Bức tranh thương mại điện tử B2B Việt Nam 2025 ra sao?

Việt Nam đang nổi lên như là một trong những trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TMĐT B2B không chỉ mở rộng cánh cửa ra thế giới cho doanh nghiệp mà còn góp phần chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang hiện đại và bền vững hơn.

Bức tranh thương mại điện tử B2B Việt Nam 2025 ra sao?- Ảnh 1.

Thị trường đang vươn mình mạnh mẽ

Theo nhiều báo cáo ngành, giá trị của thị trường thương mại điện tử B2B ((Business to business) toàn cầu đã vượt ngưỡng 20.000 tỷ USD, và Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng này. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua kênh thương mại điện tử đạt gần 5 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm trước.

"Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhờ vào lực lượng lao động có tay nghề cao, chi phí cạnh tranh, và sự hậu thuẫn từ chính phủ trong quá trình chuyển đổi số. Một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng này là mức tăng trưởng 22% về số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên Alibaba.com trong năm 2023", ông Ông Young Liu - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam nhận định.

Các chuyên gia tin rằng thương mại điện tử B2B đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu trong chiến lược xuất khẩu và phát triển kinh doanh quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng số hóa mạnh mẽ.

Với lợi thế về nguồn cung đa dạng, chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, TMĐT B2B không chỉ mở rộng cánh cửa ra thế giới cho doanh nghiệp nội địa mà còn góp phần chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang hiện đại và bền vững hơn.

Nhiều ngành hàng chủ lực bứt phá

Dựa theo thống kê lượt xem trang sản phẩm và giao dịch trên Alibaba.com, các ngành hàng từ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc gồm: Thời trang & Phụ kiện, Thể thao & Giải trí, Đồ gia dụng & Nội thất, Giày dép & Phụ kiện, Thực phẩm & Đồ uống.

Đặc biệt, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam – như mây tre đan, sản phẩm từ trấu, gỗ dừa, lá cọ... đang trở thành biểu tượng cho "sự khác biệt có bản sắc". Đây không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện văn hoá, môi trường và giá trị cộng đồng – những yếu tố đang được người tiêu dùng quốc tế quan tâm.

Bức tranh thương mại điện tử B2B Việt Nam 2025 ra sao?- Ảnh 2.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế đặc biệt ưa thích.

Trước đây, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam chủ yếu dựa vào các kênh phân phối truyền thống và hội chợ thương mại. Tuy nhiên, những rào cản về địa lý, chi phí tiếp thị và tiếp cận khách hàng đã làm chậm tốc độ phát triển của ngành. TMĐT B2B hiện nay không chỉ giải quyết được các nút thắt đó mà còn tạo ra sân chơi công bằng cho cả doanh nghiệp lớn lẫn các làng nghề, hộ sản xuất nhỏ lẻ. Theo chuyên gia Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao: "TMĐT B2B là con đường ngắn nhất để sản phẩm truyền thống Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới mà không cần đầu tư lớn cho hạ tầng".

Thông qua các nền tảng như Alibaba.com, các nghệ nhân tại làng nghề Bát Tràng, Phú Vinh, Kim Sơn… có thể giới thiệu sản phẩm của mình tới hàng triệu khách hàng tiềm năng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tính năng như "ready to ship" (sẵn sàng vận chuyển) hoặc "low MOQ" (số lượng đặt hàng tối thiểu thấp) giúp thu hút các nhà mua hàng lẻ hoặc công ty SME từ châu Âu, Mỹ và cả châu Phi.

Vừa tiềm năng, vừa thách thức

Dù có tiềm năng lớn, phần lớn doanh nghiệp Việt – đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ (SME) – vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận TMĐT B2B. Một khảo sát của VECOM (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) cho thấy, chỉ 15% doanh nghiệp nhỏ có đội ngũ chuyên trách TMĐT, trong khi hơn 50% cho biết họ "gặp khó khăn nghiêm trọng" khi triển khai các kênh xuất khẩu số.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Alibaba.com nhận định các SME của Việt Nam gặp một số rào cản khi tiếp cận khách hàng doanh nghiệp quốc tế như thiếu kỹ năng vận hành gian hàng và sử dụng nền tảng hiệu quả; hạn chế về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp với khách hàng quốc tế; thiếu chiến lược quảng bá và quản lý thương hiệu số và khó khăn trong thanh toán và logistics xuyên biên giới.

Bức tranh thương mại điện tử B2B Việt Nam 2025 ra sao?- Ảnh 3.

Theo ông Ông Young Liu - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam, nền tảng này đang đưa ra hàng loạt các chiến lược để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế thông qua TMĐT B2B.

Do đó, Alibaba.com không chỉ đóng vai trò là kênh bán hàng mà còn là một "trợ lý chiến lược" cho doanh nghiệp Việt trong hành trình toàn cầu hóa với hàng loạt các giải pháp, công cụ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt ở sân chơi B2B, có thể kể đến như Smart Assistant: Tối ưu hoá hoạt động, nhắc việc, đề xuất từ khóa, phân tích hiệu suất, Dịch ngôn ngữ tự động: Hỗ trợ tới 16 ngôn ngữ, xóa bỏ rào cản giao tiếp, Thanh toán đảm bảo & Logistics trực tuyến: Giúp doanh nghiệp an tâm giao dịch quốc tế hay các chương trình đào tạo liên tục 12 tháng từ kiến thức cơ bản đến kỹ năng nâng cao về vận hành gian hàng, tiếp thị kỹ thuật số và chăm sóc khách hàng quốc tế.

Tương lai rộng mở tại các thị trường mới nổi

Ngoài Mỹ – thị trường truyền thống – thì các quốc gia như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Nam Phi đang có mức tăng trưởng lượt tìm kiếm sản phẩm Việt trên Alibaba.com vượt 70% mỗi năm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang chuyển dịch, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp Việt.

Ông Lê Hải Bình – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng – nhận định: "Việt Nam không nên chỉ nhắm tới một vài thị trường lớn, mà phải chủ động đa dạng hoá điểm đến xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro và tận dụng các hiệp định thương mại tự do."

Trong bức tranh xuất khẩu hiện tại, TMĐT B2B có thể đóng vai trò là đòn bẩy chiến lược. Với tiềm lực sản xuất, tính linh hoạt cao và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nền tảng như Alibaba.com, doanh nghiệp Việt – từ các tập đoàn lớn cho đến hộ sản xuất tại làng nghề – đều có cơ hội bước ra sân chơi toàn cầu một cách hiệu quả, bền vững và đầy triển vọng.


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/buc-tranh-thuong-mai-dien-tu-b2b-viet-nam-2025-ra-sao-a124665.html