NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng

"Nữ anh hùng của màn bạc Việt" - NSƯT Thùy Liên có gần 50 năm gắn bó cùng nghệ thuật thứ bảy. Bà đã góp phần tạo nên một chương rực rỡ cho dòng phim cách mạng Việt Nam.

Sáu Linh – vai diễn để đời

NSƯT Thùy Liên, tên thật là Ngô Thị Liên, sinh năm 1952 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 5 tuổi, bà theo gia đình vào Tp.HCM sinh sống. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bà đã tham gia các phong trào văn nghệ và thể hiện năng khiếu nghệ thuật.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 1.

NSƯT Thùy Liên

Năm 18 tuổi, khi còn là nữ sinh trường Trần Hưng Đạo, bà đã tham gia diễn xuất trong các bộ phim như: Bảo tình, Ngàn dặm biệt anh, Chàng ngốc gặp hên... Năm 1976, đạo diễn Khương Mễ đã mời bà đóng một vai nhỏ trong bộ phim cách mạng Cô Nhíp, đây là một trong những bộ phim truyện đầu tiên được ra đời sau sự kiện 30/4/1975.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 2.

NSƯT Thùy Liên thời trẻ. (Ảnh: TLP).

Có thể nói, trong dòng chảy lịch sử của nền điện ảnh Việt Nam, có những gương mặt không ồn ào, không phô trương, nhưng lại lặng lẽ tỏa sáng bằng chính những vai diễn khắc sâu vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả. NSƯT Thùy Liên – người từng được mệnh danh là "nữ anh hùng của màn bạc Việt" là một biểu tượng như thế. Với hơn 40 năm gắn bó cùng nghệ thuật thứ bảy, bà đã góp phần tạo nên một chương rực rỡ cho dòng phim cách mạng Việt Nam.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 3.

NSƯT Thùy Liên, vai Sáu Linh trong bộ phim Mùa gió chướng.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 4.

Thùy Liên với những diễn xuất rất thật.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của bà chính là vai Sáu Linh trong bộ phim Mùa gió chướng (1978) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. "Đó là nhân vật thể hiện hình ảnh người phụ nữ miền Nam mạnh mẽ, can trường, dám yêu, dám hy sinh đã trở thành biểu tượng bất tử trên màn ảnh rộng. Vai diễn này không chỉ mang về cho tôi giải Bông sen vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5, mà còn mở ra cánh cửa cho hàng loạt vai diễn chính khác trong dòng phim cách mạng để tôi dấn thân, lao động, và đúc kết kinh nghiệm diễn xuất", NSƯT Thùy Liên tâm sự.

Những khúc tráng ca của thời đại

Thời ấy phim ảnh sản xuất rất ít và rất chậm, cả năm không tới 10 bộ phim, vậy mà có thời điểm Thùy Liên được mời đảm nhận ba vai chính trong ba phim được bấm máy cùng lúc. Chưa đầy 10 năm, bà đã có mặt trong 15 bộ phim truyện, gần như vai nào cũng được khán giả yêu mến, đặc biệt là hai vai làm nên tên tuổi bà, đó là: Bảy Hạnh trong Tình đất Củ Chi (đạo diễn Mai Lộc) và Sáu Linh trong Mùa gió chướng (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến)….

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 5.

NSƯT Thùy Liên một thời là người mẫu ảnh bìa báo Điện ảnh.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Liên chia sẻ, trong quá trình quay phim Mùa gió chướng kéo dài suốt 3 tháng ở vùng Đồng Tháp Mười, bà thường xuyên lội nước làm rất nhiều đỉa bám lên chân; đoàn phim phải sinh hoạt trên chiếc ghe nhỏ; mọi nhu cầu cá nhân đều rất khó khăn vất vả.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 6.

Cảnh trong phim Tình đất Củ Chi.

Nhưng với NSƯT Thùy Liên, bà không bị "đóng khung" trong một hình mẫu mà luôn mang đến sự đa dạng, chiều sâu tâm lý trong từng nhân vật khi thể hiện. Dù là vai Bảy Hạnh trong "Tình đất Củ Chi", hay người phụ nữ thành thị đối mặt với những biến động hậu chiến trong phim "Cô Nhíp", tất cả các vai của bà đều thấm đẫm nỗi đau, sự hy sinh và lòng kiêu hãnh của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Bà thể hiện diễn xuất trước ống kính rất tinh tế.

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy – Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM đã từng nhận xét: "Những bộ phim của bà không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi bà hóa thân thành một trong những hàng triệu người phụ nữ vô danh đã làm nên thắng lợi của dân tộc bằng sự cống hiến thầm lặng. Ở cuộc sống đời thường, bà đã vượt lên hào quang, sống với nghệ thuật bằng sự khiêm nhường".

Nhờ sự tâm huyết và lăn xả qua từng vai diễn, bà đã đoạt giải Bông sen vàng dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc hạng mục phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội và trở thành nữ diễn viên miền Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Năm 1985, Thùy Liên đoạt huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM với vở kịch Xa thành phố yêu dấu. Đến năm 1990, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Từ thập niên 2000, bà chuyển sang dòng phim truyền hình và vào vai những người bà, người mẹ trong các bộ phim như: Gió rừng tràm, Chuyện ngày ấy quê tôi, Sương gió biên thùy.

NSƯT Thùy Liên: Biểu tượng nghệ thuật của điện ảnh cách mạng- Ảnh 7.

NSƯT Thùy Liên có gần 50 năm gắn bó với điện ảnh.

Trải qua thời gian làm nghề với không ít thăng trầm và cống hiến cho đam mê nghệ thuật, NSƯT Thùy Liên đã gắn bó với điện ảnh gần 50 năm. Những năm gần đây, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của hội nghệ sĩ cao tuổi TP.HCM và nhiều tổ chức khác.

Tùng Lam (t/h)



Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/nsut-thuy-lien-bieu-tuong-nghe-thuat-cua-dien-anh-cach-mang-a125772.html