Ông Trump ký loạt sắc lệnh về thủy sản, tham vọng 'nước Mỹ trên hết'

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một loạt sắc lệnh hành pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản Mỹ. Các sắc lệnh nhắm đến việc nới lỏng quy định trong nước, mở rộng khu vực khai thác và siết chặt kiểm soát đối với thủy sản nhập khẩu.

Chiến lược hải sản

Nhà Trắng cho biết, Mỹ mặc dù sở hữu hơn 10 triệu km2 ngư trường chính trên biển nhưng ̣90% sản phẩm về hải sản phải nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại vượt quá 20 tỷ USD.

Ông Trump tuyên bố, với các chính sách mới, chính quyền đã "giải phóng ngư dân" khỏi những quy định bị coi là rườm rà và sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài, mục tiêu nâng cao xuất khẩu thủy sản.

Một trong những quyết định đáng chú ý là việc mở cửa trở lại một phần Khu bảo tồn biển quốc gia quần đảo ở Thái Bình Dương cho hoạt động đánh bắt thương mại.

Theo đó, tàu treo cờ Mỹ sẽ được phép đánh bắt trong phạm vi từ 50-200 hải lý tính từ bờ biển khu vực này. Chính quyền kỳ vọng biện pháp này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Samoa thuộc Mỹ và các vùng đảo xa khác.

Ông Trump ký loạt sắc lệnh về thủy sản, tham vọng 'nước Mỹ trên hết'- Ảnh 1.

Một tàu đánh bắt tôm hùm của ngư dân Mỹ. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các khu bảo tồn biển hiện có, với khả năng điều chỉnh quy định nhằm mở rộng phạm vi cho phép khai thác.

Một sắc lệnh khác yêu cầu Bộ Thương mại đánh giá lại các quy định hiện hành để xem xét khả năng đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định bị cho là cản trở sự phát triển của các lĩnh vực như đánh bắt thương mại, nuôi trồng thủy sản và chế biến cá.

Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) cũng được giao nhiệm vụ áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả giám sát nghề cá, cải thiện việc thu thập dữ liệu và mở rộng các chương trình cấp phép khai thác thử nghiệm.

Đáng chú ý, loạt sắc lệnh lần này đặt nền móng cho Chiến lược hải sản “ nước Mỹ trên hết ”, với các mục tiêu bao gồm tăng xuất khẩu, bảo vệ thị trường nội địa trước cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát thủy sản nhập khẩu không đạt chuẩn về môi trường và lao động.

Chương trình giám sáp nhập khẩu thủy sản của Mỹ được kỳ vọng sẽ có thêm thẩm quyền để nhận diện và ngăn chặn nguồn cung có nguy cơ cao từ các quốc gia bị cáo buộc vi phạm quy định quốc tế.

Ngư dân vui mừng, nhà môi trường lo ngại

Bà Lisa Wallenda Picard - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Thủy sản Quốc gia tại Virginia - chia sẻ rằng, qua các cuộc trao đổi với ngư dân, nhiều ngư dân cảm thấy tương lai tươi sáng hơn nhờ lệnh hành pháp của ông Trump. Những thay đổi này thể hiện một "cách tiếp cận chiến lược, chu đáo" có thể là cứu cánh cho ngư dân Mỹ.

Ông Trump ký loạt sắc lệnh về thủy sản, tham vọng 'nước Mỹ trên hết'- Ảnh 2.

Những sắc lệnh mới về thủy sản của ông Trump sẽ giúp nước Mỹ phát triển chiến lược thương mại hải sản một cách toàn diện.

Tuy nhiên, các sắc lệnh này lại vấp phải sự phản đối của nhiều nhóm bảo vệ môi trường. Theo một số nhóm bảo vệ môi trường, Đạo luật Bảo tồn và quản lý nghề cá Magnuson-Stevens đã hướng dẫn hoạt động quản lý nghề cá của Mỹ trong gần 50 năm và nhằm mục đích chống lại tình trạng đánh bắt quá mức. Nhấn mạnh rằng, đạo luật này là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Số lượng đàn cá trong danh sách đánh bắt quá mức của Mỹ trong giai đoạn 2013 - 2023 đã tăng từ 40 lên 47. Nhiều nhà bảo tồn cho biết, họ lo ngại rằng, con số đó sẽ tăng lên khi các quy định về khai thác mới bị nới lỏng.

“Những sắc lệnh hành pháp này không nới lỏng thủ tục hành chính, chúng làm mất đi mạng lưới an toàn bảo vệ đại dương, ảnh hưởng nền kinh tế và có thể làm mất đi những bữa tối hải sản trong tương lai”, Beth Lowell - Phó Chủ tịch của nhóm bảo tồn Oceana - nhấn mạnh.

Hiện nay, việc khai thác một số loại thủy sản quá mức đã để lại hậu quả nặng nề về thay đổi môi trường. Ví dụ như ở vùng Đông Bắc - nơi mà ngành công nghiệp tôm Maine và cá tuyết Đại Tây Dương từng mang lại lợi nhuận cao - đã khiến mặt hàng này cạn kiệt từ lâu. Việc khai thác một số loại cá hồi ở Bờ Tây cũng gặp khó khăn do tình trạng cá đã cạn kiệt.

Phản bác lại các nhóm bảo tồn, chính quyền Tổng thống Trump lập luận rằng những hạn chế như giới hạn đánh bắt đã kìm hãm một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất của đất nước. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump nêu rõ: "Ngoài việc quản lý quá mức, các hoạt động thương mại không công bằng đã khiến thị trường hải sản của chúng ta mất lợi thế cạnh tranh". Sắc lệnh này sẽ giúp nước Mỹ phát triển chiến lược thương mại hải sản một cách toàn diện.

Theo Reuters, AP

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ong-trump-ky-loat-sac-lenh-ve-thuy-san-tham-vong-nuoc-my-tren-het-a125093.html