OCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh

Chương trình OCOP không chỉ nâng tầm sản phẩm đặc trưng Tây Ninh, mà còn tiếp sức cho các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn và quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài nước.

Làng nghề "hồi sinh" nhờ OCOP

Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Tại Tây Ninh vùng đất giàu bản sắc văn hóa và có truyền thống sản xuất tiểu thủ công nghiệp lâu đời chương trình OCOP không chỉ góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm đặc trưng, mà còn tạo thêm sinh kế, quảng bá du lịch, lan tỏa thương hiệu địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế.

OCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh- Ảnh 1.

Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng.

Tây Ninh hiện có 22 nghề, 1 làng nghề và 8 làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, nhiều nghề đã tồn tại hàng chục, hàng trăm năm như làm nhang, đan mây tre, làm bánh tráng, muối ớt… gắn liền với đời sống văn hóa và sinh kế của người dân địa phương.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và áp lực cạnh tranh thị trường, không ít làng nghề từng đứng trước nguy cơ mai một. OCOP ra đời như một "luồng sinh khí mới" giúp các cơ sở sản xuất truyền thống có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.

Thống kê đến nay, toàn tỉnh đã có 391 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó nhiều sản phẩm xuất phát từ các làng nghề truyền thống. Chương trình không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm, mà còn kết nối tiêu thụ qua các hội chợ thương mại, nền tảng thương mại điện tử và đưa sản phẩm vào chuỗi phân phối hiện đại.

Bánh tráng đặc sản nức tiếng của Tây Ninh là một trong những mặt hàng tiêu biểu thành công khi tham gia chương trình OCOP. Từ sản phẩm thủ công truyền thống, nhiều cơ sở đã đầu tư dây chuyền hiện đại, chú trọng an toàn thực phẩm, tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Đặng Khánh Duy (Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên, chuyên sản xuất bánh tráng) cho biết, nhờ đạt chuẩn OCOP 5 sao, sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng tin tưởng, mở rộng thị trường đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… và tiêu thụ tốt trong nước.

Ông Duy cho rằng, điều khiến ông tâm đắc là sản phẩm đã trở thành niềm tự hào của địa phương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động nông thôn.

OCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh- Ảnh 2.

Làng nghề làm hương ở Tây Ninh.

Tây Ninh không chỉ nổi tiếng với bánh tráng mà còn có nhiều sản phẩm thủ công gắn với yếu tố văn hóa như nhang truyền thống, mây tre đan, muối ớt… Việc kết hợp giữa sản phẩm OCOP và khai thác du lịch địa phương đang mở ra hướng đi tiềm năng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm truyền thống.

Chủ cơ sở nhang tại phường Long Hoa (Tây Ninh), chị Trần Thị Ngọc Vân thông tin, hiện nay cơ sở chủ yếu sản xuất và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trong tương lai khi có điều kiện, chúng tôi mong muốn mở rộng mô hình du lịch làng nghề. Du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm nhang, từ đó có thêm hiểu biết về sản phẩm và nét văn hóa truyền thống của Tây Ninh.

Chị Vân cho biết thêm, ngoài niềm vui khi được công nhận sản phẩm OCOP, việc kết hợp du lịch – sản xuất còn giúp cơ sở tiếp cận nhiều khách hàng hơn, góp phần tiêu thụ sản phẩm bền vững mà không phụ thuộc quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống.

Không chỉ riêng nghề làm nhang, nhiều làng nghề như mây tre đan, muối ớt, làm bánh cũng đang từng bước "bén duyên" với các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm các điểm đến và trải nghiệm của du khách khi đến Tây Ninh mảnh đất hội tụ cả núi rừng, tâm linh, văn hóa và nông nghiệp đặc sắc.

Chính sách đồng hành, hỗ trợ từ địa phương

Để chương trình OCOP phát huy tối đa hiệu quả, những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường.

Các sản phẩm OCOP được ưu tiên giới thiệu tại hội chợ, gian hàng xúc tiến, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn; đồng thời tích cực đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… mở rộng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, chợ truyền thống và siêu thị lớn. Đây là một trong những chiến lược nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, du khách đến với Tây Ninh ngày một tăng và mong muốn mua sản phẩm đặc thù về sử dụng hoặc làm quà tặng. 

Vì vậy, tỉnh cần có các quầy hàng chuyên bán các mặt hàng của Tây Ninh, trong đó có sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách để vừa nâng giá trị, vừa quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc trưng của địa phương.

OCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh- Ảnh 3.

Nghề làm muối ớt Tây Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thực tế cho thấy OCOP Tây Ninh vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc duy trì tính bền vững của sản phẩm sau khi được công nhận. Một số làng nghề còn thiếu nguồn nhân lực trẻ, thiếu liên kết vùng nguyên liệu, chưa chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường t rong sản xuất.

Thạc sỹ Lê Đình Nam, Trường ĐHQG TP.HCM, chuyên gia kinh tế nông nghiệp chia sẻ, để OCOP phát triển bền vững, Tây Ninh cần có thêm chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đầu tư khoa học – công nghệ và đặc biệt là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Việc bảo tồn nghề truyền thống cần gắn liền với phát triển kinh tế hiện đại và yêu cầu thị trường.

Chương trình OCOP tại Tây Ninh đang mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn dựa trên giá trị bản địa, khơi dậy nội lực cộng đồng. Khi sản phẩm địa phương được gắn với văn hóa, du lịch và thị trường toàn cầu, đó không chỉ là câu chuyện của bánh tráng, nhang hay muối ớt… mà là hành trình gìn giữ hồn cốt quê hương giữa dòng chảy hội nhập mạnh mẽ.

Đoàn Vũ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nghệ An: Nan giải bài toán bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đạiOCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh- Ảnh 5.
Tham khảo thêm
Làng nghề bánh tráng tiền tỷ ở Đắk Lắk: Tất bật vụ Tết, thấp thỏm vì thời tiếtOCOP thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề truyền thống ở Tây Ninh- Ảnh 6.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ocop-thoi-luong-sinh-khi-moi-vao-lang-nghe-truyen-thong-o-tay-ninh-a137400.html