Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh

Sáng 20/4, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan tổ chức hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh" để tìm ra những giải pháp cho việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Chia sẻ về việc giảm phát thải nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trù tín chỉ carbon tại Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” được tổ chức ngày 20/4 ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính nói chung và cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

TP Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon
Toàn cảnh hội thảo

Theo nghị quyết này, TPHCM được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tài chính đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thí điểm cơ chế tài chính, với mục tiêu là triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời đề xuất lựa chọn 2 dự án tiềm năng là thay thế đèn đường LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công.

Nhiều cơ hội cho TP Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon- Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố mang đến nhiều cơ hội. Trong đó, hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TPHCM tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, TPHCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.

TP Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon
Công bố dự án “Việt Nam xanh”.

Mặt khác khi giao dịch tín chỉ carbon sẽ giúp các cơ quan của Chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và nguời dân tiết kiệm năng lượng, mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và có thể giúp TPHCM trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực và quốc tế.

Dù có nhiều cơ hội nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết trong việc thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Cụ thể, hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ và chưa có môi trường để mua bán tín chỉ carbon một cách rộng khắp. Đặc biệt, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài.

Để triển khai hiệu quả chương trình thí điểm xây dựng cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, rất cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... để xử lý các vướng mắc và thách thức nêu trên. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - giới thiệu về dự án Việt Nam xanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - giới thiệu về dự án Việt Nam xanh

Liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia thị trường carbon, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, doanh nghiệp được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon. Ngoài ra, chính doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon, tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính và thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

TS Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, bản thân tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được. Trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Apple, Samsung đều đòi hỏi các nhà cung cấp phải trung hòa được carbon trong quá trình sản xuất thì xu hướng tìm mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp Việt Nam là không tránh được. Do đó, về lâu dài Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Bên cạnh đó, cần xem xét hình thành Quỹ Dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao.

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã ra mắt dự án “Việt Nam xanh” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Hải An

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/thi-truong-tin-chi-carbon-dong-luc-xay-dung-viet-nam-xanh-a80748.html