Vì sao có lợi thế lớn về giá điện rẻ, quỹ đất dồi dào nhưng Việt Nam vẫn thua thiệt so với một số nước khu vực trong cuộc đua trung tâm dữ liệu?

Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2025 vừa được Viettel IDC phối hợp cùng các đối tác tổ chức vào sáng 22/4 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh công nghệ xanh không chỉ là xu hướng mà còn trở thành yếu tố cốt lõi định hình tương lai của ngành Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây, DCCI Summit 2025 năm nay tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy những sáng kiến đổi mới với quy mô hoành tráng, nhằm đưa công nghệ xanh trở thành lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Hội nghị DCCI Summit 2025 với chủ đề "Green Tech, Green Future - Công nghệ xanh cho tương lai bền vững" quy tụ hơn 2.000 khách mời là đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng hơn 20 chuyên gia đầu ngành đến từ những hãng công nghệ lớn trên thế giới như Google, Alibaba, Cisco, Sangfor, AIREV, Intel, AMD, Arista, Commvault, Crayon/Broadcom...

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Bá Tân, CEO Viettel IDC khẳng định, công nghệ AI đã thực sự từng bước len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, dù chúng ta có thực sự nhận ra hay không.

Cùng với đó, về phát triển các trung tâm dữ liệu (IDC), ông Lê Bá Tân - Giám đốc Viettel IDC cho biết, trước đây, các Bigtech thiết lập IDC trên cơ sở vị trí thuận lợi, phù hợp cho chiến lược sản xuất kinh doanh thì nay bắt đầu là có những điều chỉnh mới. Như các IDC của Google hay Microsoft ở các khu vực Đông Nam Châu Á rất rõ. Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Úc, Newzealand đều đang có sự hiện diện gia tăng của các IDC.

Vì sao có lợi thế lớn về giá điện rẻ, quỹ đất dồi dào nhưng Việt Nam vẫn thua thiệt so với một số nước khu vực trong cuộc đua trung tâm dữ liệu?- Ảnh 1.

Điều này thể hiện được xu hướng các ông lớn của ngành đang thích ứng dần và có xu hướng di chuyển, đầu tư các trung tâm dữ liệu local tại các quốc gia mà họ đặt chân tới cũng như để thỏa mãn các yêu cầu về bảo mật dữ liệu của các quốc gia là khách hàng lớn của các Bigtech. Đây chính là một trong những xu thế mà Việt Nam trong tương lai tới cũng sẽ bắt đầu diễn ra xu hướng này.

Bên cạnh  xu hướng về phát triển IDC và ứng dụng các công nghệ mới thì hiện nay một trong những xu hướng của các nhà cung cấp IDC là phải luôn biết cách cân bằng giữa việc mở rộng các IDC, nâng cao năng lực hiệu quả của IDC cũng như triển khai các dịch vụ cloud services với việc phát triển bền vững IDC của mình.

Như chúng ta đã biết, tại COP 26, mục tiêu Netzero rất rõ, Thủ tướng Chính phủ đã tham gia và có những cam kết hết sức mạnh mẽ. Trong đó, đến năm 2050, Việt Nam cam kết sẽ là một quốc gia có phát thải ròng carbon bằng 0.

“ Do vậy, các công nghệ mới Viettel IDC lựa chọn thì chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường chứng chỉ năng lượng, và có cả những chiến lược phát triển bền vững đã bắt đầu được xây dựng. Năm 2023, Viettel IDC cũng đã chính thức công bố báo cáo phát triển bền vững và đấy là một trong những cam kết mạnh mẽ của chúng tôi về chiến lược - green của Viettel IDC ”, ông Tân nhấn mạnh.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thị trường phát triển IDC dự báo là sẽ đạt được quy mô khoảng 23.000 Megawatt vào năm 2029 và tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 10,2%/năm. “ Với Việt Nam, chúng ta mặc dù có lợi thế về giá điện, tương đối rẻ, quỹ đất dồi dào, tuy nhiên, Việt Nam đang có một số hạn chế, thua thiệt so với một số các quốc gia khác trong khu vực, đó là chưa có sự tham gia đông đảo của các cộng đồng Bigtech đầu tư các IDC lớn tại Việt Nam ”, CEO Viettel IDC cho biết.

“ Cùng với đó, Việt Nam đang còn có một số các hạn chế về hạ tầng, kết nối hợp tác quốc tế. Hiện nay, tổng số tuyến cáp quang quốc tế của Việt Nam là 6 tuyến, 4 tuyến cáp quang biển và 2 tuyến cáp quang đất liền. Trong khi so sánh với các quốc gia trong khu vực thì Singapore là 30 tuyến, Malaysia là 22 tuyến, rồi Indonesia là 18 tuyến, đều vượt Việt Nam rất xa ”, ông Tân cho biết thêm.

Vì sao có lợi thế lớn về giá điện rẻ, quỹ đất dồi dào nhưng Việt Nam vẫn thua thiệt so với một số nước khu vực trong cuộc đua trung tâm dữ liệu?- Ảnh 2.

Mặc dù vậy, Chính phủ đã nhìn thấy xu hướng này và hiện nay đã có quyết sách chiến lược rất mạnh mẽ. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có 15 tuyến cáp quang biển để đảm bảo hạ tầng kết nối hết sức bền vững và Việt Nam sẽ cạnh tranh, nâng cấp hạ tầng quốc gia không chỉ là IDC mà còn cả các chính sách để kết nối, đảm bảo sự tin cậy, bền vững của hạ tầng kết nối đi ra thế giới.

Theo báo cáo của WB phát hành vào đầu năm 2025, ước tính tổng điện tiêu thụ tại các trung tâm dữ liệu của ASEAN sẽ tăng từ mức 2% lên 6% tổng mức tiêu thụ trên toàn khu vực, tức là gấp khoảng từ 1,5-3 lần Việt Nam.

Trong bức tranh của khu vực thì tất cả các quốc gia hiện nay đều có xu hướng là cung nhiều hơn cầu, tức là đang dư thừa về nguồn cung IDC, trong đó có Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Riêng Việt Nam có xu hướng ngược lại, tức là nhu cầu đang vượt trên khả năng cung cấp của các nhà cung cấp hạ tầng IDC là 38%. Đây chính là một trong những cơ hội rất tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam tiếp tục phát triển.

Chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu của Việt Nam có một điểm rất lớn, đó là mức đầu tư của chúng ta hiện nay khoảng 6,7 triệu USD/megawatt và so với mức phổ biến trong khu vực là khoảng 8,5 triệu USD, còn  mức cao thì là 11,2 triệu USD.

Qua đó cho thấy Việt Nam đầu tư chỉ tốn một nửa chi phí so với cả các nước khác đầu tư. Đấy chính là điểm mạnh của Việt Nam và do vậy mặt bằng giá thuê colocation của Việt Nam hiện nay đang thấp hơn các nước trong khu vực trên thế giới từ 40-80 %.

Điều này cũng giúp dịch vụ colocation Việt Nam tiếp cận được rất nhiều bạn hàng và rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu tại Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có niềm tin rằng  thị trường này sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai không xa với những điều kiện thuận lợi về chi phí và giá.

Năm 2024, bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ IDC và cloud  quen thuộc trong nước như Viettel, VNPT, CMC, VNZ, FPT… thì Việt Nam đón nhận một xu thế mới, đó chính là làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ nước ngoài, họ đã bắt đầu tiếp cận vào thị trường Việt Nam. Các tên tuổi đã ký hợp tác đầu tư như từ Singapore hay là Samsung (Hàn Quốc), với một số các ông lớn khác đang trong quá trình thăm dò khảo sát. Đấy là những tín hiệu rất là đáng vui mừng và phấn khởi, ông Tân chia sẻ.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/vi-sao-co-loi-the-lon-ve-gia-dien-re-quy-dat-doi-dao-nhung-viet-nam-van-thua-thiet-so-voi-mot-so-nuoc-khu-vuc-trong-cuoc-dua-trung-tam-du-lieu-a124766.html