Sau sắp xếp, tỉnh được hoàng đế nhà Lý đặt tên gần 1.000 năm trước không đổi tên

Tỉnh này hiện có 130 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã và 11 phường.

Sau sắp xếp, tỉnh được hoàng đế nhà Lý đặt tên gần 1.000 năm trước không đổi tên- Ảnh 1.

Tỉnh Nghệ An được đặt tên cách đây gần 1.000 năm. Ảnh: LK

Đây là tỉnh Nghệ An.

Trong đợt sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh vừa diễn ra, có 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp. Trong số này có tỉnh Nghệ An.

Cúng với các địa phương khác trên cả nước, Nghệ An đã sắp xếp và hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Sau khi thực hiện bước chuyển đổi quan trọng này, Nghệ An có 130 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 119 xã và 11 phường.

Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Nghệ An được đặt tại phường Trường Vinh, nơi có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các vùng lân cận. Ngoài ra, đây còn là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não, khu đô thị mới, trường đại học, bệnh viện lớn, được quy hoạch là hạt nhân phát triển hành chính, dịch vụ và đô thị của Nghệ An trong giai đoạn mới.

Tỉnh Nghệ An có tên không đổi suốt gần 1.000 năm

Sau sắp xếp, tỉnh được hoàng đế nhà Lý đặt tên gần 1.000 năm trước không đổi tên- Ảnh 2.

Sau sắp xếp, tỉnh Nghệ An có 130 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: NT

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Nghệ An nổi tiếng là vùng đất với tinh thần hiếu học và truyền thống yêu nước bất khuất. Tên gọi Nghệ An thực tế đã có lịch sử hình thành gần 1.000 năm. Theo ghi chép trong lịch sử, ban đầu Nghệ An có danh xưng Hoan Châu, được lưu lại qua các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê.

Đến thời Lý, vào năm 1030, hoàng đế Lý Thái Tông đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An. Kể từ đó, danh xưng Nghệ An chính thức xuất hiện trên mảnh đất Việt Nam. Kể từ đó, vùng đất này gọi là Nghệ An châu trại, sau đổi thành trại Nghệ An, rồi Nghệ An phủ, Nghệ An thừa tuyên. Đến năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ).

Vào năm 1831, thời vua Minh Mạng, xứ Nghệ bị tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đến năm 1976, hai tỉnh hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh và năm 1991 lại tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nghệ An đứng đầu tiểu vùng Bắc Trung Bộ

Theo công bố mới đây của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, đặc biệt là trong bối cảnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Nghệ An vẫn ước đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ấn tượng là 8,24%. Con số này giúp Nghệ An xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp, đứng đầu tiểu vùng Bắc Trung Bộ.

Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh ước tăng 4,48%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,45%, riêng công nghiệp ước tăng 14,42%; khu vực dịch vụ ước tăng 6,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 5,59%.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25,1%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 87,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 13.909 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 26.568 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán.

Đáng chú ý, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, khi có 35 dự án cấp mới và 98 lượt dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15.021,5 tỷ đồng.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/sau-sap-xep-tinh-duoc-hoang-de-nha-ly-dat-ten-gan-1000-nam-truoc-khong-doi-ten-a137191.html