Là quốc gia xuất khẩu lâu đời nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cực nhiều mặt hàng này

Đây là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng lớn, khai thác lâu đời.

Thông tin trên báo điện tử Đảng Cộng Sản, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam vẫn nhập khẩu than để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tổng chung, Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập 17,27 triệu tấn than trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1 năm nay, Việt Nam nhập khẩu than tăng 16,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, nhưng kim ngạch lại giảm 7,7% do giá nhập khẩu trung bình giảm hơn 20%, chỉ ở mức 105,18 USD/tấn.

Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ than trong nước vẫn ở mức cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiệt điện tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu năng lượng quốc gia.

Là quốc gia xuất khẩu lâu đời nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cực nhiều mặt hàng này- Ảnh 1.

Đồ họa: PL

Indonesia tiếp tục là nguồn cung lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu than , với 6,98 triệu tấn trị giá 579 triệu USD – tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Giá nhập khẩu trung bình từ Indonesia ở mức 82,9 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình chung. Hiện, Việt Nam áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với mức 0% cho các loại than nhập khẩu từ Indonesia

Australia xếp thứ hai, cung cấp 5,36 triệu tấn than với kim ngạch 693,7 triệu USD, chiếm 31% thị phần. Dù lượng nhập tăng, giá bình quân giảm còn 129,3 USD/tấn, khiến tổng kim ngạch sụt giảm.

Nga là đối tác lớn thứ ba, xuất sang Việt Nam 1,44 triệu tấn than trị giá hơn 206 triệu USD. Dù khối lượng tăng nhẹ nhưng do giá nhập khẩu trung bình giảm gần 28% nên chỉ còn 142,3 USD/tấn.

Là quốc gia xuất khẩu lâu đời nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cực nhiều mặt hàng này- Ảnh 2.

Khai thác than tại Quảng Ninh

Theo các chuyên gia, than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ chính cho nhà máy nhiệt điện. Thống kê cho thấy, các nguồn điện được huy động giai đoạn 2020 - 2024, điện than đang đóng góp gần 50% sản lượng điện cho nền kinh tế.

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu huy động than thương phẩm tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, lên mức 43 -47 triệu tấn/năm. Đến năm 2035, đạt khoảng 94 - 127 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn 2035 - 2045, tổng nhu cầu sẽ giảm dần, đến năm 2045 còn khoảng 73 - 76 triệu tấn/năm. Để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất nội địa, Việt Nam vẫn sẽ tăng nhập khẩu từ nước ngoài.

Mặc dù nhập khẩu khá nhiều than nhưng Việt Nam cũng là quốc gia có truyền thống xuất khẩu mặt hàng này.

Theo thống kê, năm 2021, cả nước xuất khẩu được 1,812 triệu tấn than với trị giá 246 triệu USD. Năm 2022 xuất khẩu được 1,198 triệu tấn than với trị giá 411 triệu USD; năm 2023 xuất khẩu được 807.306 tấn với trị giá 249 triệu USD và năm 2024 xuất khẩu than đạt 673.783 tấn với trị giá 161 triệu USD.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị sản xuất cũng như xuất khẩu than lớn nhất Việt Nam.

Theo TKV, than dành cho xuất khẩu là than chất lượng cao, giá trị cao. Than xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là than cục và than cám (các loại cám 1, 2 và 3) – những loại than chất lượng cao được tạo ra trong quá trình sản xuất đồng thời với các chủng loại than khác theo dây chuyền công nghệ khép kín. Đây là những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu sử dụng trong nước, hoặc sử dụng không hết nên được xuất khẩu để tránh lãng phí.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/la-quoc-gia-xuat-khau-lau-doi-nhung-viet-nam-van-phai-nhap-khau-cuc-nhieu-mat-hang-nay-a126523.html