Với xu hướng tiêu dùng của khách hàng ngày càng thay đổi. Trong môi trường kinh doanh đầy năng động, nhất là Thương mại điện tử ngày càng phổ biến thì việc tạo ra trải nghiệm khách hàng không chỉ là một lợi thế mà còn là yếu tố tác động mạnh đến quyết định tiếp thị của các doanh nghiệp.
Đây không phải là cảm xúc khách hàng trong một khoảng khắc thời gian, mà những gì đọng lại sau tất cả những lần khách hàng tiếp xúc với thương hiệu đó có thể qua website, social, email, call hoặc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào đại diện cho thương hiệu.
Với mục tiêu trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hộ kinh doanh và chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng hành trình trải nghiệm khách hàng hướng đến định vị sản phẩm và dấu ấn thương hiệu doanh nghiệp mình thông qua nghệ thuật kể chuyện (storytelling). Đây chính là kể chuyện bằng từ ngữ, hình ảnh hay video để khơi gợi ở người nghe sự tưởng tượng và đồng cảm về thông điệp mà người kể muốn truyền tải. Và là phương pháp được rất nhiều Marketer ngày nay sử dụng cho các chiến dịch truyền thông nhằm tác động tới cảm xúc của khách hàng mục tiêu, giúp truyền tải thông điệp của doanh nghiệp một cách tự nhiên nhất.
Sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra sản phẩm.
Đây chính là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Vì vậy, trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, chạm đến cảm xúc người mua mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
Muốn làm tốt việc này, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có người trong cuộc mới biết được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao để mang đến thông điệp sản phẩm khác biệt, thu hút và hấp dẫn khách hàng.
Trong hai ngày đào tạo, tất cả học viên tham dự đã được tiếp cận phương pháp xây dựng câu chuyện thương hiệu, sản phẩm và tạo ra điểm chạm cảm xúc khách hàng. Điều thú vị nhất đó chính là, trong khoảng thời gian rất ngắn, Đạo diễn hình ảnh Lâm Thiên An, người có 20 năm trong nghề và cũng là Tiktoker, YouTuber được nhiều người biết đến, bằng kinh nghiệm thực chiến của mình đã giúp tất cả các học viên bổ sung và nâng cao kỹ năng chụp ảnh, quay video clip nhằm truyền tải thông điệp câu chuyện sản phẩm hiệu quả nhất.
Ông Ngô Chí Công - Phó chủ tịch Hội DNT tỉnh, Chủ tịch Hội ngành hàng Sen cho biết, ngoài khóa đào tạo lần này thì trong hai ngày 9/12-10/12/2023 tới đây, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh và các chủ thể sẽ được tiếp tục tham gia Khoá đào tạo CHUYỂN ĐỔI XANH trong sản xuất – Những thông tin cập nhật mới nhất về Tín chỉ Carbon và Thị trường tín chỉ Carbon. Dự kiến, các thông tin chia sẻ từ các chủ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn hiện nay của Đồng Tháp sẽ được trình bày, thảo luận và tổng hợp đề xuất, cùng thống nhất trong hành động, liên kết và hoạch định lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh kinh tế Đồng Tháp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Một số sản phẩm tiêu biểu mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua:
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có trên 300 sản phẩm OCOP. Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm. Xây dựng câu chuyện sản phẩm tốt có thể giúp sản phẩm OCOP Đồng Tháp tăng giá trị lên nhiều lần.
H.An
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/doanh-nhan-tre-dong-thap-danh-cuoi-tuan-ke-chuyen-san-pham-dac-san-que-huong-a65773.html