Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển

Ngày 9/7, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Tọa đàm “Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển”, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) phối hợp cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP. Hồ Chí Minh (SACA) đồng tổ chức. Quy hoạch trung tâm hành chính, tái cấu trúc hạ tầng, tổ chức không gian - định hình lối sống đô thị mới là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động hướng đến triển lãm VIBE 2025 do HAWA và SACA tổ chức, quy tụ các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nhà phát triển bất động sản và đại diện doanh nghiệp sản xuất cùng thảo luận về tương lai của không gian đô thị và kiến trúc Việt Nam hậu cải cách hành chính.

Kiến tạo không gian phát triển

518285612-1186051836887885-3616798290777887962-n-1752071043.jpg

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA - nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, khi công cuộc cải cách hành chính và sáp nhập tỉnh, thành được triển khai đồng bộ. Đây là cơ hội vàng để tái cấu trúc nguồn lực, nâng cao hiệu quả vận hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiện đại. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu có sự chuẩn bị bài bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng và nội thất - những yếu tố trực tiếp định hình không gian sống và làm việc tương lai

515441807-1186048950221507-6205560417685808857-n-1752071101.jpg

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA phát biểu khai mạc tọa đàm

Theo ông Mẫn, cộng đồng doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn dài hạn, đổi mới sáng tạo và đồng hành với xu hướng phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Triển lãm VIBE 2025 diễn ra từ ngày 1 đến 4/10/2025 với chủ đề "Next in Space - Tương lai của không gian sống", được kỳ vọng sẽ là diễn đàn kết nối đa ngành, nơi các doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc, nội thất, xây dựng và bất động sản cùng nhau hình dung và kiến tạo diện mạo không gian sống phù hợp với hình thái xã hội mới.

Định hình tương lai đô thị trong bối cảnh cải cách sâu rộng

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận xoay quanh bốn chủ đề trọng tâm: quy hoạch lại trung tâm hành chính và không gian công; tái cấu trúc hệ thống hạ tầng liên vùng; tổ chức lại không gian cộng đồng trong đơn vị hành chính mở rộng; và định hình lối sống, mô hình làm việc trong bối cảnh đô thị mới.

Mở đầu phần chia sẻ chuyên sâu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), phân tích những cơ hội mới cho thị trường bất động sản và các ngành liên quan sau quá trình sáp nhập. Theo Chủ tịch HoREA, việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ tạo không gian phát triển mới mà còn giúp phân bổ lại các nguồn lực đô thị, mở ra nhu cầu mới cho nhà ở, hạ tầng, văn phòng và các dịch vụ đô thị.

516811328-1186048213554914-1603153679573856571-n-1752071183.jpg

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh

Tiếp nối, TS. Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình bày chuyên đề về “Điều chỉnh quy hoạch TP. Hồ Chí Minh (mới) - Chiến lược phát triển và các dự án ưu tiên đầu tư”. TS. Phạm Trần Hải nhấn mạnh vai trò của việc điều chỉnh quy hoạch sau sáp nhập nhằm đảm bảo không gian phát triển liền mạch, đồng bộ. Đồng thời, ông cũng đưa ra năm nhóm giải pháp quy hoạch trọng yếu để tránh đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo tính liên kết vùng.

515496851-1186048973554838-4137373641727551777-n-1752071444.jpg

Từ góc nhìn thị trường, bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam - cung cấp các phân tích chuyên sâu về tương lai của ngành bất động sản và xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế. Thông qua các ví dụ từ các siêu đô thị như Manhattan (Hoa Kỳ), Thượng Hải (Trung Quốc), và Singapore, bà Phương Hằng chỉ ra những mô hình phát triển không gian hiệu quả như TOD (Transit-Oriented Development), đô thị sinh thái, hay khu phức hợp thông minh, cho thấy tiềm năng ứng dụng tại TP. Hồ Chí Minh hậu sáp nhập.

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Ở góc độ quy hoạch và kiến trúc, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận “Sáp nhập tỉnh: Cơ hội & thách thức dưới góc nhìn quy hoạch và kiến trúc”. KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập có tiềm năng trở thành siêu đô thị kinh tế biển, mở rộng trục kết nối quốc tế qua cảng biển, logistics, khu công nghiệp ven biển và đô thị thông minh. Để đón đầu làn sóng phát triển này, ông Sơn đề xuất chiến lược quy hoạch vùng ven, quy hoạch hạ tầng đa phương thức và đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư hạ tầng.

515494033-1186048913554844-6034707649661100778-n-1752071318.jpg

Tọa đàm khép lại bằng phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Cơ hội phát triển của ngành Kiến trúc - Xây dựng - Nội thất - Bất động sản trong bối cảnh đô thị mới”. Các chuyên gia như ông Nguyễn Quốc Khanh - Cố vấn cấp cao, Trưởng Ban tổ chức VIBE; ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch SACA, Phó Ban tổ chức VIBE; cùng bà Đặng Phương Hằng và KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã cùng phân tích sâu về chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ và giải pháp đổi mới phù hợp với thị trường trong giai đoạn hậu cải cách hành chính.

Vượt qua khuôn khổ một sự kiện riêng lẻ, tọa đàm cũng thể hiện rõ sứ mệnh mà VIBE hướng đến. Không chỉ là nền tảng giao thương hiệu quả kết nối toàn bộ hệ sinh thái ngành, ban tổ chức mong muốn tạo ra không gian trao đổi chuyên môn chiến lược, nơi định hình xu hướng và giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành Kiến trúc - Xây dựng - Nội thất Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường nội địa và mở rộng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực ASEAN.

H.An

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/cai-cach-hanh-chinh-kien-tao-khong-gian-phat-trien-a136971.html