Bậc thầy thiết kế chip từng làm việc tại Intel nổi giận: Bán Intel lúc này không phải “mở khóa giá trị”, mà là bán tống bán tháo!

Admin

20/02/2025 20:15

Không dừng lại ở đó, ông còn khẳng định rằng một Intel vững mạnh hoàn toàn có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD, và việc để nó rơi vào tay những công ty khác ngay lúc này là một quyết định quá vội vàng.

Những tin đồn về khả năng Intel bị chia tách hoặc bán một phần đang khiến giới công nghệ dậy sóng và Jim Keller – một trong những kỹ sư chip huyền thoại của Intel, hiện là CEO của Tenstorrent – đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm.

Trên Twitter (X), Keller khẳng định việc bán Intel hoặc một số mảng kinh doanh của công ty không phải là cách để gia tăng giá trị cho cổ đông, mà thực chất là một hành động "bán tháo trong tuyệt vọng".

"Bạn xây dựng giá trị bằng cách có một mục tiêu lớn và một đội ngũ đam mê theo đuổi mục tiêu đó. Intel đã từng tạo ra những CPU nhanh nhất trên những tiến trình tốt nhất. Việc bán đi không phải là ‘mở khóa giá trị cổ đông’, mà chỉ là bán tháo. Điều này khiến tôi buồn." – Keller viết.

Bậc thầy thiết kế chip từng làm việc tại Intel nổi giận: Bán Intel lúc này không phải “mở khóa giá trị”, mà là bán tống bán tháo!- Ảnh 1.

Jim Keller là bậc thầy thiết kế chip, người từng làm việc cho cả AMD, Intel và Apple

Không dừng lại ở đó, ông còn khẳng định rằng một Intel vững mạnh hoàn toàn có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD, và việc để nó rơi vào tay những công ty khác ngay lúc này là một quyết định quá vội vàng.

Tương lai nào cho Intel nếu bị chia tách?

Theo những tin đồn gần đây, Broadcom đang bày tỏ sự quan tâm đến mảng kinh doanh sản phẩm của Intel, trong khi mảng Foundry có thể bị tách ra để hợp tác với TSMC hoặc một tập đoàn bao gồm TSMC, Broadcom, Qualcomm và một số công ty khác.

Tuy nhiên, Jim Keller không phải là người duy nhất phản đối hướng đi này. Một số ý kiến cho rằng Intel nên trở thành một công ty tư nhân, nhận đầu tư từ các quỹ nội địa Mỹ, sa thải toàn bộ ban lãnh đạo hiện tại và thực hiện một cuộc cải tổ triệt để để lấy lại vị thế dẫn đầu.

Keller cho rằng điều này hoàn toàn có thể làm được, nhưng nó sẽ là một thử thách cực kỳ lớn.

"Con người có thể làm nên những điều phi thường khi họ có một mục tiêu lớn và một đội ngũ tin tưởng vào điều đó." – Ông chia sẻ.

Nếu Intel thực sự từ bỏ dây chuyền sản xuất của mình và để TSMC hoặc các tập đoàn nước ngoài kiểm soát, công ty sẽ mất đi một trong những lợi thế lớn nhất của mình: khả năng tự chủ từ thiết kế đến sản xuất chip.

Điều này không chỉ làm lung lay vị thế của Intel trong ngành, mà còn có thể khiến chính phủ Mỹ phản đối mạnh mẽ. Trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy sản xuất bán dẫn trong nước và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, việc để một công ty có giá trị chiến lược như Intel rơi vào tay các tập đoàn quốc tế chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

Ngoài ra, nếu quyền sở hữu Intel thay đổi, một vấn đề pháp lý quan trọng khác sẽ xuất hiện: Thỏa thuận cấp phép chéo giữa Intel và AMD có thể bị hủy bỏ ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa với việc công ty mới có thể mất quyền truy cập vào nhiều công nghệ quan trọng mà Intel và AMD đã chia sẻ với nhau suốt nhiều năm qua.