"Chìa khóa" để bảo tồn di sản
Mới đây, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Bộ Ngoại giao – Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững".
Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi triển khai Kế hoạch Hành động 2021–2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO (2021–2025) và Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.
Đồng thời, hội thảo cũng nằm trong lộ trình thực hiện các kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, kể từ khi phê chuẩn tham gia Công ước năm 1972 vào ngày 19/10/1987, đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Việt Nam cũng đã hai lần đảm nhiệm vai trò thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (2013–2017 và 2023–2027).
Cùng với sự tín nhiệm quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong nhận thức và lý luận về bảo tồn di sản, với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Luật mới lồng ghép tinh thần phát triển bền vững từ Công ước 1972 và các hướng dẫn liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thế giới.
"Trong Công ước 1972, UNESCO đã nhấn mạnh đến 5 chữ "C" trong chiến lược toàn cầu, trong đó "Community" – cộng đồng được coi là một trụ cột then chốt. "Cộng đồng" không chỉ đơn thuần là một khái niệm, mà là một triết lý, một nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản.
Chính cộng đồng là những người nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá, và hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, thực thi kế hoạch quản lý, đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các di sản.
Nhờ đó, các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực và toàn vẹn của di sản tại Việt Nam được gìn giữ, phục hồi theo định hướng phát triển bền vững. Cơ chế quản lý, đội ngũ nhân lực từ trung ương đến địa phương không ngừng được củng cố, và các nguồn lực xã hội hóa được huy động hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.
Sự quan tâm mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và cộng đồng cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Lượng khách tham quan và nghiên cứu tại các di sản được UNESCO công nhận ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng to lớn của di sản trong nâng cao đời sống và phát triển địa phương.
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về chấn hưng và phát triển văn hóa, cũng như các cam kết quốc tế, Bộ VH-TT&DL và các địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu trong "Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững" trong đó có nội dung bảo vệ và bảo đảm an toàn cho Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, cũng như Di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Phát huy nhận thức cộng đồng
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là "Thành phố di sản" với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại đã được UNESCO vinh danh.
Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch văn hóa.
Theo Phó Chủ tịch, Hà Nội xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân.
"Thông qua hội thảo, Thành phố Hà Nội mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản, tiếp cận dựa vào cộng đồng.
Đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ với nỗ lực của thành phố trong việc phát huy giá trị, bảo tồn di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho hay.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý Nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cũng giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng.
Cùng với đó, hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản.
Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế lần này. Đồng thời tin tưởng rằng những kinh nghiệm được chia sẻ, gợi mở trong hội thảo sẽ là những định hướng quý báu để Bộ VHTT&DL và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/di-san-song-dong-nho-cong-dong-ben-vung-nho-y-thuc-nguoi-dan-a128894.html