ĐHĐCĐ Gemadept: Lợi nhuận đạt hơn 50% kế hoạch

Sáng ngày 24/6, Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Đại hội dự kiến thảo luận về kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương án huy động vốn để đầu tư trong giai đoạn mới.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân nói 2023 là năm khó khăn nhất trong một thập kỷ trở lại đây khi đơn hàng giảm phân nửa và số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn. Đơn hàng bắt đầu trở lại từ cuối quý III/2023, Gemadept mới nghĩ đến hoàn thành kế hoạch kinh doanh. 

Sang năm 2024, thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp rơi bỏ thị trường gấp 1,5 lần số lượng thành lập mới trong quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức quanh 4%, khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán...

"Các số liệu này không cho phép Gemadept chủ quan trong năm 2024, công ty phải chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ổn định sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch, công ty còn cần tăng năng lực cạnh tranh", ông Nhân nói. 

Tại khu vực Hải Phòng, nắm bắt xu thế thị trường và dư thừa nguồn cung, Gemadept đã tái cấu trúc hoạt động, nâng cấp vùng cảng Nam Đình Vũ và dự kiến giai đoạn 3 khởi công trong năm nay để trở thành cụm cảng có năng lực cạnh tranh lớn nhất tại Hải Phòng, khi có khả năng tiếp nhận tàu 48.000 DWT. Công ty đã chuyển từ phân tán nhỏ lẻ sang quy mô lớn để tiết giảm chi phí, tăng năng lực và gia tăng hiệu quả kinh tế.

Tại khu vực phía Nam, hầu hết cảng đang được vận hành tương đối tốt. Lãnh đạo công ty khẳng định không thỏa mãn mà tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng, thị trường. 

 Phiên họp cổ đông của Gemadept. Ảnh: HL. 

Kế hoạch lãi 1.686 tỷ đồng

Năm 2024, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu lãi trước thuế dự kiến giảm 46% còn 1.686 tỷ đồng.   

Nguyên nhân là do lợi nhuận hoạt động chuyển nhượng vốn công ty con dự kiến giảm sâu từ 1.840 tỷ đồng xuống 336 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi vẫn tăng trưởng 15%. 

Thực tế vào năm 2023, công ty hoàn tất thương vụ Cảng Nam Hải Đình Vũ mang về lợi nhuận đột biến hơn 1.800 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, Gemadept bán tiếp toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Về phương án phân phối lợi nhuận 2023, Hội đồng quản trị trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 22% (tương đương 2.200 đồng/cổ phiếu). Tổng số tiền dự chi trên vốn điều lệ là 683 tỷ đồng.    

Sau giai đoạn tái cấu trúc, Gemadept hiện còn sở hữu Cảng Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải ở khu vực phía Bắc. Công ty cũng đang tập trung xúc tiến đầu tư hai dự án lớn là Cảng Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3.  

Trong đó, Gemalink 2 có tổng đầu tư vào khoảng 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế cảng sẽ đạt 3 triệu TEU – mức cao nhất so với các đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực cảng mới dự kiến đưa vào khai thức từ 2025 – 2026.  

Cảng Nam Đình Vũ có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 khai thác từ 2018, giai đoạn 2 từ giữa 2023, giai đoạn 3 dự kiến khởi công từ đầu quý III năm nay với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Gemadept kỳ vọng phát triển Nam Đình Vũ trở thành cảng sông lớn nhất miền Bắc, nâng tổng công suất thêm 67% lên 2 triệu TEU. 

Nối lại kế hoạch huy động vốn

Hội đồng quản trị trình cổ đông về phương án chào bán tối đa 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 3:1. Vốn điều lệ công ty dự kiến tăng từ 3.105 tỷ lên tối đa 4.140 tỷ đồng.   

Với giá chào bán dự kiến 29.000 đồng/cổ phiếu, công ty muốn thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Phần lớn nguồn tiền huy động 2.213 tỷ đồng sẽ dùng để mua sắm tài sản cố định, chi 231 tỷ đồng trả nợ ngân hàng và còn lại dùng để góp vốn vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ.

Ban lãnh đạo đánh giá việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính, cân đối vốn cho các hoạt động thường xuyên và hoạt động đầu tư thời gian tới. 

Thời gian dự kiến chào bán trong năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng và cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua một lần cho nhà đầu tư khác. 

Thực tế, vào năm 2022, công ty cảng biển này đã từng đưa ra phương án phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty đã xin tạm dừng thực hiện trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, do có sự thay đổi theo căn cứ tình hình thị trường, kế hoạch kinh doanh 2023 và nhu cầu sử dụng vốn.

Gemadept triển khai lại kế hoạch tăng vốn trong bối cảnh cổ phiếu có đà tăng giá mạnh, đứng tại 82.000 đồng/cổ phiếu (ngày 24/6), đang neo quanh vùng đỉnh trong lịch sử. Nếu so với thời điểm đầu năm 2020, cổ phiếu này đã gấp 5,5 lần. 

Mức giá chào bán cho cổ đông hiện hữu chỉ bằng 1/3 thị giá, nhưng cao hơn giá trị sổ sách công ty tại ngày 31/12/2023 (28.050 đồng/cổ phiếu). Ban lãnh đạo nói giá phát hành trên được xác định dựa trên chiến lược phát triển và khu cầu vốn, khuyến khích cổ đông gắn bó và đóng góp cho sự phát triển công ty, đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán.

PHIÊN THẢO LUẬN

Giá cước sẽ còn tăng

Ước tính kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm?

Đại diện Gemadept: Với lượng hàng hóa thông qua tốt trong nửa đầu năm, Gemalink thu hút được các hãng tàu lớn và các cảng phía bắc gần full công suất cũng như SCS có thêm khách hàng lớn, lợi nhuận cốt lõi sơ bộ đạt 53% kế hoạch năm dù chưa tính việc vốn cảng Nam Hải.

Mặc dù tín hiệu thị trường khởi sắc nhưng vẫn có biến động khó lường, phương án phòng chống khủng hoảng luôn là trọng tâm trong các cuộc họp giao ban, công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm.

Nhận định giá cước vận tải thời gian tới?

Sau thời điểm tăng nóng 2020-2022 thì đã hạ nhiệt và đến cuối 2023 mới hồi phục tốt trở lại. Hiện giá cước đi các tuyến vận tải đang tăng 300% so với cùng kỳ 2023; đà tăng đang rất mạnh gần đây khi giá cước tháng 6 đã cao hơn 30% so với tháng 5. 

Chúng tôi tin tình trạng giá cước trên tất cả các tuyến sẽ tăng đến hết 2024 do các biến động tại Biển đỏ, xung đột chính trị, tình trạng thiếu tàu, thiếu thiết bị sẽ khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. 

Giá dịch vụ xếp dỡ cảng tăng có tác động ra sao?

Giá xếp dỡ dịch vụ cảng Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với thế giới, thậm chí chưa đến một nửa so với các cảng trong khu vực dù chất lượng dịch vụ không thua kém thế giới.

Việc tăng giá cước là nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải giúp doanh nghiệp cảng cải thiện doanh thu và khuyến khích doanh nghiệp cảng tái đầu tư, đã có  lộ trình tăng 10% trong 4 năm qua.   

Tuy nhiên, tùy khu vực và điều kiện cảng mà có cách triển khai khác nhau. Như Gemalink có lợi thế cao nhất về cảng nước sâu nên tận dụng tối đa Thông tư 39, thậm chí còn tăng giá hơn mức này. Trong khi khu vực Hải Phòng chứng kiến sự cạnh tranh cao, nên công ty khá uyển chuyển áp dụng thông tư 39, doanh thu dù tăng nhưng chi phí cũng tăng theo.

Làm giàu hệ sinh thái

Tiến độ cảng Nam Đình Vũ Giai đoạn 3 ra sao?

Giai đoạn 1,2 của cảng Nam Đình Vũ khi vào hoạt động đến nay đã đạt 90% công suất nên công ty sớm triển khai giai đoạn 3. Công ty có những nghiên cứu và chọn lựa phương án tối ưu. Về lộ trình đến thời điểm này các bước chuẩn bị đã xong hết, đang xin giấy phép xây dựng và dự kiến khởi công xây dựng từ tháng 7, dự kiến hoàn thành cuối 2025.

Cụm cảng tại Hải Phòng không có kết quả tốt trong nửa đầu năm 2023 nhưng giai đoạn cuối năm khởi sắc, nhất là cảng Nam Đình Vũ có tăng trưởng tốt nhất trong khu cực. 

 Gemadept muốn huy động vốn để đầu tư M&A, làm giàu hệ sinh thái. Ảnh: GMD. 

Với cơ sở hạ tầng hiện tại, cụm cảng này có thể khai thác thêm 2-3 chuyển tàu, tương đương mức tăng trưởng 10-15% tại Nam Đình Vũ, đạt 1,2-1,25 triệu Teus.

Hiện công suất thiết kế là 2 triệu Teus, sản lượng phấn đấu đạt 50% công suất vào năm 2026,  tứcthêm 300-450.000 Teus. Khi hoạt động ổn định, cả cụm ngoài hàng container chiếm 80-90% thì sẽ là cảng vượt trội về các mặt hàng khác.

Công ty cũng đang thực hiện dự án nạo vét kênh Hà Nam từ tháng 3 đến nay, chỉ còn sửa một số điểm lõi để hoàn thành. 

Dự án nạo vét kênh Hà Nam có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng, tàu bè ra vào có thể tăng tải trọng 15-20%. Riêng Nam Đĩnh Vũ hưởng lợi thêm ít nhất 300.000 Teus.   

Chiến lược phát triển vận tải thủy nội địa ra sao?

Hệ thống sông, rạch của Việt Nam thuận lợi để phát triển thủy nội địa. Gemadept đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phát triển tuyến mẫu đồng bằng Sông Cửu Long ra Cái Mép giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tăng tải trọng và giảm chi phí logistics đến 30%. 

Tuyến này là giải pháp hàng hóa thuận lợi và cắt giảm chi phí, tăng sản lượng hàng hóa cho Gemalink và phù hợp định hướng phát triển cảng xanh. Sản lượng có thể tăng 20-30% cho Gemalink, nhưng sẽ phát triển dần dần khi sản lượng hàng hóa phù hợp.

Tiến độ Gemalink giai đoạn 2 đến đâu?  

Giai đoạn 2A cũng cấp thiết do giai đoạn 1 đang gần hết công suất. Dự án cần thời gian xin giấy phép triển khai, dự kiến từ quý II//2025 để nâng tổng lên 2,1 triệu Teus. Giai đoạn 2B sẽ bắt đầu khi dự án 2A đạt công suất khai thác 80-85%, chúng tôi dự kiến cần khoảng 2 năm sẽ triển khai 2B.

Gemalink giai đoạn 2 dự kiến sẽ đạt được công suất 50% vào anmw 2026, tăng lên 70-75% vào năm 2027 và sẽ full công suất thiết kế trong vòng 3 năm.  Giai đoạn 2 khi hoàn thành có thể đón được các tàu lớn nhất thế giới với vị trí thuận lợi để kết nối với hệ sinh thái GMD bao gồm depot, ICD, vận tải thủy và kết nối với Hải Phòng… 

Tổng capex đến 2025 khoảng bao nhiêu?

Với chiến lược phát triển dẫn đầu ngành thì tiếp tục phát triển các dự án trọng điểm, như Nam Đình Vũ 3 và Gemalink 2, mua sắm phương tiện tàu song tàu biển, để gia tăng chất lượng dịch vụ để "làm giàu hệ sinh thái", tổng capex khoảng 10.000 tỷ đồng.

Gemadept đưa chiến lược tiếp tục làm giàu hệ sinh thái, gia tăng lợi nhuận qua từng năm, tỷ trọng lợi nhuận mảng logistics đang tăng dần chiếm 15-25% trong hệ sinh thái. Hiện Gemadept có hệ sinh thái giàu và rộng khắp về tàu sông, tàu biển, các dự án sinh thái bổ trợ là động lực hỗ trợ cho dự án chính hiệu quả.

Chiến lược huy động vốn

Công ty có kế hoạch thoái vốn Nam Hải ICD không?

Nam Hải ICD đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, đây là hệ thống nói dài với cụm cảng và cả kho hàng trong hệ thống Nam Đình Vũ thuộc chuỗi cảng Hải Phòng. Gemadept trong năm nay có kế hoạch liên doanh, liên kết để khai thác hết hạ tầng Nam Hải ICD với mục tiêu hướng tới vận hành tối ưu hệ sinh thái nên chưa có kế hoạch thoái vốn.

Tiến độ thoái vốn đất trồng rừng?

Ban quản lý dự án đã làm việc sâu với đối tác, có kế hoạch thực hiện trong năm nay, đang dần hoàn thiện nốt các hồ sơ thoái vốn. Lợi nhuận dự án tùy thuộc vào thị trường và chi phí đầu tư.

Vì sao công ty lại chọn phương án phát hành thay vì đi vay với lãi suất thấp? 

Gemadept là doanh nghiệp được các tổ chức tín dụng đánh giá cao, được ngân hàng quan tâm, nên lãi suất các dự án đúng là rất tốt. Tuy nhiên, mỗi dự án đều phải cần có vốn đối ứng, nên Gemadept phải tăng vốn các công ty dự án để đối ứng vốn thực hiện mở rộng hệ sinh thái.

Công ty sẽ cố gắng nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu cho cổ đông và thực hiện trong năm nay. 

Khi tham gia dự án nào ban điều hành cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, lập ban dự án lớn để có những phân tích, tìm giải pháp hiệu quả trình ban lãnh đạo, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đều sẵn sàng cấp vốn.

Công ty không có kế hoạch nào khác ngoài phát hành cho cổ đông. Các phương án phát hành thưởng không làm tăng vốn chủ sở hữu và tạo cảm giác công ty không có tiền mặt để trả, không tạo ra nguồn vốn cụ thể để triển khai dự án và M&A, trong khi công ty cần tiền thật. Do đó, Gemadept sẽ chưa chia thưởng trong vài năm tới. 

Dự án Gemalink giai đoạn 2 cần đầu tư khoảng 300 triệu USD, sẽ dùng nguồn vốn giữ lại, vốn đối ứng và sau đó vay ngân hàng trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả. Công ty đang tìm thêm đối tác chiến lược để gia tăng nguồn hàng cho GML.

Còn Cảng Nam Đình Vũ với mục tiêu cảng nước sâu lớn nhất tại Hải Phòng nên tất cả nhà đầu tư chiến lược không có ý định thoái vốn. Do đó khi đơn vị này tăng vốn sẽ tăng đều cho các bên, Gemadept sẽ giữ nguyên tỷ trọng 60% tại cảng này.  

Công ty có kế hoạch tiếp cận dòng vốn xanh không?

Chiến lược ESG là chiến lược trọng tâm của tập đoàn, đang tiếp tục phát triển và bền vững, là điều kiện để có lợi thế cạnh tranh khi chào thầu. Ngày 28/5, công ty ký hợp đồng liên kết bền vững để tiếp cận dòng vốn xanh  tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh doanh.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

H,A

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/dhdcd-gemadept-loi-nhuan-dat-hon-50-ke-hoach-a87044.html