Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất

Sau hợp nhất TP.HCM mới bước vào vận hội mới, hình thành siêu đô thị đa trung tâm hội tụ công nghiệp, dịch vụ, cảng biển.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 1.

Ngày 1/7/2025, đánh dấu cột mốc lịch sử - TP.HCM hợp nhất địa giới hành chính với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, một siêu đô thị đa trung tâm lớn nhất cả nước được hình thành. Từng khu vực trong đại đô thị mới đóng vai trò là một “trung tâm động lực” với chức năng riêng biệt nhưng kết nối chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất - một vành đai phát triển đa cực, lan tỏa đến toàn vùng kinh tế phía Nam và xa hơn là hướng đến thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 2.

Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, từ khu vực Bến Thành, Đồng Khởi đến Thủ Thiêm - nơi đang vươn mình thành “phố Đông mới” - một hệ sinh thái đô thị hiện đại đang dần hiện hình. Những tòa nhà tài chính cao tầng, cao ốc văn phòng xanh, khu dân cư cao cấp ven sông cùng hạ tầng thông minh theo chuẩn quốc tế đang từng bước xác lập diện mạo mới cho trung tâm TP.HCM.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 3.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 4.

Trung tâm TP.HCM không phát triển độc lập mà kết nối chặt chẽ với Thủ Thiêm, nơi đang vươn mình thành khu tài chính quốc tế của đại đô thị mở rộng. Các công trình trọng điểm như Trung tâm tài chính, Quảng trường trung tâm, Nhà hát Thủ Thiêm, hệ thống khách sạn cao cấp và không gian sáng tạo đang định hình Thủ Thiêm thành đô thị tương lai, kết nối với lõi trung tâm qua cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 5.

Kết nối vùng trung tâm trở nên rõ nét hơn khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khai trương từ tháng 12/2024, vận hành ổn định với hơn 200 chuyến mỗi ngày. Tuyến Metro này được xem là xương sống giao thông công cộng, kết nối trung tâm TP.HCM với khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời mở rộng liên kết đến khu công nghệ cao, các trường đại học và vùng công nghiệp Bình Dương.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 6.

Từ trục Bến Thành đến Thủ Thiêm, trung tâm TP.HCM không chỉ là biểu tượng lịch sử đô thị mà đang tái định vị để trở thành hạt nhân kinh tế chiến lược của siêu đô thị mở rộng.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 7.

Thuộc cửa ngõ phía Bắc TP.HCM, Bình Dương - với hạt nhân là khu công nghiệp Sóng Thần đang vươn lên thành cực phát triển chiến lược trong đại đô thị TP.HCM sau hợp nhất. Từ nền tảng "thủ phủ công nghiệp" được quy hoạch bài bản hơn 20 năm qua, Bình Dương hiện không chỉ là nơi tập trung sản xuất mà còn định hình vai trò mới là vùng động lực tích hợp hành chính - công nghiệp - logistics thông minh.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 8.

Liên kết vùng tại cửa ngõ phía Bắc TP.HCM (Bình Dương cũ) cũng ngày càng hoàn chỉnh với hệ thống giao thông xuyên suốt như quốc lộ 13 mở rộng, cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 743, và đặc biệt là sự gắn kết chiến lược với Vành đai 3, giúp kết nối nhanh chóng với cửa ngõ phía Đông thành phố (TP Thủ Đức cũ), trung tâm tài chính Thủ Thiêm, cảng Cát Lái và các trục giao thương quốc tế.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 9.

Nằm phía Đông Nam của TP.HCM, cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á, được quy hoạch để trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 10.

Cảng Cái Mép kết nối trực tiếp với cảng Cát Lái và vùng hậu phương logistics Thủ Đức (cũ) và Bình Dương (cũ), tạo thành chuỗi cung ứng thông suốt. Tầm nhìn dài hạn là hình thành vành đai logistics - công nghiệp ven biển, hỗ trợ xuất khẩu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 11.

Song song với đó là biển Vũng Tàu với lợi thế khí hậu, cảnh quan và hạ tầng du lịch, sẽ trở thành đô thị biển nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ tài chính - công nghệ biển, phát triển mô hình du lịch thông minh, kết nối nhanh với trung tâm TP.HCM qua cao tốc và đường ven biển.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 12.

Sau hợp nhất, siêu đô thị TP.HCM mở rộng đang mang trên mình sứ mệnh trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực, cửa ngõ giao thương quốc tế và nơi kiến tạo một lối sống đô thị bền vững. Từng khu vực trong đại đô thị không phát triển đơn lẻ mà là một mắt xích trong chiến lược tổng thể, thúc đẩy cả vùng phát triển đột phá.

Toàn cảnh TP.HCM - siêu đô thị đa trung tâm sau hợp nhất- Ảnh 13.

Ngày 1/7 - không chỉ là một dấu mốc hành chính, mà là ngày mở đầu cho một kỷ nguyên đô thị mới, nơi khát vọng - bản lĩnh - trí tuệ Việt Nam được hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ ra toàn cầu.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/toan-canh-tphcm-sieu-do-thi-da-trung-tam-sau-hop-nhat-a136067.html