Chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch địa phương như: Khu du lịch Rooster Mekong, Nguyễn Gia Farmstay, vườn kiểng Tùng nhập khẩu Minh Phú, CLB Hoa giấy huyện Chợ Lách,…Đây là sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM (UEF) phối hợp cùng UBND huyện Chợ Lách tổ chức với sự đồng hành của Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, Khu du lịch Rooster Mekong.
Bên cạnh đó, tham gia chương trình lần này còn có sự tham gia của các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành uy tín tại Tp. HCM như: Cty Du lịch Vietmark, Cty Asianway Travel, Cty Lữ hành Saigontourist, Cty EcoHoaBinhtourism, Cty Truyền thông du lịch Việt. Với chương trình tour du lịch đặc thù miệt vườn Cái Mơn đầu tiên do chính các bạn sinh viên Khoa Quản trị Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn của Đại học Kinh tế – Tài chính Tp. HCM (UEF) thiết kế cũng đã thu hút được nhóm sinh viên đa quốc gia đến từ Đại học Pennsylvania (Trường Top 10 của Mỹ) tham dự theo chương trình Internship, một số khách du lịch là các gia đình có con nghỉ hè muốn trải nghiệm, nhóm khách người cao tuổi cần không gian nhà vườn sinh thái, yên bình,…đăng ký mua tour.
Ông Nguyễn Minh Đức – Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Du lịch huyện Chợ Lách từ sau đại dịch Covid – 19 đang hồi phục mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại địa phương để chuyển mình, khôi phục, ổn định chất lượng cung ứng và làm tốt việc thu hút khách du lịch đến với huyện nông thôn mới Chợ Lách. Tuy nhiên, du lịch huyện nhà vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quảng bá thông tin, xây dựng thương hiệu đặc trưng, chưa tạo được điểm nhấn và sản phẩm du lịch để phù hợp với thị trường khách inbound.
Do vậy, chúng tôi đánh giá rất cao sự tham gia đồng hành của các em sinh viên đến từ Khoa Quản trị Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn của Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM, nhất là quý thầy cô giảng viên, các doanh nghiệp lữ hành uy tín, Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong cho hoạt động lần này. Hiệu quả rõ ràng, chất lượng và tạo được tính lan toả ủng hộ từ doanh nghiệp địa phương.
Một số hình ảnh các bạn sinh viên được giảng viên hướng dẫn và tự mình vận dụng các kiến thức, kỹ năng để cùng làm việc nhóm và tổ chức thực hiện các dự án theo Mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành tham gia đã có các ý kiến góp ý về nâng cao chất lượng dịch vụ, làm tròn sản phẩm, cũng như định hướng hợp tác trong thời gian tới. Nhiều gợi mở thiết thực, sáng tạo giúp cho cả địa phương, các em sinh viên cũng như doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại huyện Chợ Lách điều chỉnh đúng nhu cầu thị trường và thế mạnh địa phương.
Bà Lương Thị Mộng Vân – Giám đốc chi nhánh Tp.HCM, Cty Asianway Travel chia sẻ: Cty Asianway Travel chuyên thị trường khách quốc tế. Từ trước đến nay chúng tôi chủ yếu đưa khách đến Mỹ Tho, rất nhiều. Chúng tôi cũng chưa có nhiều thông tin được tiếp cận nên thú thật là không hình dung được Chợ Lách có nhiều sản phẩm phù hợp với khách inbound thế này. Tham gia lần này tôi rất thích thú, chắc chắn sau chuyến đi hôm nay sẽ có thảo luận sâu hơn với các doanh nghiệp dịch vụ tại địa phương để tìm cơ hội hợp tác. Bản thân khách du lịch hay chúng tôi đều rất cần những sản phẩm mới, dịch vụ tốt. Về góp ý thì tôi đề xuất tăng cường các hoạt động để khách quốc tế cùng tham gia trải nghiệm như cooking class, cùng ươm giống cây, sửa kiểng hoặc làm thuốc nam cùng người dân miệt vườn Cái Mơn (Chợ Lách).
Du khách Sarika Chennur đến từ nước Mỹ hào hứng khi cho biết đây là lần đầu tiên cô đến Việt Nam cũng như là Chợ Lách (Bến Tre). Trước đó cô nghĩ sẽ có thật nhiều dừa. Nhưng thật ngạc nhiên khi nơi mà cô cùng các bạn mình đến: Cái Mơn (Chợ Lách) lại rợp một màu xanh của cây giống, hoa quả. Cảm giác yên bình ngay ấn tượng đầu tiên của cô đó chính là nhìn những chiếc xuồng trên sông. Nó thật êm đềm. Cô cũng cho biết mình sẽ kể về Chợ Lách với nhiều bạn bè của mình và rất mong có cơ hội được quay lại nơi này lâu hơn để trải nghiệm nhiều hơn nữa về văn hoá và con người của miệt vườn Chợ Lách.
Riêng du khách Lee Ru Ye Laura – đến từ Singapore cũng là lần đầu tiên đến Việt Nam và Chợ Lách (Bến Tre) thì cho rằng: nơi này là sự lựa chọn tuyệt vời về sinh thái, nhất là sau đại dịch Covid – 19, mọi người gần như đã thay đổi rất nhiều về quan niệm và thói quen du lịch của mình. Tôi nghĩ các bạn nên quảng bá tốt hơn để du khách quốc tế có cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng về ẩm thực của Chợ Lách. Mọi thứ đều tươi, ngon và đa dạng. Người dân thì hiếu khách, thân thiện.
Dịp này, Khoa Quản trị Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn của Đại học Kinh tế - Tài chính Tp. HCM (UEF) cũng đã chuyển giao quy trình chế biến, công thức ẩm thực sáng tạo từ thương hiệu “Sầu riêng Cái Mơn” cho Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Chợ Lách cũng như Doanh nghiệp địa phương là Khu Du lịch Rooster Mekong, bao gồm: Gỏi sầu riêng hạt trân châu nước mắm chanh dây (được làm từ vỏ sầu riêng và ẩm thực phân tử tạo thành hạt trân châu nước mắm); Cà ri tôm càng xanh, hột sầu riêng; Bánh sầu riêng sốt trái cây nhiệt đới. Đây sẽ là các món ăn lần đầu tiên được thầy trò UEF nghiên cứu, chế biến, chuyển giao cho địa phương và sẽ có mặt trong menu phục vụ khách tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch huyện Chợ Lách thời gian tới.
Service-Learning - Sử dụng các kiến thức, kỹ năng trong ngành học để giải quyết một số vấn đề xã hội Service-Learning là mô hình học tập được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Hiểu đơn giản, Service-Learning là mô hình mà ở đó giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng các kiến thức, kỹ năng trong ngành học để giải quyết một số vấn đề xã hội. Thông qua đó, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên môn, tạo cơ hội phát triển các kỹ năng mềm, nuôi dưỡng nhân cách, tư duy gắn kết cộng đồng xã hội và thực hiện trách nhiệm của một công dân |
Hải An