Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, xuất hiện hàng loạt bài đăng kêu gọi từ thiện giả mạo dưới danh nghĩa các bệnh viện lớn tại Việt Nam.

Các bài đăng này sử dụng nội dung và hình ảnh giống nhau, nhưng thay đổi số tài khoản và thông tin bệnh nhân nhằm đánh lừa những nhà hảo tâm, gây hoang mang trong dư luận và làm suy giảm lòng tin vào các hoạt động thiện nguyện. Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người dân lầm tưởng và chuyển tiền ủng hộ vào các tài khoản giả mạo.

Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo

Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo VTV, các fanpage giả mạo mang tên các bệnh viện uy tín như: Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai); Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Nội dung bài đăng trên các fanpage này giống hệt nhau, từ lời kêu gọi, hình ảnh, đến câu chuyện cảm động về hoàn cảnh của bệnh nhân.

Quá trình tìm hiểu, phóng viên ghi nhận các fanpage giả mạo mang tên các bệnh viện nêu trên đã đăng tải bài viết kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bằng cách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nội dung bài đăng nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một bé gái tên An, sinh năm 2023, mắc bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp Wiskott Aldrich - một căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1:1.000.000 ở bé trai. Bài viết mô tả chi tiết tình trạng sức khỏe của bé, những khó khăn của gia đình, và câu chuyện bi kịch về tai nạn khiến bố bé qua đời và mẹ bé bị cụt hai chân.

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện- Ảnh 1.

Fanpage giả mạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Nội dung bài đăng trên fanpage giả mạo các bệnh viện như sau:

ĐÂY CŨNG LÀ LẦN HIẾM HOI DUY NHẤT BỆNH VIỆN ĐỨNG RA KÊU GỌI QUYÊN GÓP.

CHÚ Ý BỆNH VIỆN CHỈ DÙNG DUY NHẤT 1 SỐ TÀI KHOẢN MẸ/BỐ BÉ AN.

Con tên là NGUYỄN THỊ AN sinh ngày 3/9/2023. Con đang ở cùng ông bà nội.

Con cười vậy thôi nhưng có thể chảy máu bất cứ chỗ nào bất cứ lúc nào: mũi mồm, tai, tiêu hóa…

Từ khi sinh ra con đã đi cấp cứu nhập viện truyền máu, truyền tiểu cầu ở Bệnh viện Nhi Trung Ương và từ đấy chuỗi ngày của gia đình con thay đổi.

Suốt 3 tháng con nằm viện mẹ không biết con mắc bệnh gì dù đã làm các xét nghiệm ở các bệnh viện lớn. Rồi một ngày mẹ như chết lặng khi nhận được kết luận của các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung Ương con bị Suy Giảm Miễn Dịch Kết Hợp Wiskott Aldrich, tỷ lệ mắc 1:1000.000 bé trai và cách duy nhất để chữa bệnh cho con là GHÉP TUỶ.

Tiểu cầu của con có lúc xuống thấp còn 6, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu, chàm da nặng, nhiễm trùng huyết, viêm niêm mạc đại tràng mãn tính…

Cuộc sống của đứa trẻ 20 tháng tuổi là những lần lấy ven (có những lúc chọc 20 lần không lấy được phải bỏ thuốc), truyền thuốc liên tục, chọc tủy, có những lần nằm viện 1-2 tháng về nhà được 2 ngày thì sốt cả nhà lại phải cho con đi cấp cứu lúc nửa đêm. Mẹ không thể tưởng tượng em bé của mẹ phải chịu bao nhiêu lần đau, sưng tím người, nhịn ăn suốt 19h đồng hồ để đi nội soi...

Từ lúc con sinh ra, mẹ em đã phải nghỉ làm để chăm em, một mình bố em đi làm để nuôi 2 mẹ con. Chi phí cho con đi viện từ lúc sinh ra đến giờ đã hết khoảng 600tr. Bây giờ mỗi tháng cháu cần 40tr để mua thuốc cho cháu: thuốc IVIG, thuốc CMV, Revolad… Mà tất cả đều phải do gia đình tự chi trả.

KHÔNG MAY ĐANG LÚC CHỮA TRỊ CẢ 2 BA MẸ TRONG LÚC ĐI LÀM VỀ XẢY RA 1 TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG KHIẾN BỐ BÉ ĐÃ RA ĐI. MẸ BÉ THÌ CỤT MẤT 2 CHÂN CŨNG ĐANG TRONG THỜI GIAN ĐIỀU TRỊ. GIA ĐÌNH ĐANG RẤT KHÓ KHĂN MONG CÁC NHÀ HẢO TÂM GIÚP ĐỠ.

Gia đình con cầu mong sự giúp đỡ của mọi người, các ông bà, các cô chú xin hãy cứu bé, giúp đỡ cho con trai con với ạ, cho con có cơ hội được sống như bao đứa trẻ khác.

MỌI SỰ GIÚP ĐỠ CỦA MỌI NGƯỜI XIN CHUYỂN TRỰC TIẾP TỚI MẸ/BỐ BÉ AN."

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện- Ảnh 2.

Một số fanpage của các bệnh viện tại Thanh Hoá, Lào Cai, Sơn La cũng bị các đối tượng lợi dụng để kêu gọi từ thiện với nội dung tương tự.

Điều đáng chú ý là dù nội dung và hình ảnh giống nhau, tuy nhiên các fanpage lại sử dụng các số tài khoản ngân hàng khác nhau và thời gian đăng tải cách nhau rải rác từ ngày 13/4 đến 12/5/2025. Các đối tượng lừa đảo đã chạy quảng cáo với số lượng tương tác và chia sẻ cao, khiến bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý. Sau khi nhận được tiền quyên góp, chúng lập tức tạo fanpage mới, thay đổi tên và số tài khoản để tiếp tục kêu gọi, khiến nhiều người lầm tưởng đây là những hoàn cảnh khác nhau.

Thủ đoạn của các đối tượng cực kỳ tinh vi. Trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, chúng đã sao chép gần như toàn bộ nội dung, hình ảnh, logo và phong cách thiết kế từ fanpage chính thức của các bệnh viện. Một số trang giả mạo thậm chí có lượt thích và theo dõi cao hơn cả fanpage chính thức, khiến người dân khó phân biệt thật giả.

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện- Ảnh 3.

Nhiều người đã "sập bẫy" của các đối tượng chia sẻ thông tin để nhiều người dân biết tới thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội.

Bệnh viện phát đi cảnh báo về các trường hợp giả mạo

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Thời báo VTV đã liên hệ trực tiếp với đại diện các bệnh viện bị giả mạo fanpage. Ths Nguyễn Thị Mai - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, khẳng định: Từ trước đến nay, bệnh viện không sử dụng website, fanpage hay bất kỳ trang thông tin điện tử nào để kêu gọi hỗ trợ hoặc quyên góp cho bệnh nhân như các fanpage giả mạo đã lan truyền. Bà nhấn mạnh rằng, đối với các trường hợp khó khăn sau khi được xác minh hoàn cảnh bởi địa phương, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện sẽ phối hợp cùng các cơ quan báo chí chính thống để thực hiện việc kêu gọi hỗ trợ. Hiện, bệnh viện đã thông tin cảnh báo đến người dân và gửi công văn đến cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp mạo danh, lợi dụng danh nghĩa bệnh viện để kêu gọi quyên góp trái phép.

Tương tự, ĐD CKI Lê Thị Hồng Loan - Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết: Ngay sau khi phát hiện fanpage giả mạo, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Các biện pháp bao gồm đăng tải thông báo cảnh báo trên website và fanpage chính thức, báo cáo các trang giả mạo tới cơ quan chức năng, đồng thời tuyên truyền thông tin tới người dân. Tuy nhiên, do các trang giả mạo đầu tư mạnh vào quảng cáo, nhiều người dân vẫn chưa nắm được thông tin và tiếp tục chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo.

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện- Ảnh 4.

Các bệnh viện và trang thông tin chính thống của địa phương đã chia sẻ thông tin cảnh báo hành vi lợi dụng danh nghĩa của bệnh viện để lừa đảo.

Trước đó, vào đầu năm 2025, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, và Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã phát đi cảnh báo về các trường hợp giả mạo giấy tờ, con dấu, thậm chí giả danh y, bác sĩ để kêu gọi từ thiện. Các đối tượng này thường đánh vào lòng trắc ẩn của người dân, khiến nhiều nhà hảo tâm bị lừa.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Chuyên gia An ninh mạng Lê Phước Hòa, đồng sáng lập Dự án chống lừa đảo (chongluadao.vn) khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tiếp nhận các thông tin kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội: Các đối tượng lừa đảo này thường sử dụng hình ảnh và nội dung của các trường hợp thương tâm thực sự để tạo sự đồng cảm và kêu gọi quyên góp, nhưng lại sử dụng tài khoản cá nhân riêng để thu tiền. Mặc dù các trang mạng xã hội như Facebook đã quản lý và gỡ bỏ một số trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều trang giả mạo khác được tạo ra liên tục.

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa bệnh viện- Ảnh 5.

Chuyên gia An ninh mạng Lê Phước Hòa đã đưa ra những khuyến nghị về cách thức phòng ngừa và ứng phó với các hành vi lừa đảo này.

Về cách phòng ngừa, anh Hòa khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, không tin tưởng mù quáng vào những thông tin trên mạng xã hội mà cần xác minh thông tin với các kênh chính thức của bệnh viện, như liên hệ trực tiếp hoặc qua số hotline. Đối với các cơ quan chức năng, bệnh viện và tổ chức an ninh mạng, cần tăng cường hợp tác để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo này.

Anh Hòa cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra những nguyên tắc, quy định cụ thể đối với các nền tảng mạng xã hội trong việc quản lý và xử lý các trang giả mạo. Đồng thời, các địa phương, đoàn thể cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận diện và ứng phó với các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội.

Các vụ việc giả mạo kêu gọi từ thiện không chỉ gây thiệt hại vật chất của những nhà hảo tâm mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các bệnh viện và lòng tin của cộng đồng đối với hoạt động từ thiện. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm các hoạt động, đối tượng lừa đảo, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nội dung trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/canh-bao-lua-dao-keu-goi-tu-thien-duoi-danh-nghia-benh-vien-a127678.html