Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Trước tình trạng gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm và thực phẩm chức năng kém chất lượng, Bộ Y tế – Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa có Công văn số 2633 yêu cầu các Ban Chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai loạt biện pháp cấp bách nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống thực phẩm giả, ngộ độc thực thực phẩm.

Động thái này được đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại Công văn số 3565 liên quan đến thực trạng đáng báo động về ngộ độc thực phẩm.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương ban hành kế hoạch và triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. 

Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, như Chỉ thị số 17 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và Chỉ thị số 38 về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp chính quyền cần phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

Sữa giả được sản xuất và tung ra thị trường số lượng cực lớn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng được yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu vực trọng điểm như khu du lịch, bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch… 

Đặc biệt, cần chú trọng hướng dẫn các bếp ăn tập thể về việc lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm sao cho đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng đã được cơ quan chức năng phát hiện và công khai thông tin.

Thêm vào đó, Sở Công Thương phải chủ trì, phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp, Công an và các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung vào việc phát hiện thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, các sản phẩm không đủ điều kiện công bố hoặc đăng ký bản công bố.

Đồng thời, kiểm tra các sàn giao dịch thương mại điện tử và các gian hàng bán thực phẩm trên các nền tảng trực tuyến để xử lý kịp thời các vi phạm.

Ngoài ra, công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng cần được tăng cường. 

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về 2 sản phẩm Ăn ngon Baby shark, Medi Kid Calcium K2Thịt nướng, xiên que vào diện kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm

Kiên quyết xử lý và đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời công khai kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo cộng đồng.

Cuối cùng, công tác tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm. 

Các hình thức truyền thông kỹ thuật số sẽ được kết hợp với các phương tiện truyền thông truyền thống để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/nguoi-dung-dau-cac-cap-phai-chiu-trach-nhiem-khi-de-xay-ra-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-a126166.html