Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt

Gần 20 năm sau ngày sáng tạo ra Unikey hoàn toàn miễn phí, ông Phạm Kim Long lần đầu có buổi chia sẻ riêng với chúng tôi về những điều ông đã, đang và sẽ làm với tinh thần “vì con người”.

Nhiều người biết đến UniKey – bộ gõ tiếng Việt huyền thoại trên Windows – nhưng ít ai biết mặt người đã viết ra nó. Tác giả phần mềm này không chạy theo spotlight, không phát biểu hào nhoáng trên các sân khấu lớn, nhưng sản phẩm của ông thì len lỏi vào từng góc nhỏ cuộc sống số của người Việt, từ lớp học, văn phòng đến quán net đầu những năm 2000.

25 năm sau, người kỹ sư ấy – Phạm Kim Long – vẫn đang âm thầm làm điều tương tự. Nhưng lần này, ông không viết phần mềm gõ tiếng Việt nữa. Ông đang phát triển những sản phẩm trí tuệ nhân tạo , giúp hàng chục triệu người dù thuộc bất cứ độ tuổi hay ngành nghề nào, ở thôn quê hay thành thị, đều có thể dễ dàng quản lý chi tiêu, gửi tiết kiệm, đầu tư, và tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống - thông qua công nghệ.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 1.

Ông Phạm Kim Long "cha đẻ" của UniKey hiện đang là Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển AI & Big Data tại MoMo.

Từ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đến AI tài chính, hành trình tưởng như rẽ ngoặt ấy thực chất lại rất liền mạch: vẫn là công nghệ, vẫn là những dòng mã, và vẫn là mong muốn tạo ra một sản phẩm đủ tốt để phục vụ thật nhiều người Việt. Và hôm nay, chúng tôi lần đầu tiên có dịp được nói chuyện với một trong những người đã góp phần sáng tạo nên những giải pháp ấy.

Làm sản phẩm công nghệ đại chúng: động lực bắt đầu đến từ nhu cầu rất con người

Q: T ừ UniKey cho đến Zalo AI và nay là MoMo, hành trình phát triển của ông gắn liền với các sản phẩm đại chúng. Động lực nào khiến ông luôn chọn những bài toán để phục vụ số đông như vậy?

A: " Tôi nghĩ động lực lớn nhất là xuất phát từ sự tò mò, yêu thích các bài toán kỹ thuật bắt nguồn từ chính những nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống - đấy là tinh thần xuyên suốt hành trình làm công nghệ của tôi từ UniKey trước đây cho tới hiện tại ở MoMo.

Như với UniKey, ban đầu tôi làm bộ gõ tiếng Việt chỉ đơn giản để phục vụ nhu cầu cá nhân. Lúc ấy, tôi tò mò làm thế nào để gõ tiếng Việt trên Windows thật mượt, thật ổn định. Nhưng sau khi chia sẻ sản phẩm và thấy được tệp người dùng ngày càng mở rộng, nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng, tôi càng có thêm động lực cải tiến và hoàn thiện sản phẩm hơn.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 2.

"Ban đầu tôi tạo ra bộ gõ tiếng Việt UniKey chỉ đơn giản để phục vụ nhu cầu cá nhân".

Còn với MoMo hiện nay, tôi muốn thử sức ở lĩnh vực mới với tôi là công nghệ tài chính. Tôi bị cuốn hút vì các dịch vụ tài chính của MoMo có sức ảnh hưởng rất thiết thực tới hàng chục triệu người dùng Việt Nam. Những bài toán cùng với công nghệ ở MoMo phức tạp, thách thức hơn nhiều so với UniKey, vốn là sản phẩm cá nhân".


Làm công nghệ cho người Việt: cần kiên định, cần quan sát, và cần lắng nghe

Q: Từ vai trò cha đẻ của UniKey – công cụ đã góp phần phổ cập gõ tiếng Việt trên môi trường số – và sau này là người dẫn dắt nền tảng fintech với hàng chục triệu người dùng như MoMo, theo ông đâu là những thách thức và bài học trong việc phát triển sản phẩm công nghệ đại chúng? Có sự khác biệt gì khi làm sản phẩm cho người Việt so với cho người dùng quốc tế?

A: " Trên hành trình phát triển các sản phẩm đại chúng cho thị trường trong và ngoài nước, tôi cũng đúc rút được nhiều bài học cho bản thân và đội ngũ. Đầu tiên là sự kiên định – phải thật rõ ràng với mục tiêu và lý do vì sao mình bắt đầu. Không có sản phẩm nào thành công ngay từ lần đầu tiên nên mình phải luôn sẵn sàng thử và sửa sai, liên tục cải tiến, dù là ở khía cạnh tính năng, trải nghiệm hay kỹ thuật. Như ở MoMo, chúng tôi luôn giữ tinh thần "tiến lên từ thất bại" (fail-forward): xem thất bại như cột mốc để học hỏi và trưởng thành từ đó.

Ngoài ra, luôn phải có cơ chế lắng nghe người dùng. Ngày xưa làm UniKey thì tôi đọc nhận xét trên các diễn đàn. Còn bây giờ ở MoMo, việc thu thập và xử lý phản hồi của người dùng đã chuyên nghiệp hơn nhiều, có hệ thống AI phân tích dữ liệu, thu thập góp ý, có hệ thống chăm sóc khách hàng... để hiểu rõ người dùng đang gặp khó khăn ở đâu và điều chỉnh sản phẩm sát nhu cầu nhất.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 3.

"Thời UniKey làm gì có user feedback trực tiếp? Tôi phải lên diễn đàn xem người ta nói gì về sản phẩm. Còn với MoMo thì đã có rất nhiều kênh khác nhau để thu thập điều này".

Sản phẩm công nghệ cho người Việt thì hiển nhiên phải xử lý các vấn đề đặc trưng về ngôn ngữ tiếng Việt, về tính địa phương của Việt Nam, và về thói quen của người Việt. Nhưng cũng phải thừa nhận, các công nghệ AI hiện nay ngày càng làm mờ khác biệt về mặt ngôn ngữ, càng hiểu sâu, biết nhiều. Ngay bản thân trong các mô hình ngôn ngữ lớn, khả năng "nói nhiều thứ tiếng" ngày càng tốt.

Tôi rất tâm đắc với triết lý phát triển và vận hành sản phẩm xuyên suốt ở MoMo là "customer centricity", lấy người dùng làm trung tâm. Đặc biệt, các sản phẩm tài chính của MoMo hướng đến phục vụ mọi người, nhất là những người khó tiếp cận được các dịch vụ tài chính qua các kênh truyền thống. Đội ngũ MoMo, và cả sản phẩm, công nghệ MoMo xây dựng phải có khả năng hiểu khách hàng, để từ đó mang đến những dịch vụ họ thực sự cần. Trong việc thực thi thì luôn phải đặt câu hỏi "làm việc này có gì tốt cho khách hàng, có giải quyết được khó khăn khách hàng gặp phải không?" .


Hành trình đến với AI: tiếp nối đam mê giải bài toán ngôn ngữ

Q: Cơ duyên đưa anh đến với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là gì? Lý do nào mà anh chọn MoMo và bến đỗ để thực hiện tầm nhìn của mình sau ZaloAI?

A: " Hành trình đến với AI đối với tôi thật ra là một sự nối dài rất tự nhiên từ những gì mình đã làm trước đó. Ngày xưa làm UniKey – bộ gõ tiếng Việt – thì đã liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên rồi. Sau này tôi vẫn tiếp tục làm các sản phẩm liên quan đến ngôn ngữ. Mà khi đã làm về xử lý ngôn ngữ tự nhiên thì kiểu gì cũng phải dùng AI.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 4.

"Những thứ phát triển vượt bậc của AI hiện nay đều xuất hiện từ trong trong kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên".

Tôi bắt đầu tiếp cận AI từ khoảng 2017–2018, khi thử đưa các phương pháp như Machine Learning vào sản phẩm để xem hiệu quả có tốt hơn không – và kết quả thì khá rõ. Mọi thứ cứ thế phát triển lên. Đến giờ, khi nhìn lại, tôi thấy mình cũng may mắn vì những ứng dụng AI bùng nổ hiện tại cũng dựa trên các kiến trúc và kỹ thuật được dùng trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Vậy nên hành trình của tôi với AI thực ra không phải là một cú rẽ ngoặt, mà là tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn từ đầu.

Còn về lý do chọn MoMo thì khi trò chuyện với các anh lãnh đạo ở MoMo như anh Tường, anh Hùng (CTO), các anh đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cho tôi với định hướng: đưa AI thành công cụ để tạo ra giá trị thật để AI thực sự đi vào cuộc sống người Việt, mở ra cơ hội tài chính công bằng cho tất cả mọi người. Mỗi giai đoạn phát triển ở MoMo là một bước tiến rõ rệt, ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số: từ thanh toán không tiền mặt, rồi đến gửi tiết kiệm, bảo hiểm, tín dụng và quản lý chi tiêu.

Và sau một thời gian đồng hành, tôi rất vui mừng vì MoMo không chỉ có sự phát triển liên tục về công nghệ, sản phẩm, mà ở đây còn các đồng nghiệp rất năng động, thân thiện, luôn tôn trọng và hỗ trợ nhau hết mình " .



"AI Việt" – không chỉ là AI dùng tiếng Việt

Q: Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm AI mới của Đông Nam Á. Theo ông đâu là lợi thế của người Việt khi phát triển AI cho chính người Việt?

A: " Tôi không nhìn theo góc độ lợi thế hay không. Tôi chỉ có suy nghĩ ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất là yếu tố địa phương. Như đã nói ở trên, các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay có khả năng xử lý đa ngôn ngữ rất tốt – trong đó có cả tiếng Việt. Tuy nhiên, để mô hình thực sự hiểu và phục vụ tốt người dùng bản địa thì vẫn cần thêm một lớp điều chỉnh dựa trên ngữ cảnh, thói quen và cách sử dụng đặc trưng tại Việt Nam.

Ví dụ như phải có bộ dữ liệu tiếng Việt đủ tốt để đánh giá xem mô hình nào thực sự phù hợp cho vấn đề của mình, hoặc để tinh chỉnh (finetune) các mô hình có sẵn để thực sự tối ưu cho người dùng Việt. Rồi có những bài toán riêng – như các nghiệp vụ trong ngành tài chính hay hành vi người dùng tại Việt Nam – thì các mô hình AI kiểu “generic” không đủ thông tin để phục vụ mình tốt được.. Khi đó mình phải kết hợp – kiểu như tôi hay nói vui là “Đông Tây y kết hợp” – tức là có mô hình sẵn, nhưng phải cắm thêm API, thêm dữ liệu của mình vào thì mới giải bài toán được.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 5.

"Những bài toán đặc thù của ngành hay sản phẩm cho người Việt thì một công cụ AI Generic chắc chắn không thể giải hết được. Mình phải Đông Tây Y kết hợp, lấy dữ liệu và API của mình vào".

Thứ hai là thế mạnh về con người. Tôi nghĩ người Việt nói chung thích học toán và giỏi toán. Toán học là nền tảng rất tốt để làm về công nghệ thông tin nói chung, hay AI nói riêng. Chúng ta có nguồn nhân lực đông đảo, trẻ, năng động, linh hoạt và rất thích thử cái mới. Điều đó là rất tốt để chúng ta có thể nhanh chóng áp dụng công nghệ vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống".

Q: Vậy thì theo ông thì định nghĩa AI trong tài chính thể hiện qua những khía cạnh nào? Nhiều người cũng cho rằng tài chính là thứ phức tạp và lạnh lùng, ông có nghĩ AI có thể khiến tài chính trở nên gần gũi, nhân văn hơn như thế nào?

A: " Tôi nghĩ là điều này cũng được giải đáp trong định vị mới của MoMo là "Trợ thủ tài chính với AI". Trong đấy hàm chứa nhiều ý mà tôi cũng rất muốn chia sẻ.

Thứ nhất là tài chính phải dễ tiếp cận. Như bạn nói, nhiều người vẫn thấy tài chính là thứ gì đó khô khan, lạnh lùng – hầu hết là số liệu, biểu đồ hay phép tính. Không phải ai cũng thông thạo tính toán hay hiểu hết mấy chuyện như gửi tiết kiệm bao nhiêu, vay thế nào là hợp lý.... Vậy nên nếu muốn người dùng sử dụng tài chính một cách chủ động thì mình phải làm sao để mọi thứ trở nên đơn giản, dễ hiểu.Ví dụ trên MoMo có những dịch vụ như Vay Nhanh , nhờ có AI giúp đơn giản hóa thủ tục, giúp duyệt khoản vay nhanh, thì chỉ mất vài phút là bạn đã được nhận được tiền rồi. Tôi đánh giá là những tiện ích đó giúp mọi người làm mọi thứ với tài chính dễ dàng hơn.

Hay là với sản phẩm Quản lý chi tiêu chẳng hạn, người dùng cứ chi tiêu trên MoMo sau đấy có thể xem tổng kết cuối tháng và biết là mình chi vào khoản gì, được chia thành các nhóm. Tất cả những điều này đều được AI giúp tự động phân loại. Trước đây mình nghĩ quản chi tiêu phức tạp thì AI sẽ thay mình sắp xếp ngăn nắp hơn. Tôi nghĩ đó là cách mà AI giúp tài chính trở nên gần gũi hơn – tức là giúp người dùng hiểu mình đang làm gì với tiền của mình, mà không cảm thấy áp lực " .

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 6.
Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 7.

"Tôi nghĩ là AI đang làm mọi thứ đơn giản hơn".

Q: Vậy thì AI đó sẽ đóng vai trò là một trợ lý gợi ý cho mình hay là tự động làm hết các thao tác quản lý?

A: " Thực ra trong mảng ứng dụng tài chính điều mà tôi mong AI có thể làm tốt nhất là đóng vai trò như một người hỗ trợ – đứng phía sau, đưa ra những tư vấn hữu ích, giúp mọi người quản lý tài chính một cách chủ động và dễ dàng hơn. Tức là không phải thay mình làm hết, mà là giúp mình ra quyết định tài chính tốt hơn " .

Q: Vậy thì nếu phải tóm gọn tương lai của AI trong tài chính phần 1 câu, ông sẽ nói gì?

A: " Tôi nghĩ là AI trong tài chính thì giúp người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ có thêm nhiều kiến thức tài chính thiết thực và giúp họ chủ động hơn về tài chính cá nhân, như kiểu chi tiêu thế nào quản lý dòng tiền ra làm sao. Nói đơn giản là AI đang làm mọi thứ dễ hiểu và dễ làm hơn " .

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 8.


AI không thay con người – mà làm cho con người giỏi hơn

Q: Có nhiều ý kiến lo ngại AI sẽ thay thế con người và hàng triệu lao động có thể mất việc. Là một người xây dựng hệ thống AI trong ngành tài chính thì ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

A: " AI chắc chắn giúp ích cho mọi người nâng cao năng suất lao động. Với mỗi người, việc sử dụng AI sẽ làm cho công việc của họ tốt hơn, dễ dàng hơn. Đâu đấy thì cũng có thể có những việc đáng lẽ cần nhiều người thì giờ cần ít đi. Tôi nghĩ có lẽ không nên quá lo lắng về khả năng AI lấy mất việc, mà nên nhìn góc độ tích cực nhiều hơn. Ví dụ, một công việc nếu trước đây mình phải làm trong 8 tiếng, thì nhờ AI có thể chỉ mất 4 tiếng. 4 tiếng còn lại mình dùng để làm những việc khác khó hơn, đòi hỏi tư duy hơn. Những phần lặp đi lặp lại thì AI làm, còn phần cần suy nghĩ, đánh giá, ra quyết định thì vẫn là con người.

Một ví dụ thực tế ở MoMo với đội ngũ chăm sóc khách hàng (CSKH). Khi chúng tôi phát triển AI chatbot trong CSKH thì mục tiêu không phải là để giảm bớt nhân lực làm công việc này mà để giúp một nhân viên có thể hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn.. Những chatbot AI sẽ hỗ trợ phản hồi khách hàng trước những câu hỏi đơn giản, khi có vấn đề phức tạp thì mới chuyển đến nhân sự phụ trách. Bên cạnh chatbot thì MoMo cũng đang xây dựng công cụ AI hỗ trợ cho công việc của các bạn CSKH trong quá trình phản hồi như gợi ý câu trả lời, hoặc trích xuất nhanh thông tin liên quan.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 9.

"Thay vì lo lắng bị AI thay thế thì nên suy nghĩ tích cực là mình khai thác được AI để nâng cao hiệu suất công việc".

Để tổng kết lại, tôi nghĩ con người sẽ dần thích nghi, tiếp nhận và thay đổi cách thực hiện công việc của mình để sử dụng AI một cách hiệu quả nhất. Thay vì lo lắng bị AI thay thế thì nên suy nghĩ tích cực là mình khai thác được AI để nâng cao hiệu suất công việc” .

Q: Vậy thì MoMo có thống kê là có bao nhiêu % bộ phận/nhân sự đã áp dụng AI cho công việc không?

A: " Con số cụ thể thì sẽ khác nhau tùy từng nhóm công việc, nhưng tôi nghĩ là ở MoMo gần như ai cũng đã dùng AI ở một mức độ nào đó rồi.

Ví dụ như bây giờ, các bạn làm về sản phẩm, hay nghiên cứu thị trường khi bắt đầu tìm hiểu một vấn đề, bước đầu tiên sẽ là dùng công cụ AI. Ngày xưa thì bắt đầu từ Search, tra lọc dữ liệu thủ công, bây giờ là AI. Các bạn sẽ giao cho AI nhiệm vụ nghiên cứu và viết báo cáo sơ bộ về một chủ đề nào đó, rồi từ bản báo cáo đó mới tiếp tục đào sâu, phân tích chuyên sâu hơn

Hoặc như đội ngũ kỹ sư phần mềm, khi nhận một yêu cầu mới thì ngày trước sẽ phải tự viết code, tự phân tích đầu bài, nhưng bây giờ mình có thể nhờ AI là viết thử một chương trình theo yêu cầu này để xem nó thể hiện ra làm sao. Lát cắt đầu tiên sẽ do là AI làm, sau đấy thì mình đánh giá, chỉnh sửa, rồi quyết định xem nên đi theo hướng nào " .

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 10.
Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 11.

Q: Kỳ vọng/tầm nhìn của ông về mức độ phát triển của AI tại MoMo trong 5-10-15 năm tới? Sự phát triển ấy sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng, thương nhân, đối tác, cộng đồng và xã hội như thế nào?

A: " Ở thời điểm này tôi rất thích định vị của MoMo là “Trợ thủ tài chính với AI”, nghĩa là trợ thủ cho tất cả những thứ mình đang làm.

Tôi kỳ vọng sau này mọi tương tác sẽ đơn giản đến mức người dùng chỉ cần nói một câu thôi. Ví dụ như: ‘Tìm và mua giúp tôi vé xem phim Địa Đạo tối thứ Bảy cho 4 người, chỗ ngồi đẹp’. Nếu không còn vé ở chỗ đẹp thì AI có thể hỏi lại: ‘Anh có muốn chọn suất khác không?’ – kiểu vậy. Một câu nói thôi mà AI có thể xử lý được cả chuỗi thao tác phía sau.

Trong tài chính cũng vậy. Người dùng không cần phải nhớ kỳ hạn, lãi suất, biểu phí… Chỉ cần nói nhu cầu, còn lại AI sẽ gợi ý – nên gửi tiết kiệm chỗ nào, nên chia tiền ra sao, nên đặt giới hạn chi tiêu thế nào cho phù hợp. Mọi thứ sẽ đơn giản hơn, dễ hiểu hơn.

Tôi mong rằng trong 5–10 năm tới, AI của MoMo có thể thực sự trở thành một trợ thủ đúng nghĩa – hiểu người dùng, đồng hành với họ, và giúp mỗi người Việt chủ động hơn trong việc quản lý tài chính của mình" .

Khi công nghệ ngày càng hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống thường nhật, những câu chuyện làm sản phẩm với tinh thần kiên định, bền bỉ như của ông Phạm Kim Long mang đến một góc nhìn đáng suy ngẫm. Không phải lúc nào những người tiên phong cũng bước đi giữa ánh đèn sân khấu. Có những con đường âm thầm hơn, nơi mà công nghệ được tiếp cận như một công cụ để giải quyết những nhu cầu rất đời thường – từ việc gõ tiếng Việt cho thuận tiện, đến việc giúp một người dùng bình thường dễ dàng hơn trong quản lý tài chính cá nhân.

Từ cha đẻ Unikey đến Trưởng bộ phận AI của MoMo, ông Phạm Kim Long nói về cách làm AI cho người Việt- Ảnh 12.

"Tôi muốn là tất cả mọi thứ nó đúng với vai trò trợ lý, tức là người dùng chỉ cần nói, còn lại AI tự thực hiện. Hy vọng là sẽ được như vậy".

Hành trình làm sản phẩm công nghệ của ông Phạm Kim Long cho thấy một điểm nhất quán: luôn bắt đầu từ những bài toán rất con người. Dù là phần mềm đơn giản hay hệ thống trí tuệ nhân tạo phức tạp, ông Long chọn tiếp cận từ nhu cầu cụ thể, rồi dần hoàn thiện bằng công nghệ. Cách tiếp cận đó giúp các sản phẩm không chỉ “đúng kỹ thuật” mà còn “đúng người”, phù hợp với cách sống, cách nghĩ của số đông người Việt.

Câu chuyện của ông Phạm Kim Long không phải một hình mẫu lý tưởng, mà là một lát cắt đời thực về cách công nghệ có thể phát triển tại Việt Nam – bằng con đường riêng, với nhịp điệu riêng. Và trong bức tranh lớn về chuyển đổi số, có lẽ chính những người làm sản phẩm hiểu ngôn ngữ, hiểu hành vi, và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu lâu dài mới là những người góp phần định hình cách AI sẽ gắn bó với cuộc sống người Việt trong tương lai gần.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tu-cha-de-unikey-den-truong-bo-phan-ai-cua-momo-ong-pham-kim-long-noi-ve-cach-lam-ai-cho-nguoi-viet-a124658.html