Từ fanpage dấu tích xanh đến cái bẫy được dựng sẵn
Dù đã nhiều lần được cảnh báo, mùa du lịch cao điểm vẫn liên tiếp ghi nhận những vụ du khách sập bẫy combo du lịch giá rẻ lan truyền trên mạng xã hội. Đằng sau các fanpage có dấu tích xanh, hàng chục nghìn lượt theo dõi là cả một "mạng nhện" lừa đảo được tổ chức bài bản, gây thiệt hại lớn cho khách hàng và làm xấu hình ảnh ngành du lịch.
Phản ánh tới Người Đưa Tin, bạn Bùi Thị Ngọc Hà (trú tại Hà Nội) kể lại trải nghiệm không tốt khi cùng nhóm bạn sập bẫy lừa đảo du lịch vào tháng 3 vừa qua.
Tranh thủ kỳ nghỉ cuối tuần, Hà cùng nhóm bạn quyết định đặt 4 phòng tại một resort nổi tiếng ở Ninh Bình sau khi đọc được nhiều đánh giá tích cực trên mạng. Tin tưởng vào những hình ảnh lung linh cùng lời giới thiệu hấp dẫn từ fanpage với hơn 20.000 lượt theo dõi, nhóm nhanh chóng chuyển khoản 3 triệu đồng đặt cọc mà không mảy may nghi ngờ.
"Fanpage có logo rất chuyên nghiệp, ảnh phòng nghỉ đẹp, giá lại cực kỳ hấp dẫn, chỉ 1,5 triệu đồng/phòng kèm cả buffet trưa. Mọi thứ quá hợp lý nên chúng tôi chốt luôn", Hà chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người tư vấn bắt đầu lật bài, thông báo mã đặt phòng không hợp lệ, viện lý do hệ thống lỗi và gửi một đường link lạ yêu cầu thao tác lại.
"Lúc đó tôi bắt đầu thấy nghi nghi, sợ lỡ bấm phải đường link có mã độc. Tôi gọi lại cho số điện thoại trên fanpage nhiều lần nhưng không ai bắt máy. Nhắn tin thì họ trả lời rất cợt nhả, kiểu như muốn khẳng định rằng chúng tôi đã bị lừa", Hà bức xúc nói.
Không chỉ mất tiền, Hà còn lo lắng khi đối tượng đã nắm được thông tin cá nhân và số điện thoại, không biết sẽ bị lợi dụng vào mục đích gì.
Phương thức lừa đảo của các đối tượng là viện lý do mã đặt phòng bị sai, thiếu nội dung rồi yêu cầu chuyển lại tiền lần nữa - (Ảnh: NVCC).
Cùng chung phương thức lừa đảo trên, mới đây bạn Trương Thúy An (tỉnh Cao Bằng) cũng sập bẫy khi đặt phòng ở khu nghỉ dưỡng gần đảo Phú Quý qua một fanpage có dấu tích xanh. Tin tưởng vào vỏ bọc uy tín, An nhanh chóng chuyển 10 triệu đồng để giữ phòng.
"Sau khi nhận tiền, các đối tượng tiếp tục giăng bẫy tinh vi, một người giả danh nhân viên khu nghỉ dưỡng gọi điện thông báo 'giao dịch sai thông tin' và hướng dẫn quy trình hoàn tiền.
Nếu tôi làm theo, bấm vào đường link do chúng cung cấp, mã OTP sẽ bị đánh cắp, tài khoản ngân hàng bị rút sạch. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, tôi lập tức dừng giao dịch, liên hệ với hotline chính thức của khu nghỉ dưỡng và được xác nhận fanpage kia là giả mạo", An cho biết.
Dù nỗ lực liên lạc để mong được hoàn tiền, An nhanh chóng bị chặn toàn bộ liên lạc. Số tiền 10 triệu đồng coi như mất trắng.
"Tôi không nghĩ một fanpage có tích xanh cũng có thể là giả, sau vụ này, tôi mất hoàn toàn niềm tin vào việc đặt tour hay phòng qua mạng xã hội", An bức xúc chia sẻ.
Không chỉ vài trường hợp đơn lẻ, tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã triệt phá một đường dây lừa đảo bằng hình thức giả mạo fanpage đặt phòng nghỉ dưỡng giá rẻ.
Với kinh nghiệm từng làm thuê cho các công ty lừa đảo ở Campuchia, nhóm đối tượng đã xây dựng fanpage giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh của các khu du lịch nổi tiếng và chạy quảng cáo dày đặc. Chỉ trong vòng 15 ngày, đường dây này đã lừa được khoảng 80 người, chiếm đoạt trên 250 triệu đồng.
Du khách cần là những người tiêu dùng thông minh
Thời gian gần đây, các chiêu trò lừa đảo trong lĩnh vực du lịch ngày càng tinh vi và có tổ chức, không chỉ dừng lại ở các tin nhắn rác hay đường link lạ, nhiều đối tượng đã lập ra những fanpage, website mạo danh có giao diện gần như giống hệt trang chính thức của các khách sạn, resort hay công ty du lịch uy tín.
Từ logo, tên miền na ná cho đến bố cục chuyên nghiệp, các trang giả mạo này khiến ngay cả những người cẩn trọng cũng dễ dàng sập bẫy.
Ngoài ra với tâm lý ham rẻ, thiếu kỹ năng kiểm chứng thông tin và những sơ hở trong bảo mật cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nở rộ.
"Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp khách hàng gọi đến phản ánh đã chuyển tiền đặt tour, nhưng khi kiểm tra lại thì không có bất kỳ giao dịch nào trên hệ thống. Chỉ lúc đó họ mới ngã ngửa khi biết mình bị lừa bởi một trang web giả mạo thương hiệu công ty", bà Đào Thị Kim Lan – đại diện Royal Tour cho biết.
Theo bà Lan, các đối tượng lừa đảo thường sao chép hình ảnh tour du lịch từ những doanh nghiệp uy tín rồi rao bán với mức giá "siêu rẻ", đánh trúng tâm lý thích săn ưu đãi của người tiêu dùng.
Mỗi khách hàng cần biết cách tự bảo vệ chính mình, tránh "sập bẫy" lừa đảo du lịch.
Không chỉ dừng lại ở website, các fanpage tích xanh trên mạng xã hội vốn được xem là biểu tượng của sự tin cậy cũng đang bị biến thành công cụ lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) cảnh báo: "Nhiều fanpage tích xanh vốn mang tên A bị mua lại, rồi đổi tên thành B là tên gần giống với thương hiệu thật. Người dùng khi tìm kiếm có thể dễ dàng nhầm lẫn, khiến việc phân biệt thật giả trở nên vô cùng khó khăn".
Thêm vào đó, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép tạo ra những website giả mạo chỉ trong vài phút, với giao diện gần như sao y bản chính. Nếu người dùng không cảnh giác, đặc biệt là không kiểm tra kỹ URL trên trình duyệt, thì nguy cơ sập bẫy là rất cao.
Trước thực trạng đó, nhiều phần mềm an ninh mạng trong đó có cả công cụ miễn phí từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tích hợp tính năng cảnh báo đường link giả mạo. Một số ứng dụng ngân hàng hiện nay cũng có khả năng tự động khóa giao dịch nếu phát hiện thiết bị chứa phần mềm đáng ngờ.
Một lỗ hổng khác đang bị các đối tượng lợi dụng là tài khoản ngân hàng doanh nghiệp. Theo ông Sơn, trong khi tài khoản cá nhân hiện đã được yêu cầu xác thực sinh trắc học, thì nhiều tài khoản doanh nghiệp vẫn được mở dễ dàng mà không có các lớp xác thực tương tự.
"Đối tượng chỉ cần lập công ty 'ma', rồi mở tài khoản doanh nghiệp để hợp thức hóa các dòng tiền bất chính", ông Sơn phân tích.
Từ ngày 1/7, Thông tư 17 sẽ chính thức yêu cầu xác thực sinh trắc học với cả tài khoản doanh nghiệp. Đây được coi là bước đi mạnh nhằm bịt lại kẽ hở đang bị giới tội phạm công nghệ lợi dụng.
Thống kê mới nhất cho thấy, đến nay đã có hơn 113 triệu tài khoản cá nhân tương đương khoảng 93% tổng số tài khoản được xác thực sinh trắc học và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, với khối tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ này mới đạt khoảng 50%, tạo khoảng trống lớn trong công tác phòng chống gian lận.
Việc triển khai xác thực điện tử cho toàn bộ tài khoản tổ chức, doanh nghiệp từ tháng 7 được kỳ vọng sẽ siết chặt quản lý, tăng tính minh bạch trong giao dịch và từng bước khép lại "thiên đường lừa đảo" trên không gian số.
Để tránh trở thành nạn nhân, các chuyên gia cho biết, du khách cần trang bị cho mình kỹ năng và kiến thức cơ bản. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin về công ty du lịch, lựa chọn đơn vị uy tín có đánh giá tích cực trên các nền tảng như TripAdvisor, Google Reviews hoặc qua giới thiệu từ người quen.
Tuyệt đối không chuyển khoản 100% vào tài khoản cá nhân trước khi được xác nhận dịch vụ rõ ràng, nên yêu cầu hợp đồng, giấy tờ minh bạch. Đồng thời, cần kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, dịch vụ trên các trang đặt phòng uy tín, so sánh ảnh thực tế và phản hồi của người dùng trước khi đưa ra quyết định. Đừng để mức giá "quá hời" làm lu mờ sự tỉnh táo.
Trước thực trạng lừa đảo ngày càng gia tăng theo mùa du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các sở du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các fanpage, website giả mạo và đối tượng lừa đảo.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng cần chủ động phối hợp ngăn chặn, kịp thời phản hồi và không lan truyền thông tin sai lệch, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo mật để tránh bị mạo danh.
Lừa đảo trong du lịch là vấn nạn không mới nhưng ngày càng biến tướng khó lường. Trong khi chờ đợi những hành lang pháp lý chặt chẽ hơn và sự can thiệp mạnh mẽ từ các nền tảng mạng xã hội, sự tỉnh táo của mỗi du khách chính là "lá chắn" đầu tiên và hiệu quả nhất.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tuong-san-duoc-tour-hoi-ai-ngo-book-luon-vao-bay-lua-dao-a135654.html