Bình đẳng trong tiếp cận đất đai

Admin

11/07/2025 09:00

Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, có sự kiểm soát của nhà nước.

Ngày 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024; đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 18/2022 làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai năm 2024.

Chính sách đất đai thúc đẩy kinh tế

Báo cáo kết quả 3 năm triển khai Nghị quyết 18/2022 và 1 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định chính sách và pháp luật về đất đai đã từng bước được áp dụng hiệu quả, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Qua đó, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhận thức về sở hữu toàn dân đối với đất đai vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch sử dụng đất giữa các ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ, thiếu cơ chế xử lý khi xảy ra chồng chéo - nhất là đối với dự án đặc thù, cấp bách nhưng chưa được đưa vào quy hoạch.

Bình đẳng trong tiếp cận đất đai- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá chính sách và pháp luật về đất đai hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ảnh: NHẬT BẮC

"Cơ chế giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu đã kéo dài thời gian tiếp cận đất đai, làm giảm tính chủ động và cản trở thu hút đầu tư. Việc mở rộng áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hằng năm gây khó khăn cho nhà đầu tư trong hạch toán kinh doanh, huy động tài chính" - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ.

Ngoài ra, chính sách thu hồi đất còn thiếu quy định cụ thể đối với dự án có yêu cầu đặc thù về địa điểm đầu tư hoặc dự án khẩn cấp phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại. Cơ chế can thiệp của nhà nước để hỗ trợ xử lý trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được phần lớn diện tích dự án nhưng vẫn gặp vướng mắc đang còn thiếu, dẫn đến chậm tiến độ.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá việc xây dựng bảng giá đất vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến việc chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình và cá nhân. Cụ thể, bảng giá đất hiện nay sát giá trị thị trường, dẫn đến người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ phát sinh nghĩa vụ tài chính rất lớn, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của nhiều hộ gia đình, cá nhân.

Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Linh hoạt giao đất, cho thuê đất

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải kiên trì, kiên định, lắng nghe ý kiến của nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, DN khi điều chỉnh, bổ sung chính sách. Cần thống nhất nhận thức đất đai là tài nguyên đặc biệt, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước, trong đó quyền sử dụng đất là yếu tố đầu vào thiết yếu cho các hoạt động đầu tư kinh tế - xã hội.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất, Thủ tướng yêu cầu lập đồng thời quy hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia, tỉnh và xã; xây dựng cơ chế xử lý chồng chéo giữa các quy hoạch liên quan. Ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Thủ tướng yêu cầu áp dụng linh hoạt các phương thức tiếp cận đất phù hợp với loại hình, tính chất, quy mô và địa bàn dự án, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa khu vực công và tư; cho phép người sử dụng đất lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả một lần cho cả thời gian thuê, khuyến khích hình thức trả hằng năm nhằm ổn định nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt trong giao đất, cho thuê đất đối với quỹ đất dôi dư từ sắp xếp trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước hoặc đất thu hồi từ cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu bổ sung nội dung thể hiện rõ việc thu hồi đất phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), trừ trường hợp người sử dụng đất đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đối với dự án cần TĐC, phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất, trừ trường hợp dự án khẩn cấp, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định. Xem xét tách dự án bồi thường, hỗ trợ, TĐC ra khỏi dự án đầu tư để triển khai trước; mở rộng các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng.

Liên quan giá đất và tài chính đất đai, Thủ tướng đề nghị xây dựng cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, có sự kiểm soát của nhà nước. Giá đất tại thị trường sơ cấp (giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất) dựa trên bảng giá đất do nhà nước ban hành, phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý của địa phương. Đồng thời, quy định tỉ lệ thu tiền sử dụng đất theo loại hình dự án và hệ số khấu trừ chi phí hạ tầng; nghiên cứu các nội dung liên quan đất đai có yếu tố nước ngoài. 

Lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính sách và pháp luật về đất đai hiện nay chưa phù hợp với chủ trương tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, vai trò của nhà nước trong việc quyết định và kiểm soát giá đất - với tư cách là đại diện chủ sở hữu - chưa được quy định rõ ràng.

Ngoài ra, tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá và thao túng giá tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, gây rối loạn thị trường bất động sản.


Bạn đang đọc bài viết "Bình đẳng trong tiếp cận đất đai" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).