Thị thực thông thoáng, điểm đến thêm sức hút
Trong cuộc đua thu hút khách quốc tế hậu Covid-19, chính sách thị thực đang trở thành một trong những "vũ khí" cạnh tranh quan trọng nhất của các điểm đến du lịch. Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt trong cải thiện thủ tục nhập cảnh, song so với nhiều quốc gia trong khu vực, mức độ cạnh tranh về thị thực vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện.
Ngày 7/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP, chính thức miễn thị thực cho công dân 12 quốc gia gồm: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan.
Theo chính sách mới, công dân các nước này được phép tạm trú tại Việt Nam tối đa 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích chuyến đi.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch 2025, Chính phủ tiếp tục mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ những động thái tích cực góp phần tạo ra những tín hiệu tăng trưởng rõ rệt về lượng khách quốc tế.
Chính sách thị thực chính là công cụ cạnh tranh then chốt của điểm đến, nhất là khi các quốc gia ráo riết hút khách quốc tế hậu Covid-19.
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón khoảng 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt 26% so với năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch.
Thực tế, chính sách thị thực thông thoáng hơn đã mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho nhiều du khách. Bà Gundula Schaul - du khách đến từ Đức chia sẻ với Người Đưa Tin: "Tôi đã du lịch Việt Nam hơn hai tuần qua. Việt Nam rất đẹp, con người thân thiện, mến khách.
Là công dân Đức được miễn thị thực, tôi thấy thủ tục nhập cảnh vô cùng thuận tiện. Thật tuyệt vời khi không phải lo lắng về visa, và sẽ còn tuyệt hơn nữa nếu thời gian lưu trú được kéo dài hơn".
Tuy nhiên, không phải ai cũng có trải nghiệm suôn sẻ như vậy. Ông Gasper Necimer - du khách nước Slovenia thẳng thắn bày tỏ: "Tôi đến từ một nước châu Âu nên thủ tục xin visa cũng khá dễ dàng, nhưng vẫn mất khoảng 4–5 ngày làm việc để hoàn tất. Thủ tục e-visa ở Việt Nam vẫn hơi phức tạp, lại không rõ liệu có chắc chắn được chấp nhận hay không.
Trong khi đó, ở Thái Lan tôi được miễn visa, chỉ cần đặt vé là có thể đi ngay. Visa Việt Nam chỉ cho phép lưu trú tối đa 90 ngày, nếu muốn ở lâu hơn, tôi buộc phải ra nước ngoài rồi quay lại làm thủ tục mới. Điều này chắc chắn là một rào cản cho những người muốn ở lại dài hạn".
Ông Gasper Necimer - du khách nước Slovenia.
Rõ ràng, chính sách thị thực đang trở thành một "mắt xích" quan trọng trong hệ thống chính sách đồng bộ phát triển du lịch. Bởi lẽ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi không chỉ nới lỏng thị thực mà còn phải đi cùng các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, quảng bá… để bảo đảm sự phát triển bền vững, dài hạn.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá trong cuộc đua thu hút khách quốc tế. Những cải cách mạnh mẽ hơn, tư duy cởi mở hơn trong chính sách thị thực sẽ không chỉ giúp tăng trưởng lượng khách mà còn nâng tầm hình ảnh, sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Chính sách thị thực mới, chọn lọc và ưu đãi hơn
Dù những chính sách miễn, nới lỏng thị thực gần đây đã mang lại tín hiệu tích cực, song theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện năng lực cạnh tranh về visa, qua đó đón thêm nhiều làn sóng khách quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội khẳng định: "Chính phủ và Đảng đang rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy thu hút khách quốc tế.
Từ 15/8/2023 chúng ta đã có bước tiến lớn với việc nới lỏng chính sách thị thực như kéo dài thời gian lưu trú, mở rộng hình thức nhập cảnh nhiều lần, áp dụng visa điện tử. Nhờ vậy, những thị trường được miễn visa đã tăng trưởng tối thiểu hơn 30%, đóng góp mạnh mẽ cho đà phục hồi của ngành du lịch".
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách visa theo hướng linh hoạt, thuận tiện hơn nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, AI và big data.
"Những công cụ này hoàn toàn có thể giúp sàng lọc, không để các đối tượng xấu nhập cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa mở cửa tối đa cho khách du lịch quốc tế. Tôi rất mong Chính phủ nghiên cứu, sớm áp dụng những cải cách này để giúp du lịch Việt Nam bứt phá, đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng", ông nói.
6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón khoảng 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt 26% so với năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa thành hàng loạt chiến lược xúc tiến, quảng bá, tái định vị thương hiệu quốc gia.
Theo đó, ngành du lịch sẽ tập trung vừa củng cố các thị trường truyền thống vừa khai phá những thị trường tiềm năng, đặc biệt là nhóm khách chi tiêu cao đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, Mỹ và các thị trường mới nổi như Ấn Độ.
Bộ cũng đang đề xuất thí điểm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, nhằm tăng hiệu quả quảng bá và kết nối trực tiếp.
Đáng chú ý, toàn ngành đang trong quá trình tái định vị thương hiệu du lịch quốc gia, giữ nguyên thông điệp "Vietnam – Timeless Charm" đồng thời bổ sung những giá trị mới, hợp xu thế về trải nghiệm xanh, văn hóa đậm đà bản sắc, ẩm thực độc đáo, con người thân thiện.
Những phân khúc du lịch đặc thù cũng được chú trọng khai thác như du lịch golf, chăm sóc sức khỏe, MICE, du lịch đường sông…
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành du lịch cũng chủ động ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá như triển khai hệ sinh thái số quốc gia về xúc tiến du lịch, ứng dụng AI và dữ liệu lớn để phân tích thị trường, quảng bá trên các nền tảng toàn cầu như Google, Facebook, TikTok, kết hợp với các KOLs quốc tế để lan tỏa hình ảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mê Kông, ASEAN, CLV, ACMECS… cũng tiếp tục được đẩy mạnh nhằm mở rộng mạng lưới liên kết vùng và quốc tế.
Đặc biệt, Chương trình kích cầu phát triển du lịch 2025 được xem là đòn bẩy trọng tâm để tăng trưởng cả lượng khách, thời gian lưu trú lẫn chi tiêu bình quân của du khách.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với thông điệp "Việt Nam - Đi để yêu" phiên bản mới, nhấn mạnh hình ảnh điểm đến "an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn".
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh thời gian tới ngành sẽ đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến tại những thị trường có chính sách visa thuận lợi, phối hợp với hàng không và lữ hành lớn triển khai các gói combo ưu đãi bay, nghỉ, trải nghiệm.
Các chương trình quảng bá quốc tế trọng điểm cũng sẽ được tăng cường như ITB Berlin, WTM London, cùng chuỗi sự kiện roadshow tại Đông Bắc Á, châu Âu, Australia, Ấn Độ, Bắc Mỹ…
Song song, du lịch Việt Nam sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của truyền thông số, video ngắn trên TikTok, YouTube Shorts, hợp tác với những người có ảnh hưởng quốc tế, các nền tảng OTA như Booking, Agoda, Expedia… để tiếp cận sâu rộng hơn với khách hàng toàn cầu, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và dễ tiếp cận nhất khu vực.
Với sự đồng bộ giữa chính sách thị thực thông thoáng, xúc tiến sáng tạo và dịch vụ chuyên nghiệp, ngành du lịch kỳ vọng 2025 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/mo-then-cai-thi-thuc-don-gio-moi-cho-du-lich-a136416.html