Chính phủ yêu cầu điều chỉnh lương tối thiểu vùng ngay trong tháng 7

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhất là việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ tháng 7 năm 2025 để đảm bảo đời sống cho người lao động.

.t1 { text-align: justify; }

Bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp liên thông

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025; bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp liên thông, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời cần theo dõi sát hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, việc thực hiện 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh lương tối thiểu vùng ngay trong tháng 7- Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh lương tối thiểu vùng ngay trong tháng 7. Ảnh minh họa

Chính phủ cũng lưu ý giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang theo Nghị định số 178/2024, Nghị định số 67/2025 của Chính phủ và các nhiệm vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính , chính quyền địa phương 2 cấp.

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết của Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2025 theo đơn vị hành chính mới. Rà soát, sắp xếp, sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện, tài sản công, tài chính, điều kiện làm việc sau sắp xếp, bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm, không để thất thoát, lãng phí.

Nghị quyết giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ (thay thế Nghị định số 123/2016 và các nghị định có liên quan).

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chế độ, chính sách theo các Nghị định của Chính phủ; tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương thiếu nguồn.

Các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về: đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến , nhất là đối với lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, vật tư nông nghiệp, sách giáo khoa…; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm quý III và quý IV năm 2025.

Trong đó, Chính phủ lưu ý xác định rõ dư địa của các động lực tăng trưởng, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của các địa phương theo đơn vị hành chính mới, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% trở lên.

Chính phủ cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cả, thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát để có giải pháp điều hành giá phù hợp; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; quyết liệt thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 20%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng ; chuyển việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Việc này phải được hoàn thành trong tháng 7 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhất là việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ tháng 7 năm 2025 để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và chốt đề xuất mức lương tối thiểu vùng tăng 7,2%.


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/chinh-phu-yeu-cau-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-ngay-trong-thang-7-a137392.html