Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt có mục tiêu rất lớn khi chỉ trong 5 năm tới, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại. Theo tính toán, mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, đây là bài toán nan giải trong thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá điện.

Đau đầu khi tính toán khung giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố mức tính toán sơ bộ khung giá phát điện cho các loại hình nhiệt điện sử dụng LNG tái hóa, điện BOT sử dụng nhiên liệu LNG tái hóa, thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi , điện chất thải rắn (điện sản xuất từ rác).

Một trong những loại nguồn điện nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư là điện gió ngoài khơi, được đề xuất với mức giá khác nhau tại ba khu vực địa lý trọng điểm gồm miền Bắc, Nam Trung bộ và miền Nam.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khu vực miền Bắc với các vị trí tiềm năng tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình đang giữ mức giá phát điện cao nhất trong ba vùng, lên tới 3.975 đồng/kWh.

Tại Nam Trung Bộ, cụ thể là khu vực Bình Thuận, giá điện gió ngoài khơi được ước tính ở mức 3.078 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, khu vực miền Nam với đại diện là Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá 3.868 đồng/kWh, cao hơn khu vực Trung Bộ nhưng vẫn thấp hơn khu vực phía Bắc.

Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?- Ảnh 1.

Giá điện gió ngoài khơi được đề xuất khác nhau theo 3 khu vực.

Theo EVN, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đạt đến giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu khả thi. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các tính toán về khung giá đang dựa trên giả định, thông số mô phỏng và các nghiên cứu sơ bộ. Khi có dự án cụ thể, các yếu tố này có thể thay đổi đáng kể, đặc biệt là chi phí đầu tư, chi phí vận hành, lãi vay và rủi ro tài chính.

Đối với điện sản xuất từ rác, đơn vị tư vấn là Viện Năng lượng rà soát số giờ vận hành tính toán sản lượng điện năng bình quân, giá thu gom rác bình quân: Khung giá phát điện thải rắn có số giờ vận hành Tmax = 6.500h là 2.575 đồng/kWh; dự án có số giờ vận hành Tmax = 7.500h sẽ là 2.189,6 đồng/kWh.

Còn khung giá thủy điện tích năng, Viện Năng lượng tính toán cập nhật bổ sung chi phí đầu tư hồ dưới tham khảo từ Thủy điện tích năng Phước Hòa. Tuy nhiên, theo EVN, các kết quả tính toán khó có thể kiểm tra, đối chứng, do đó để đảm bảo khách quan, EVN đề nghị báo cáo Bộ Công Thương để bộ này xem xét, quyết định.

Thực tế, với nhiều loại hình năng lượng tái tạo mới xuất hiện ở Việt Nam, việc đưa ra giá điện phù hợp, đủ hấp dẫn đang khiến các đơn vị tư vấn, thực hiện, quản lý khá đau đầu.

Nhiều yếu tố cần xem xét

Trao đổi với PV Tiền Phong , TS Nguyễn Huy Hoạch - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng, việc sớm đưa ra mức giá các loại hình phát điện trong bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt là rất quan trọng.

Theo ông Hoạch, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam (không bao gồm xuất khẩu) đạt 183.291 - 236.363 MW, gấp 2-2,8 lần so với công suất hiện tại. Đây có thể xem là mục tiêu tham vọng và để đạt được cần có hành lang pháp lý rõ ràng, giải pháp đột phá, với cơ chế giá điện hấp dẫn.

Chẳng hạn, với điện gió ngoài khơi, đến nay Việt Nam chưa triển khai dự án nào nên để đưa ra một mức giá cụ thể cần tham khảo kỹ lưỡng các nước, và bối cảnh của Việt Nam. Với loại hình này, các nhà đầu tư rót vốn chủ yếu bằng USD, do đó việc đưa ra giá điện bằng VNĐ cũng cần phải cân nhắc, xem có đáp ứng được không.

Đặc biệt, ông Hoạch cho rằng, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tăng mạnh năng lượng tái tạo như điện mặt trời , điện gió, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, pin lưu trữ… Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần cho cả đầu vào, đầu ra.

Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia, cần sớm áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần đối với các dự án điện tái tạo.

“Các chi phí sản xuất điện hiện nay cộng thành một cục nên giá điện lúc thấp điểm, cao điểm như thế nào chưa rõ ràng. Chưa kể, kết luận thanh tra trước đây liên quan các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn dư âm nên các nhà đầu tư sẽ thận trọng. Đây là bài toán mà cơ quan Nhà nước cần tính toán nếu muốn thu hút được nguồn lực đầu tư sắp tới”, ông Hoạch nói.

Một nhà đầu tư điện rác ở Hà Nội cho rằng, yếu tố quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay đối với lĩnh vực điện rác nằm ở giá điện. Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu điện sản xuất từ rác, chất thải rắn đến năm 2030 đạt khoảng 1.441 - 2.137 MW. Tuy nhiên, thời gian qua các dự án điện rác được triển khai và đi vào hoạt động mới đếm trên đầu ngón tay.

Theo vị này, trung bình thời gian triển khai một dự án điện rác mất khoảng 5 năm mới đi vào hoạt động. Song mỗi năm, tiền VNĐ trượt giá trung bình từ 4-6%. Như vậy 5 năm sau tính cả trượt giá và lũy kế tương đương là mất giá khoảng 30%.

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, để thực hiện được mục tiêu của điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong vòng 5 năm tới từ 2026 - 2030, số vốn cần đầu tư cho ngành điện đạt khoảng 136,3 tỷ USD. Như vậy, mỗi năm cần 27,6 tỷ USD, gấp đôi so với quy hoạch đã được duyệt cách đây 2 năm.

Hiện nay, các tập đoàn điện lực lớn của Nhà nước cũng chỉ đủ khả năng tập trung vào đầu tư một vài dự án trọng điểm như điện khí, LNG, điện hạt nhân, một vài dự án điện gió ngoài khơi và các dự án lưới điện cốt lõi, còn hầu như phải trông cậy và nguồn lực tư nhân, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo.

“Với thời gian ngắn và yêu cầu cao, các yếu tố thị trường để huy động nguồn vốn và nhân lực khủng được xem là tiên quyết”, ông Anh Tuấn nói và cho rằng, từ khi Việt Nam chấm dứt cơ chế hỗ trợ giá FIT (khuyến khích), đến nay công suất các nguồn điện tái tạo đưa vào rất thấp (khoảng 1.200 MW điện gió) và hầu như không có dự án điện mặt trời mặt đất nào.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/gia-dien-tai-tao-bat-cap-lam-sao-thu-hut-duoc-dau-tu-a125087.html