Khan hàng loại quả xuất khẩu tỉ USD, giá tăng mạnh

Đơn hàng xuất khẩu dồn dập nhưng một số doanh nghiệp phản ánh khó mua quả dừa tươi do khan hiếm nguồn cung.

Theo số liệu của cơ quan hải quan, tính đến hết năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dừa đạt gần 1,1 tỉ USD, tăng trên 20% so với năm 2023.

Khan hàng loại quả xuất khẩu tỉ USD, giá tăng mạnh- Ảnh 1.

Ngành dừa có triển vọng xuất khẩu lớn

Triển vọng xuất khẩu dừa được duy trì tốt trong những tháng đầu năm nay. Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025 cho thấy xuất khẩu dừa tươi đạt 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh 46% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, khan hiếm nguồn cung, giá tăng mạnh là thực tế ghi nhận trong thời gian gần đây.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Công ty CP dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), chia sẻ doanh nghiệp đang xuất khẩu dừa tươi đi UAE, các nước hồi giáo... nhưng rất vất vả vì không có nguồn hàng để thu mua.

"Chúng tôi nhận được đơn hàng lên tới 200-300 container/tháng, song không có hàng để xuất khẩu, trong khi giá lấy tại vườn là 18 ngàn đồng/quả" - bà Hằng cho biết.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết không chỉ ở Việt Nam, tại các quốc gia châu Á khác như Philippines hay Thái Lan, giá dừa cũng tăng mạnh, đạt mức cao kỉ lục do nguồn cung giảm và nhu cầu xuất khẩu tăng nhanh.

Thời gian qua, Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường lớn cho trái dừa, trong đó có thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo hiệu ứng domino, nhiều thị trường đã tăng cường tìm kiếm dừa Việt Nam.

Theo ông Khoa, giá dừa tăng cao là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng dừa Việt Nam sau nhiều năm đối mặt với biến động thị trường. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc thu mua nguyên liệu dừa tươi không ổn định.

Để ngành dừa phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm từ dừa như dầu dừa, nước dừa đóng hộp, mỹ phẩm thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ.

Ngoài ra, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần được siết chặt hơn thông qua các hợp đồng bao tiêu dài hạn và mô hình sản xuất theo chuỗi. Việc này nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn một năm. Một phần ba diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu.

Hiện, cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/khan-hang-loai-qua-xuat-khau-ti-usd-gia-tang-manh-a128319.html