cho trợ lý ảo, khi đó trợ lý ảo sẽ giống như “công chức” xuất sắc nhất.
“Có trợ lý ảo thì người kém nhất của một tổ chức, ít nhất cũng bằng người khá giỏi. Trợ lý ảo đang là ứng dụng hiệu quả nhất của trí tuệ nhân tạo”, ông Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng nói thêm, chuyển đổi số trong một tổ chức chủ yếu phụ thuộc vào 2 người. Ông ví dụ như Bộ Nội vụ, người thứ nhất là Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. Đây là người ra quyết định đưa mọi hoạt động lên môi trường số, quyết định 70% thành công trong chuyển đổi số.
Người thứ hai quyết định thành công 30% chuyển đổi số là giám đốc chuyển đổi số (hay giám đốc công nghệ thông tin). “Đây là người dùng công nghệ, hiện thực hóa các quyết định của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà”, ông Hùng nêu.
“ Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, ngoài đổi mới mô hình tổ chức, con người, còn phải có công nghệ. Công nghệ dễ làm hơn, hiệu quả nhanh hơn, nhưng chúng ta lại chưa quan tâm nhiều công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo đã chiếm nguồn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Phân cấp, phân quyền vẫn phải xin ý kiến cấp bộ
Tại hội nghị, đề cập đến việc phân cấp, phân quyền, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết, chủ trương này đã mang lại hiệu quả, giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo ông, việc phân cấp, phân quyền trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn, do chức năng nhiệm vụ đan xen lẫn nhau, nên cần phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, dẫn tới thời gian giải quyết còn chậm.
“Với đặc thù dân số khoảng 10 triệu người, quy mô hơn 300 nghìn doanh nghiệp, trong điều kiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có hạn, áp lực giải quyết thủ tục của thành phố là một thực trạng không thể phủ nhận”, ông Hải cho hay.
Cũng theo đại diện TPHCM, quá trình triển khai, một số nội dung vẫn phải xin ý kiến cấp bộ, ngành quản lý, dẫn đến việc triển khai không triệt để. “Đôi khi thời gian chờ ý kiến đồng ý của cấp trên kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả nội dung đề xuất phân cấp”, ông Hải nêu.