Hội nghị đối thoại giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan tại TP.HCM

Ngày 15-12, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023. Khoảng 700 doanh nghiệp phía Nam đã đến dự,

Đến dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, cùng đại diện các cục, vụ, các cơ quan thuế, hải quan và hơn 700 đại diện DN khu vực phía Nam.

Tiếp tục xây dựng giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin khái quát những kết quả tích cực mà ngành Tài chính đạt được trong năm 2023 về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa; về các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế…

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế, góp phần giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024, mà trước mắt sẽ khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng gặp khó khăn.

Song song với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn. Đồng thời, các lĩnh vực của ngành Tài chính tiếp tục được đẩy mạnh hiện đại hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn giải đáp vướng mắc về ưu đãi thuế. Ảnh: Đỗ Doãn

''Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế…'' - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.

Giải đáp, tháo gỡ hàng chục vấn đề vướng mắc

Tại hội nghị, nhiều vấn đề vướng mắc về thuế được doanh nghiệp gửi trước cho Ban Tổ chức được nêu ra như: thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), hóa đơn điện tử; quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh; vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế; một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường giải đáp, hướng dẫn về khai thủ tục tại chỗ trong thông quan hàng hóa. Ảnh: Đỗ Doãn.

Trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp chế xuất…

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất chung khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế liên thông giữa ngành Thuế - Hải quan với các cơ quan hành chính…

Tại phần đối thoại trực tiếp, 10 đại diện doanh nghiệp hiệp hội tiếp tục đặt vấn đề liên quan đến thủ tục, chính sách thuế như về thuế tối thiểu toàn cầu, các vấn đề liên quan đến sử dụng hóa đơn, hoàn thuế GTGT, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai nêu vấn đề liên quan đến hoàn thuế GTGT. Ảnh: Đỗ Doãn

Trong khi đó, các vướng mắc về chính sách, thủ tục hải quan cũng có 6 đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi về khai thủ tục tại chỗ, quản lý chuyên ngành, phân loại doanh nghiệp theo mức độ quản lý rủi ro phục vụ phân luồng trong thông quan hàng hóa, các mặt hàng giảm thuế GTGT theo nghị quyết của Quốc hội đối với hàng hóa nhập khẩu…

Hầu hết các vấn đề doanh nghiệp nêu ra đều được lãnh đạo Tổng cục Thuế và lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời, giải đáp rõ ngay tại hội nghị. Những nội dung này sẽ được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử ngành Thuế, ngành Hải quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, ngoài những câu hỏi về những vấn đề được đề cập nêu trên, những vấn đề, những thắc mà doanh nghiệp chưa rõ, chưa được giải đáp thì doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp sau hội nghị đến VCCI để được giải đáp kịp thời.

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cho đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó: số DVCTT mức độ 1 là 84 (tỷ lệ 10,33%); số DVCTT mức độ 2 là 265 (tỷ lệ 32,6%); số DVCTT mức độ 3 là 55 (tỷ lệ 6,76%); số DVCTT mức độ 4 là 409 (tỷ lệ 50,31%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ).

PV

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/hoi-nghi-doi-thoai-giai-quyet-vuong-mac-cho-doanh-nghiep-ve-chinh-sach-thue-hai-quan-tai-tphcm-a67510.html